Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 2 vừa qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 28,58 tỷ USD, giảm 34,1% so với tháng 1 năm 2019. Tháng 2, trị giá xuất khẩu, nhập khẩu đều giảm so với tháng trước do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nằm trọn trong tháng.
Tính đến hết tháng 2 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 72,29 tỷ USD, tăng 5% (tương ứng tăng 3,44 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 36,11 tỷ USD, tăng 4,2% và nhập khẩu đạt 36,18 tỷ USD, tăng 5,8%.
Cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 2/2019 thâm hụt 768 triệu USD. Sau 2 tháng đầu năm 2019, cả nước đã nhập siêu 64 triệu USD.
Tổng cục Hải quan cũng ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 2/2019 đạt 19,02tỷ USD, giảm 29,5% so với tháng trước, đưa trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong 2 tháng/2019 đạt 46,14 tỷ USD, tăng 2,6%, tương ứng tăng 1,17 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng này đạt 10,13 tỷ USD, giảm 31,6% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu của khối này trong 2 tháng/2019 lên 24,95 tỷ USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 2 đạt 8,89 tỷ USD, giảm 26,9% so với tháng trước, đưa trị giá nhập khẩu của khối này trong 2 tháng đạt 21,19 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái
Tính toán của Tổng cục Hải quan cho thấy cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 2/2019 có mức thặng dư trị giá 1,23 tỷ USD, đưa cán cân thương mại trong 2 tháng từ đầu năm 2019 lên mức thặng dư trị giá 3,76 tỷ USD.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2019, có 5 thị trường xuất khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD. Trong đó, Hoa Kỳ đạt 8,18 tỷ USD, tăng 35,7%; thị trường EU 6,18 tỷ USD, Hàn Quốc 2,92 tỷ USD, tăng 4,9% và Nhật Bản là 2,94 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, xuất khẩu sang Trung Quốc lại giảm 16,3%, với trị giá đạt 4,72 tỷ USD.
Số thị trường nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2019 là 7 thị trường. Trong số các thị trường này, chỉ có nhập khẩu từ Hàn Quốc giảm, còn lại các thị trường khác đều tăng trong 2 tháng đầu năm nay. Trong đó, nhập khẩu từ EU, Hoa Kỳ và Trung Quốc có tốc độ tăng lần lượt là 16,8%, 10% và 8,2%.
Nhập khẩu hàng Trung Quốc vẫn chiếm số lượng lớn
Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trong hai tháng đầu năm, lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn giữ số lượng lớn như máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện; nguyên phụ liệu dệt may, da, giày…
Cụ thể, đối với nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, kim ngạch nhập khẩu nhóm này trong 2 tháng đầu năm 2019 đạt 7,3 tỷ USD tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường cung cấp nhóm hàng này cho Việt Nam trong 2 tháng vừa qua chủ yếu gồm: thị trường Hàn Quốc với kim ngạch 2,9 tỷ USD, giảm 1,3% so với năm trước, đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc với 1,55 tỷ USD, tăng 47,7%; tiếp theo là thị trường Đài Loan với 746 triệu USD, tăng 29,9%…
Đối với nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, trị giá nhập khẩu trong tháng 2/2019 đạt 2,09 tỷ USD, giảm 38,7% so với tháng trước. Qua đó, đưa kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng này trong 2 tháng đầu năm nay đạt 5,52 tỷ USD tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này trong 2 tháng qua có xuất xứ từ Trung Quốc đạt 2,02 tỷ USD, tăng 18,5%; từ Hàn Quốc đạt 1,01 tỷ USD, tăng 8,1% và từ Nhật Bản đạt 720 triệu USD, tăng 7,9%… so với cùng kỳ năm 2018.
Một nhóm hàng cũng nhập khẩu khá lớn từ Trung Quốc đó là nhóm mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, da, giày (bao gồm: bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy). Theo đó, giá nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm đạt 3,36 tỷ USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 2 tháng từ đầu năm 2019, doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc với 1,49 tỷ USD, tăng 3,8%; xuất xứ từ Hàn Quốc với 442 triệu USD, giảm 3,2%; tiếp theo là xuất xứ Đài Loan; Hoa Kỳ…
Riêng nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện, Hàn Quốc và Trung Quốc là 2 thị trường chính cung cấp điện thoại các loại và linh kiện cho Việt Nam với trị giá chiếm 95,1% trị giá nhập khẩu của mặt hàng này của cả nước. Trong đó, Trung Quốc là 931 triệu USD, giảm 34,4% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu từ Hàn Quốc là 805 triệu USD, tăng 0,5%…
Ngoài các nhóm hàng trên, trong 2 tháng đầu năm, Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung cấp sắt thép các loại lớn nhất vào Việt Nam với 835 nghìn tấn, trị giá đạt 529 triệu USD, tăng 15,8% về lượng, giảm 0,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.Giữ ở vị trí tiếp theo là Hàn Quốc; tiếp theo là Nhật Bản…
Theo VnMedia