Chính sách quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường: Kinh nghiệm từ Hoa Kỳ

Cơ hội giao thương - Dự án “Từ Hoa Kỳ đến Việt Nam: Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về phát triển bền vững” triển khai tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Lạt, nhằm chia sẻ những kinh nghiệm tiên tiến của Hoa Kỳ về chính sách quản lý tài nguyên cũng như các sáng kiến bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn.

Từ ngày 26/6 đến 7/7/2024, dự án “Từ Hoa Kỳ đến Việt Nam: Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về phát triển bền vững” đã được triển khai thành công tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Lạt.

Chuyên gia Hoa Kỳ chia sẻ cùng cộng đồng tại sự kiện phối hợp cùng Trung tâm Hoa Kỳ tại Hà Nội.

Với sự tham gia của chuyên gia Hoa Kỳ là lãnh đạo cơ quản quản lý môi trường tại thành phố Costa Mesa (bang California), dự án đã tiếp cận đa dạng các đối tượng ở Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm tiên tiến về chính sách quản lý tài nguyên cũng như các sáng kiến tiêu biểu giúp bảo vệ môi trường.

Dự án là hoạt động tiếp nối của cán bộ trẻ sau khi tham gia chương trình học bổng Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI), được bảo trợ bởi chính phủ Hoa Kỳ.

Ông Scott Carroll – Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh của thành phố Costa Mesa, bang California, Hoa Kỳ đã chia sẻ những bài học quý báu liên quan đến phát triển bền vững mà tiêu biểu là chương trình tái chế chất thải hữu cơ lề đường ở các khu dân cư thành khí thiên nhiên tái tạo (Renewable Natural Gas), thông qua việc áp dụng công nghệ phân hủy kỵ khí (anaerobic digestion technology). Đây là một trong những sáng kiến tiên tiến nhất trên thế giới giúp tái chế chất thải thực phẩm, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn.

Làm việc cùng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ông Scott cũng chia sẻ những quy định ban hành mới nhất của California về phát triển bền vững. Theo đó, chính quyền bang California hướng đến việc giảm 75% chất thải hữu cơ trên toàn bang, bao gồm cả chất thải thực phẩm và chất thải xanh khác như cỏ vụn, đồng thời giảm thiểu 20% lãng phí thực phẩm để phân bổ thức ăn cho những đối tượng cần thiết.

Ông Scott cho biết, tại Hoa Kỳ, dự luật Hạ viện (Assembly Bill) 939 được ban hành năm 1989 là quy định đầu tiên trên toàn nước Mỹ yêu cầu người dân, doanh nghiệp phải tái chế và giảm thiểu rác thải. Những thành phố không đạt được yêu cầu dự luật đề ra có thể bị xử phạt với mức phạt lên đến 10.000 đô la Mỹ một ngày.

Chuyên gia Hoa Kỳ chia sẻ cùng sinh viên Đại học RMIT và đại diện doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ.

Bên cạnh đó, dự án còn phối hợp cùng Đại học RMIT tổ chức tọa đàm thảo luận về thực trạng xử lý rác thải tại Việt Nam cũng như khả năng áp dụng những mô hình thành công từ Hoa Kỳ. Anh Nguyễn Đình Đăng Khoa- Cán bộ trẻ tham gia chương trình YSEALI tại Hoa Kỳ năm 2023, đồng thời cũng là Quản lý dự án lần này cho biết: Khái niệm về phát triển bền vững đang ngày càng trở nên phổ biến hơn đối với các tổ chức và cá nhân hoạt động tại Việt Nam. Hy vọng thông qua chia sẻ hữu ích và thực tiễn từ chuyên gia Hoa Kỳ, chúng ta sẽ có thể bắt tay phối hợp với nhau, tạo nên những thay đổi mang tính chiến lược và tích cực hơn cho tổ chức của mình cũng như cho cộng đồng.

Theo VietQ.vn

Chính sách quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường- kinh nghiệm từ Hoa Kỳ (vietq.vn)

(Visited 20 times, 1 visits today)