Câu chuyện xuất khẩu chính ngạch, tiểu ngạch ở một thị trường trọng điểm

Cơ hội giao thương - Sự sụt giảm xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc nếu nhìn ở khía cạnh tích cực, đó là sự cảnh báo cần thiết cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc giữa cái bấp bênh của xuất khẩu tiểu ngạch và chi phí bỏ ra cho “tổ chức lại sản xuất nông nghiệp” để được chấp thuận xuất khẩu chính ngạch.

Xuất khẩu chính ngạch – xu hướng mới
Tháng 1 năm nay, Công ty CP Vinamit đón tin vui khi Trung Quốc cấp Chứng nhận hữu cơ cho sản phẩm mít hữu cơ (gồm mít tươi và mít sấy). Với tấm giấy thông hành này, sản phẩm nông sản hữu cơ cao cấp của Vinamit chính thức xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tỷ dân. Cụ thể, Vinamit ký thỏa thuận với Công ty TNHH Trái cây Nongfu Thượng Hải để phân phối hơn 150.000 tấn trái cây tươi giai đoạn 2019 – 2020 tại thị trường Trung Quốc. Trong liên kết này, Nongfu sẽ hỗ trợ Vinamit trong việc phát triển sản phẩm quả tươi cho riêng thị trường Thượng Hải.

Giữa tháng 2 thêm một tin vui nữa, Vinafood 2 và Thung lũng Thực phẩm Nông nghiệp Công nghệ cao Quốc gia Sơn Đông (Trung Quốc) ký kết xuất khẩu chính ngạch 100 nghìn tấn gạo Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Cuối tháng 4, Tập đoàn TH và đối tác Wuxi Jinqiao International Food City (đơn vị sở hữu trung tâm đầu mối hàng hóa lớn nhất Trung Quốc, có kim ngạch giao dịch 120 tỉ nhân dân tệ/năm) đã ký kết biên bản xuất khẩu sản phẩm sữa sang Trung Quốc theo đường chính ngạch. v.v… và v.v…

Bộ Công Thương với nỗ lực mở cửa thị trường
Con đường để nông sản Việt Nam được chấp thuận xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc không phải một sớm một chiều, mà là cả một sự nỗ lực bền bỉ của hai bên trong thời gian tương đối dài. Tháng 5/2016, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh có buổi hội đàm song phương với Tổng cục trưởng Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch quốc gia Trung Quốc (AQSIQ) Chi Thụ Bình. Hai bên đã đưa ra các biện pháp tạo thuận lợi trong các hoạt động kiểm nghiệm, kiểm dịch đối với hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Phía AQSIQ cam kết phối hợp với Việt Nam sớm hoàn thành các thủ tục đánh giá liên quan để sản phẩm sữa, thịt lợn và một số loại hoa quả của Việt Nam có thể xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc.

4 tháng sau đó, một lần nữa Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh hội đàm với Tổng cục trưởng AQSIQ Chi Thụ Bình. Hai bên đạt được nhất trí về phối hợp đẩy nhanh các thủ tục pháp lý mở cửa thị trường và tháo gỡ rào cản cho các sản phẩm sữa, thịt lợn, một số loại trái cây, sản phẩm nông sản, thủy sản… của Việt Nam xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc. Đặc biệt, hai bên đã trao cho nhau dự thảo Bản ghi nhớ về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, coi đây là biện pháp thiết thực nhằm cụ thể hóa các nội dung hợp tác giữa hai bên.

Tháng 4/2017, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Chung Sơn. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tiếp tục đưa ra các phương án mở cửa thị trường Trung Quốc cho các mặt hàng nông sản (trái cây, thủy sản, thịt lợn, sản phẩm sữa…), thúc đẩy ký kết thỏa thuận dài hạn về thương mại gạo giữa các doanh nghiệp lớn hai nước… Bộ trưởng Chung Sơn đã nhất trí và yêu cầu các đơn vị liên quan của hai Bộ khẩn trương phối hợp chặt chẽ triển khai các nhiệm vụ và giải quyết các vấn đề Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu.

Tháng 3/2019, trong buổi hội đàm với ông Lộc Tâm Xã, Bí thư Đảng ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, Bộ trưởng Công Thương đã đề nghị phía Quảng Tây tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi thông quan hàng hóa cho các sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời, có ý kiến đối với Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm cấp phép nhập khẩu chính thức một số sản phẩm nông sản mà phía Quảng Tây có nhu cầu lớn như chanh leo, măng cụt, sầu riêng, khoai lang…

Một tháng sau, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh có buổi gặp và làm việc với Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Nghê Nhạc Phong. Hai bên thống nhất phối hợp triển khai tốt Nghị định thư về mở cửa thị trường Trung Quốc đối với sản phẩm sữa, măng cụt Việt Nam. Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, sẽ tích cực phối hợp với phía Việt Nam tiếp tục triển khai các thủ tục đánh giá rủi ro đối với sầu riêng, chanh leo, bơ, bưởi, dừa, na, roi theo thứ tự ưu tiên và các sản phẩm khác như khoai lang và tổ yến Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc…

