Hàng loạt chính sách quan trọng chính thức có hiệu lực từ 1/1/2021

Cơ hội giao thương - Quy định mới về tuổi nghỉ hưu và các trường hợp tinh giản biên chế; thưởng Tết có thể không phải bằng tiền; "Khai tử" dịch vụ đòi nợ thuê… là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2021.

Tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động từ 2021

Theo bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 (có hiệu lực từ 1/1/2021), tuổi nghỉ hưu của người lao động được điều chỉnh theo hướng tăng lên và tăng từng năm.

Cụ thể, khoản 2, điều 169 BLLĐ quy định “kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ”. Đồng thời, tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh theo cách tính này sẽ được áp dụng cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Thưởng Tết có thể không phải bằng tiền

Từ ngày 1/1/2021, Bộ luật Lao động năm 2019 sẽ chính thức có hiệu lực. Bộ luật Lao động mới đã mở rộng khái niệm Thưởng – không chỉ là tiền mà còn bằng các hình thức khác. Cụ thể, Điều 104 của Bộ luật mới quy định về Thưởng thay vì Tiền thưởng như Bộ luật Lao động 2012.

Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động;

 

Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc, sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Như vậy, Bộ luật Lao động 2019 không bắt buộc người sử dụng lao động phải thưởng Tết, thưởng vào các ngày lễ khác… cho người lao động. Bên cạnh đó, Bộ luật Lao động 2019 quy định: Người sử dụng lao động có thể thưởng cho người lao động không chỉ bằng tiền, mà có thể bằng hiện vật như chính hàng hóa, dịch vụ của công ty; hoặc thưởng bằng các hình thức khác như phiếu mua hàng giảm giá, chuyến du lịch…

“Khai tử” dịch vụ đòi nợ thuê

Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 sẽ chính thức “khai tử” dịch vụ đòi nợ. Theo Điều 6 Luật Đầu tư 2020, cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây: Kinh doanh dịch vụ đòi nợ; Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người (bổ sung việc cấm mua, bán xác, bào thai người); Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người; Kinh doanh pháo nổ…

Người dân được phép bắn pháo hoa trong dịp lễ Tết, sinh nhật

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 137/2020 quy định về quản lý, sử dụng pháo. Trong đó, nghị định mới bổ sung thêm nhiều điểm về các trường hợp được phép sử dụng pháo cũng như các hành vi bị nghiêm cấm về pháo nổ. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 11/1/2021.

Tại Điều 17, nghị định cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp: lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hoá nghệ thuật.

 

Nghị định cũng yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Nhiều đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV, gồm 10 chương, 218 điều, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, thay thế Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 (hết hiệu lực).

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được đánh giá có nhiều nội dung, quy định mới nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động, như quy định về điều kiện đăng ký doanh nghiệp, rút ngắn thời gian báo trước khi tạm ngừng kinh doanh từ 2021…

Đáng chú ý, Luật đã bổ sung đối tượng không được thành lập doanh nghiệp, gồm: Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng…

 

Quy định mới về các trường hợp tinh giản biên chế

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 143/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP. Nghị định có hiệu lực từ ngày 23/01/2021.

Nghị định 143/2020/NĐ-CP sửa đổi quy định về các trường hợp tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế và cán bộ, công chức cấp xã hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật (gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức).

Theo VnMedia

(Visited 20 times, 1 visits today)