Sang chiết gas trái phép sử dụng thủ đoạn ngày càng tinh vi

Cơ hội giao thương - Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương, các đối tượng sang chiết gas trái phép sử dụng thủ đoạn ngày càng tinh vi nhằm qua mặt lực lượng chức năng như tận dụng bãi đỗ xe trống trải cách xa khu dân cư, các khu nhà trọ, bãi đất trống, để tiến hành sang chiết gas trực tiếp từ xe bồn chứa LPG vào bình gas loại 12kg một cách nhanh chóng, tiện lợi thu gọn hiện trường…
Ngày 12/9/2019, Vụ thị trường trong nước – Bộ Công Thương phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) tổ chức Hội thảo: “Tiềm năng phát triển thị trường khí tại Việt Nam”.
 
Thị trường khí hóa lỏng trên thế giới đang rất sôi động
 
Theo ông Tô Quốc Trụ – Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, hiện nay, Việt Nam có khoảng trên 10.000MW công suất nhà máy điện tubin khí, sử dụng khí đồng hành thiên nhiên tại các khu vực như: Phú Mỹ (Bà Rịa) khoảng 4.000MW, Nhơn Trạch khoảng 3.000MW, Cà Mau 1.500MW, lượng khí đồng hành thiên nhiên lấy từ các mỏ dầu, như Bạch Hổ, PM3 và Phú Mỹ 3….hàng năm trên dưới 1 tỷ m3 khí, lượng khí đó chỉ đáp ứng tối đa 60% công suất của các nhà  máy điện tubin khí; số thiếu ngành năng lượng cần phải phát bù bằng chạy dầu FO.
 
Cũng theo ông Trụ, do tình hình tiến độ các nhà máy nhiệt điện than từ nay tới năm 2030 xây dựng chậm, các nhà máy thủy điện hiện tại có công suất khoảng 17.000MW nằm trong tình trạng trái đất nóng lên, biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính, hiện tượng Enilo, hạn hán kéo dài nên nhiều hồ thủy điện ở mực nước chết hoặc dưới mực nước chết giảm công suất phát điện làm ảnh hưởng tới việc cung cấp điện toàn hệ thống. Ngoài ra, hiện tại hàng chục nghìn MW nhà máy điện tubin khí đã có cũng đang thiếu khí cần phải nhập thêm khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) để bổ sung cho đủ công suất đảm bảo cân bằng hệ thống do vậy việc quy hoạch hạ tầng cơ sở để nhập khí thiên nhiên hóa lỏng LNG tại các khu vực như Cảng Phú Mỹ (Bà Rịa), Cảng Nhơn Trạch, Cà Mau – Ô Môn, trong những năm tới cần được Chính phủ giao cho Bộ Công Thương chỉ đạo EVN, PVN phối hợp triển khai thực hiện 1 cách khẩn trương, nghiêm túc, sâu sắc để đạt được kết quả như mong đợi.
 
“Thị trường LNG hiện nay trên thế giới đang rất sôi động, để có được giá cạnh tranh cần có việc xúc tiến, đầu tư, thăm dò, tìm kiếm, sự giúp đỡ của các Bộ Ngành đặc biệt là Bộ Công Thương thông qua các cơ quan hợp tác quốc tế để khai thác được nguồn cung có trữ lượng và giá thành tốt nhất để nhập khẩu LNG về Việt Nam trong những năm tới”, ông Trụ chia sẻ.
 
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Đoàn Hồng Hải – Trưởng phòng, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương cho biết, theo quy hoạch đến năm 2030, hệ thống điện Việt Nam sẽ bổ sung thêm khoảng 12.000 MW điện khí. Và các nhà máy điện sử dụng nguồn khí trong nước gồm Miền Trung 1,2;  Dung quất 1,2,3 (750 MW/nhà máy) sử dụng khí mỏ Cá Voi Xanh; Ô Môn 2,3,4 (1050 MW/nhà máy) sử dụng khí Lô B; TBKHH Quảng Trị (375 MW) sử dụng khí mỏ Báo Vàng.
 
Để phát triển nhiệt điện khí, ông Hải cho rằng, cần có sự điều hành, quyết định của Chính phủ trên cơ sở mục tiêu “đảm bảo cung cấp điện, hài hòa lợi ích của các nhà đầu tư và khách hàng sử dụng điện”. Cùng với đó, có cơ chế cho các dự án điện khí để đảm bảo hiệu quả dự án và thu hút đầu tư.
 
Tồn tại tình trạng kinh doanh gas cạnh tranh không lành mạnh
 
Liên quan đến tình trạng vi phạm kinh doanh khí hóa lỏng (LPG) tại Việt Nam, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, trong thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng (LPG) và đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh LPG chiếm dụng trái phép chai LPG của các doanh nghiệp có uy tín, trong đó có nhiều chai LPG chiếm dụng bị cắt tay xách, mài vỏ, không được kiểm định và đưa ra thị trường có chiều hướng phức tạp và tinh vi hơn, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, rò rỉ gas, cháy nổ, đe dọa trực tiếp tới tài sản, tính mạng người sử dụng.
 
Theo thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường, trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành 1.052 lượt kiểm tra, phát hiện 562 vụ việc vi phạm trong kinh doanh LPG, tịch thu 950 chai LPG, 1.086 chai LPG mini. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên là 615 triệu đồng.
 
Cũng theo Tổng cục Quản lý thị trường, các đối tượng sang chiết gas trái phép ngày càng sử dụng thủ đoạn tinh vi hơn nhằm qua mặt lực lượng chức năng như: Tận dụng bãi đỗ xe trống trải cách xa khu dân cư, các khu nhà trọ, bãi đất trống, để tiến hành sang chiết gas trực tiếp từ xe bồn chứa LPG vào bình gas loại 12kg một cách nhanh chóng, tiện lợi thu gọn hiện trường hoặc sang chiết gas mini trái phép. Mặt khác, việc sang chiết được thực hiện lén lút, ngoài giờ, thường xuyên thay đổi địa điểm nên rất khó phát hiện, gây khó khăn trong công tác kiểm tra và xử lý.
 
Ngoài ra, một số cửa hàng kinh doanh LPG không đảm bảo các yêu cầu tối thiểu theo quy định thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như hình thức bốc xếp, bảo quản chai gas LPG; Tận dụng nhà ở làm nơi kinh doanh, không có hệ thống kho dự trữ riêng biệt, kinh doanh gas chung với nhiều mặt hàng khác; Lao động trong cửa hàng kinh doanh gas không ổn định, thường xuyên thay đổi nên việc tập huấn, đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên không thể kịp thời; Việc thực hiện xuất hóa đơn bán hàng của thương nhân tổng đại lý, đại lý còn lỏng lẻo, không ghi rõ nhãn hiệu LPG chai, tại mục tên hàng hóa, dịch vụ chỉ ghi “khí dầu mỏ hóa lỏng” mà không ghi rõ các nhãn hiệu, không có thông tin số sêri chai, loại chai, thời gian ghi kiểm định, nên khó đối chiếu với hàng hóa đang được kinh doanh thực tế tại cửa hàng. 
 
Theo VnMedia
 
(Visited 44 times, 1 visits today)