Có thể coi mỗi cuộc hội đàm giữa hai bên là những cột mốc quan trọng hướng đến mục tiêu đưa hàng nông sản Việt Nam vượt qua được những hàng rào kỹ thuật, được chấp thuận xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Nhìn lại những cột mốc thì đơn giản vậy, nhưng giữa những cột mốc ấy, là hàng chục các cuộc đàm phán, nỗ lực làm việc hết mình ở cấp chuyên viên của hai bên để đi đến thống nhất về cơ chế, tiêu chuẩn, phương pháp về thủ tục đánh giá rủi ro, kiểm dịch, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc với hàng nông sản Việt Nam.

Xin nêu một trường hợp của Vinamit để chúng ta thêm tự hào về các doanh nghiệp Việt nuôi dưỡng khát vọng đưa nông nghiệp Việt Nam ra thế giới. Dù Vinamit đã được cấp chứng nhận hữu cơ của Hoa Kỳ và EU nhưng vẫn phải đăng ký thực hành tiêu chuẩn hữu cơ trong 3 năm liên tiếp. Phía Trung Quốc chỉ đánh giá chứng nhận những cây đã có trái và có thể thu hoạch, kiểm tra ngay tại nông trại, trực tiếp đếm thực tế số cây, tổng sản lượng trái và chỉ cấp chứng nhận cho đúng diện tích trồng, số cây và sản lượng trái tương ứng. Và Vinamit đã đáp ứng được chuẩn mực khắt khe nhất, sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên, vì sức khỏe cộng đồng.

Một trường hợp khác cho chúng ta thấy rằng, đi cùng với sự kiểm soát khắt khe về chất lượng là nỗ lực hợp tác của cơ quan quản lý nhà nước hai bên theo đúng tinh thần “phối hợp đẩy nhanh các thủ tục pháp lý mở cửa thị trường cho hàng nông sản Việt Nam”; đó là TH True Milk. Trong khi Trung Quốc đang hoàn tất báo cáo đánh giá rủi ro để mở cửa thị trường sữa cho Việt Nam, thì doanh nghiệp này đã triển khai giới thiệu sản phẩm tại nhiều thị trường trọng điểm của Trung Quốc. Và khi Nghị định thư được ký kết, TH đã có chi nhánh tại Quảng Châu, hệ thống phân phối ở Thâm Quyến, Quảng Tây, Hong Kong. Điều này cho thấy, việc Trung Quốc theo dõi toàn bộ khâu sản xuất, từ con giống, bãi cỏ, quy trình chăn nuôi, giám sát chất lượng cho đến khâu chế biến… được minh bạch về tiêu chuẩn, tiêu chí, phương pháp đánh giá, nên trong quá trình phía Trung Quốc hoàn tất báo cáo đánh giá, TH có thể tự “chấm điểm” cho mình về khả năng đáp ứng hàng rào kỹ thuật và tự tin đi trước một bước trong xúc tiến thương mại.

Tổ chức lại sản xuất

Chính sách quản lý của Trung Quốc yêu cầu hàng nhập khẩu chất lượng cao hơn, có truy xuất nguồn gốc sản phẩm, song vẫn còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa thay đổi cho phù hợp với thị trường; vẫn xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, khi Trung Quốc tăng cường kiểm soát đường biên, hạn chế hàng tạm nhập tái xuất thì nhiều xuất khẩu một số mặt hàng sang Trung Quốc chững lại.Cụ thể 6 tháng đầu năm gạo giảm hơn 70%, sắn giảm gần 18%, thủy sản giảm gần 10%.

Tháng 5 năm 2018, trong thảo luận ở tổ của đại biểu Quốc hội về tình hình kinh tế – xã hội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính nữa, bởi họ cũng theo thông lệ chung của quốc tế trong truy xuất nguồn gốc, kiểm tra chất lượng. Vì vậy theo Bộ trưởng, “phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng kiểm soát tốt chất lượng và sự an toàn của sản phẩm”.

Trước đó, tháng 4 năm 2018, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam tổ chức ở Hải Dương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng kêu gọi “tổ chức lại sản xuất” theo tiêu chuẩn, quy định của thị trường nhập khẩu, đảm bảo uy tín chất lượng và sự bền vững cho hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam.

Sự sụt giảm xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc nếu nhìn ở khía cạnh tích cực, đó là sự cảnh báo cần thiết cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc giữa cái bấp bênh của xuất khẩu tiểu ngạch và chi phí bỏ ra cho “tổ chức lại sản xuất nông nghiệp” để được chấp thuận xuất khẩu chính ngạch.

Theo VnMedia

(Visited 18 times, 1 visits today)