Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á
Phát biểu tại Diễn đàn Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số diễn ra ngày 25/10/2023 tại Hà Nội, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam(VCCI) cho biết, cả nước đang bước vào quý IV- quý cuối cùng của năm 2023 với nhiều tín hiệu tích cực cho sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế.
Theo Tổng cục Thống kê, đến hết quý III năm nay, cả nước đã có hơn 165 ngàn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước cũng đang tăng trưởng rất ấn tượng, đạt hơn 497 tỷ USD với cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD… Những con số thống kê trên cho thấy, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ứng biến nhanh chóng, có chiến lược quản lý và điều hành linh hoạt trong giai đoạn nhiều thách thức, biến động khó lường.
Diễn đàn Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số ngày 25/10/2023
Một trong những giải pháp ứng phó linh hoạt và hiệu quả nhất trong giai đoạn khó khăn kéo dài gần 3 năm qua chính là các doanh nghiệp đã chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo để số hoá quy trình sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động.
Chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế như thương mại, ngân hàng, tài chính, du lịch, y tế, giáo dục, đến giải trí… góp phần thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh mẽ. Kinh tế số đã và đang đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm với mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.
Theo Báo cáo nền kinh tế số 2022 do Google và Temasek thực hiện, với tốc độ tăng trưởng đạt hai con số trong giai đoạn 2019 – 2022, kinh tế số tại Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, là một trong ba quốc gia phát triển kinh tế số hàng đầu khu vực.
Dự báo trong những năm tới, kinh tế số tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt khi Việt Nam được đánh giá hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi. Đó là sự đồng thuận, hỗ trợ của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp; cơ sở hạ tầng công nghệ viễn thông ngày càng hoàn thiện; dân số trẻ và tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh, mạng internet và mạng xã hội rất cao…
Đồng tình với nhận định trên, ông Trịnh Minh Anh – Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế bổ sung, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong GDP tăng từ 11,91% năm 2021 lên 14,26% trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đã đạt gần 15%. Nền kinh tế số với những mô hình, phương thức kinh doanh mới đã và đang tạo ra những cơ hội lớn để phát triển kinh doanh cho các doanh nghiệp. Ngày càng có nhiều công ty khởi nghiệp được thành lập và đạt kết quả kinh doanh ấn tượng trên các lĩnh vực như TMĐT, thanh toán trung gian trên nền tảng công nghệ QR Code hay ví điện tử, các giải pháp ngân hàng điện tử.
Theo TS Nguyễn Trọng Đường- chuyên gia về kinh tế số, Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số tăng trưởng nhanh hơn đáng kể so với kinh tế truyền thống do tạo được không gian tăng trưởng mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, là động lực tăng trưởng kinh tế quốc gia, do giải được các bài toán kinh tế xã hội.
Thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tận dụng tốt cơ hội từ kinh tế số
Theo các chuyên gia, bên cạnh cơ hội, thời cơ cho phát triển các doanh nghiệp ở Việt Nam trong nền kinh tế số thì những khó khăn, thách thức cũng không nhỏ. Phần lớn doanh nghiệp ở nước ta có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (hiện nay Việt Nam có khoảng 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong đó có 97% là doanh nghiệp vừa và nhỏ), trình độ quản trị và công nghệ lạc hậu; khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp.
Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới. Cùng với đó là những khó khăn về thị trường; khung khổ, môi trường pháp lý tạo điều kiện, môi trường cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh và hội nhập quốc tế; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin; chi phí dịch vụ, kho vận cao; tâm lý, tập quán và thói quen tiêu dùng của nhân dân và khả năng của khách hàng; bảo đảm an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin.
Do vậy, vấn đề cấp bách đặt ra là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nên kinh tế số để bắt kịp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển của cuộc cách mạng lần thứ tư, tránh tụt hậu về công nghệ.
Theo ông Trịnh Minh Anh – Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế, để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế số cần cả vai trò của Nhà nước và tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp.
Về phía Chính phủ, cần đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng số. Về phía cộng đồng doanh nghiệp, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế số thì điều tiên quyết là phải chủ động đổi mới, sáng tạo, nắm bắt kịp thời các công nghệ mới. Cần chủ động đầu tư cải tiến công nghệ, nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng những mô hình, phương thức kinh doanh mới, loại bỏ những yếu tố lạc hậu, không còn phù hợp, ứng dụng cách thức mới để phát triển nhanh hơn.
Nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số, TS Nguyễn Trọng Đường khuyến cáo, doanh nghiệp cần phải tư duy lại mô hình kinh doanh trong nền kinh tế số. Thời nay, không còn là thời “cá lớn nuốt cá bé”, mà là thời của “cá nhanh nuốt cá chậm”.
Đánh giá thực trạng chuyển đổi số trong doanh nghiệp hiện nay, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần MISA Đinh Thị Thuý chỉ ra 4 vấn đề chính trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp sử dụng các giải pháp rời rạc, mỗi bộ phận, phòng ban dùng một giải pháp khác nhau nên không kết nối được với nhau.
Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp muốn thay thế một ứng dụng giải pháp mới thì khó có thể kế thừa dữ liệu lịch sử rất quan trọng ở ứng dụng cũ. Ngoài ra là vấn đề chi phí cao. Cuối cùng là doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn trong tình trạng thiếu tài sản đảm bảo, khó tiếp cận vốn vay.
Nhằm giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa bứt tốc trong hành trình chuyển đổi số, MISA đã phát triển nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS. “Dễ tiếp cận – Rẻ – Nhanh mang đến kết quả” là 3 tiêu chí quan trọng nhất MISA đặt ra để làm ra giải pháp quản trị doanh nghiệp tối ưu, phục vụ chính xác nhu cầu của doanh nghiệp.
Bên cạnh vấn đề quản trị doanh nghiệp, MISA còn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ chuyển đổi số, tối ưu chi phí với nền tảng kế toán dịch vụ MISA ASP. Thông qua nền tảng, doanh nghiệp có thể thuê kế toán dịch vụ ở bất kì địa phương nào trong nước với mức chi phí tiết kiệm hơn rất nhiều so với thông thường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp hoàn toàn làm chủ được dữ liệu tài chính của mình ngay cả khi thuê dịch vụ kế toán. Nền tảng MISA ASP đã và đang được gần 16.000 doanh nghiệp đang sử dụng- bà Đinh Thị Thuý cho hay.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi, gợi mở những giải pháp, kiến nghị nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số. Thông qua Diễn đàn “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số” tổng hợp những trao đổi thẳng thắn, nhìn thẳng vào thực tế để nhận diện khó khăn, vướng mắc cũng như cơ hội đầu tư từ dòng vốn và công nghệ mới của các doanh nghiệp, nhà đầu tư; lắng nghe ý kiến, đối thoại từ các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế. Đây chính là chìa khoá để chúng ta thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, qua đó nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội từ kinh tế số- ông Phòng nhấn mạnh.
Theo VietQ.vn
Số hoá quy trình sản xuất kinh doanh giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp (vietq.vn)