Chuyển dịch năng lượng- xu thế tất yếu
Tại hội thảo “Xanh hóa năng lượng trong sản xuất với giải pháp bền vững cho tương lai” tổ chức tại Hà Nội ngày 27/9/2024, các diễn giả có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng xanh, xây dựng mô hình sản xuất xanh và tăng trưởng bền vững… đã chia sẻ về giải pháp xanh hóa năng lượng trong sản xuất, nhằm góp phần cùng các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng 0 – Net Zero.
Hội thảo “Xanh hóa năng lượng trong sản xuất với giải pháp bền vững cho tương lai” diễn ra ngày 27/9/2024 tại Hà Nội
Kinh tế xanh (Green economy) là nền kinh tế ít các-bon, giảm thiểu mối nguy hại đến môi trường cũng như tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Nền kinh tế xanh là một khuôn khổ kinh tế lồng ghép các hoạt động kinh tế với vấn đề bảo vệ môi trương và tài nguyên, từ đó tạo nên sự phát triển kinh tế bền vững, ổn định nguồn lao động, duy trì hệ sinh thái , giảm thiểu rủi ro môi trường cũng như sự khan hiếm về tài nguyên.
Tại Việt Nam, chủ đề năng lượng xanh ngày càng nhận được sự quan tâm rộng rãi của Chính phủ, doanh nghiệp và công luận, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đã có cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26 với mục tiêu thách thức đưa Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tăng trưởng xanh, bền vững và sản xuất xanh đã trở thành chương trình nghị sự quan trọng được Chính phủ tiếp tục quan tâm thúc đẩy trong thời gian tới. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn từ năm 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ ban hành với các mục tiêu tham vọng nhằm đưa Việt Nam đi tắt đón đầu, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên. Việt Nam đã quyết tâm lựa chọn cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo định hướng tăng trưởng xanh.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 – Netzero vào năm 2050. Trong đó, đặt mục tiêu giảm 43,5% lượng khí thải nhà kính và nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 70% trong kế hoạch phát triển năng lượng vào năm 2050.
Quyết định số 896/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050” ngày 26/7/2022 đã đưa ra lộ trình hướng tới mức phát thải ròng bằng không.
Mục tiêu tổng thể của Chiến lược bao gồm “Giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao khả năng chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế”.
Là đơn vị Tổng thầu EPC của nhiều dự án năng lượng lớn, Công ty Cổ phần Phát triển năng lượng xanh Intech Việt Nam (Intech Energy) thường xuyên phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp… tổ chức thành công nhiều chiến dịch truyền thông về phát triển năng lượng xanh, giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Ông Hoàng Hữu Thắng- Chủ tịch Hội đồng quản trị Intech group chia sẻ, hiện nay, con người phải sống phụ thuộc vào thiên nhiên và những nguồn dưỡng chất của mẹ Trái đất.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm, cạn kiệt, việc áp dụng các giải pháp năng lượng bền vững là xu hướng, là con đường tất yếu không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và lâu dài mà còn đóng góp tích cực cho môi trường cũng như cộng đồng, để cùng nhau phát triển, cùng nhau chung tay bảo vệ mội trường, bảo vệ Mẹ thiên nhiên.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi sang các giải pháp năng lượng sạch và bền vững, đặc biệt tại các doanh nghiệp sản xuất, ông Thắng cho rằng, để đạt được các mục tiêu về giảm phát thải và bảo vệ môi trường, doanh nghiệp cần chủ động ứng dụng công nghệ năng lượng tái tạo, tối ưu hóa quy trình sản xuất và sử dụng năng lượng hiệu quả.
Ông Hoàng Hữu Thắng- Chủ tịch Hội đồng quản trị Intech Group chia sẻ tại Hội thảo
Giải pháp bền vững cho tương lai
Với các cam kết mạnh mẽ và hành động của Chính phủ, có thể thấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải, trung hòa các-bon tới đây sẽ không chỉ là xu hướng, mà đang dần trở thành con đường tất yếu của các doanh nghiệp. Đặc biệt, việc EU áp dụng CBAM thử nghiệm từ 1/10/2023 và chính thức áp dụng từ ngày 1/1/2026, buộc các doanh nghiệp phải thực hành giảm phát thải các-bon và xây dựng tín chỉ các-bon để tăng khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu
Tại hội nghị, nhiều câu hỏi về thách thức, khó khăn cũng như giải pháp cho doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức được đưa ra và trao đổi. Tất cả nội dung đều hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, mục tiêu Net Zero. Các đại biểu đều cho rằng, xanh hóa năng lượng trong sản xuất chính là giải pháp bền vững cho tương lai, giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững.
