Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ – Đột phá từ kinh tế biển

Cơ hội giao thương - Liên kết, tạo đột phá từ kinh tế biển, huy động nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh của toàn Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Đây là giải pháp nhằm phát triển nhanh và bền vững địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, "cửa ngõ" ra biển của cả nước…

Với chủ đề “Liên kết – Đột phá từ kinh tế biển – Phát triển nhanh và bền vững”, Hội nghị phát triển kinh tế – xã hội vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ sẽ diễn ra vào ngày 5/2/2023, tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dự kiến, 800 đại biểu sẽ tham dự sự kiện.

Liên kết, tạo đột phá từ kinh tế biển

Sáng 1/2/2023, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp báo thông tin về Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 (Nghị quyết số 26) của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông: Hội nghị về Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ có ý nghĩa rất quan trọng

Chia sẻ tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Thủ tướng Chính phủ giao phối hợp với các bộ ngành, địa phương tổ chức Hội nghị vào ngày 5/2/2023, công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26.

Với chủ đề “Liên kết – Đột phá từ kinh tế biển – Phát triển nhanh và bền vững”, Hội nghị về Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, được tổ chức không chỉ với mục đích công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26, mà còn cụ thể hóa nghị quyết bằng các nguồn lực triển khai thực hiện cụ thể thông qua hình thức xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, hội nghị là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ- là vùng có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là Chiến lược phát triển bền vững về kinh tế biển.

Các tham luận chính của Hội nghị tập trung vào các nội dung: Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải về các tuyến đường ven biển phát triển đồng bộ, hiện đại, kết nối với các cảng biển, sân bay; gắn kết kinh tế với tnmt biển, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển công nghệ cao, khai thác tiềm năng nông nghiệp.

Mở ra không gian phát triển mới cho vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đã có bước phát triển tích cực, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.

Cụ thể, kinh tế tăng trưởng bình quân 7,3%/năm giai đoạn 2005-2020, cao hơn mức trung bình cả nước; Quy mô kinh tế của vùng năm 2020 (theo giá hiện hành) tăng gấp 9,1 lần so với năm 2004; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo; một số ngành kinh tế cơ bản, nhất là các ngành kinh tế biển, các ngành có giá trị gia tăng cao được hình thành và phát triển; du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thu ngân sách tăng khá, một số địa phương đã cân đối được ngân sách và có điều tiết về Trung ương. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông và đô thị được cải thiện…

Hội nghị sẽ mở ra không gian phát triển mới cho vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ

Cùng với kinh tế, văn hóa, xã hội có bước phát triển; chất lượng giáo dục – đào tạo và các chỉ tiêu y tế cơ bản được cải thiện. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được nâng lên rõ rệt…

Tuy nhiên, theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, phát triển kinh tế – xã hội của vùng còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức, Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ vẫn là vùng có chỉ số phát triển ở nhiều lĩnh vực thấp hơn mức trung bình cả nước. Tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là kinh tế biển chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Quy mô kinh tế vùng còn nhỏ, GRDP bình quân đầu người thấp. Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, chất lượng và năng lực cạnh tranh chưa cao. Cơ cấu kinh tế kinh tế chuyển dịch còn chậm, chưa có đột phá.

Những hạn chế, bất cập này cần được khắc phục; đổi mới tư duy phát triển, tạo đồng thuận, để phát huy những tiềm năng, lợi thế của Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ và các địa phương trong vùng. Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, tầm nhìn đến năm 2045, Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ là vùng phát triển nhanh và bền vững; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực châu Á với các khu kinh tế ven biển hiện đại, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường.

Cùng với Hội nghị triển khai chương trình hành động, Hội nghị Xúc tiến đầu tư cũng được tổ chức song song có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc huy động nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư, sản xuất – kinh doanh của toàn vùng. Đây chính là những hành động cụ thể, điều kiện tiên quyết để các kế hoạch, mục tiêu chiến lược được đặt ra tại Nghị quyết số 26 được hiện thực hóa.

Dự kiến, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư, sẽ diễn ra lễ trao thỏa thuận hợp tác về phát triển bền vững vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các đối tác phát triển, cũng như các biên bản ghi nhớ, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Với sự hợp tác của các đối tác Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan phát triển hợp tác (AFD), Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), Ngân hàng châu Á (ADB), Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Ngân hàng Thế giới (Wordl Bank), Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất Nhập khẩu Hàn Quốc (Korea Exim Bank)… Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ký biên bản hợp tác tổng số vốn là 1,7 tỷ USD với 45 dự án.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ trao chứng nhận đầu tư với 16 dự án trị giá 5,6 tỷ USD cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước; trao thỏa thuận biên bản ghi nhớ 5 dự án với gần 700 triệu USD. Tổng cộng nguồn vốn đầu tư cho các dự án phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ công bố trong sự kiện sắp tới vào khoảng gần 8 tỷ USD.

Trong khuôn khổ Hội nghị cũng diễn ra triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề: “Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ: Liên kết – Đột phá từ kinh tế biển – Phát triển nhanh và bền vững” diễn ra vào ngày 5/2/2023, nhằm giới thiệu vẻ đẹp của vùng đất, con người và các thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Triển lãm cũng khắc họa những nét đẹp tiêu biểu tình yêu quê hương, đất nước thông qua các hình ảnh về sản xuất, đời sống văn hóa, tinh thần, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc của vùng.

Theo VietQ.vn

Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ- Đột phá từ kinh tế biển (vietq.vn)

 
(Visited 33 times, 1 visits today)