Là đơn vị đã có 6 năm kinh nghiệm hình thành và phát triển với hàng ngàn dự án điện năng lượng mặt trời triển khai trên toàn quốc, “Sự chuyển đổi từ các nguồn năng lượng truyền thống sang các nguồn năng lượng tái tạo, sạch và hiệu quả sẽ mở ra cánh cửa cho một tương lai bền vững, an toàn và thịnh vượng hơn”- ông Hoàng Hữu Thắng khẳng định.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi sang các giải pháp năng lượng sạch và bền vững, đặc biệt tại các doanh nghiệp sản xuất, ông Thắng cho rằng, để đạt được các mục tiêu về giảm phát thải và bảo vệ môi trường, doanh nghiệp cần chủ động ứng dụng công nghệ năng lượng tái tạo, tối ưu hóa quy trình sản xuất và sử dụng năng lượng hiệu quả. Ông Thắng cũng khẳng định cam kết của Intech Energy trong việc cung cấp các giải pháp xanh, nhằm đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững và thích ứng với xu hướng năng lượng mới của thế giới.
Ông Trần Văn Nhơn- Tổng giám đốc Intech Energy- chia sẻ, chuyển đổi năng lượng xanh là giải pháp giúp doanh nghiệp đạt mục tiêu kép, vừa tăng cường năng lực cạnh tranh giúp doanh nghiệp có lợi thế trong việc thâm nhập các thị trường xuất khẩu khó tính như Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu. Điều này càng trở nên thuận lợi hơn trong bối cảnh chi phí vận hành và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, gió,…) đã giảm đáng kể trong những năm gần đây.
Ông Nhơn cho biết, dù nhiều nỗ lực, nhưng trong quá trình triển khai, các doanh nghiệp tại Việt Nam gặp không ít khó khăn. Theo ông Nhơn, hiện các doanh nghiệp đang tích cực dịch chuyển năng lượng toàn cầu, trong đó chú trọng tăng sử dụng năng lượng tái tạo, chuyển đổi công nghệ sản xuất, theo dõi, góp ý vào chính sách quốc tế và quốc gia về giảm phát thải, phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng và quản lý tiêu thụ năng lượng.
Các diễn giả đều khẳng định: xanh hóa năng lượng trong sản xuất chính là giải pháp bền vững cho tương lai, giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững
Ông Lý Đức Tài- Phó Viện trưởng Viện khí nhà kính Việt Nam cũng bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề thúc đẩy áp dụng các giải pháp năng lượng và trao đổi tín chỉ carbon thông qua việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải tại doanh nghiệp.
Ông Tài cho biết, thị trường mua bán tín chỉ carbon được coi là giải pháp quan trọng giúp Việt Nam đạt mục tiêu Net Zero trong thời gian tới. Dự báo trong thời gian tới, Việt Nam sẽ cung cấp khoảng 10,8 triệu tín chỉ carbon tự nguyện, cùng với đó là nhu cầu giao dịch, mua bán ngày càng tăng. Việc xây dựng sàn giao dịch sẽ tạo điều kiện cho các giao dịch tín chỉ carbon diễn ra một cách tập trung, minh bạch và hiệu quả hơn.
Ông Tài lưu ý doanh nghiệp cần sử dụng tiết kiệm năng lượng, thay thế thiết bị tiêu hao nhiều năng lượng. Bên cạnh đó cần triển khai hệ thống quản lý năng lượng và tối ưu hóa mức tiêu thụ năng lượng và sử dụng nguyên liệu đầu vào thân thiện với môi trường; đồng thời cần tăng cường hơn nữa nhận thức thực hiện kiểm kê khí nhà kính và giảm thải.
Hội thảo “Xanh hóa năng lượng trong sản xuất với giải pháp bền vững cho tương lai” do Công ty Cổ phần Phát triển năng lượng xanh Intech Việt Nam (Intech Energy) tổ chức. Đây là sự kiện thường niên của Intech Energy, tạo cầu nối uy tín, tin cậy để các nhà quản lý, các chuyên gia và doanh nghiệp cùng chia sẻ, trao đổi về các lĩnh vực năng lượng. |
Theo VietQ.vn
Xanh hóa năng lượng trong sản xuất- xu hướng tất yếu để đạt mục tiêu Net Zero (vietq.vn)