Việt Nam – Mông Cổ: Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp

Cơ hội giao thương - Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Mông Cổ tăng nhanh trong giai đoạn gần đây. Trong đó, thặng dư thương mại nghiêng về phía Việt Nam. Hai nước đặt mục tiêu sớm đưa kim ngạch thương mại song phương lên 200 triệu USD, đặc biệt là thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đây là thông tin được đưa ra tại “Diễn đàn Xúc tiến nông sản Việt Nam – Mông Cổ” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hội Hữu nghị Việt Nam – Mông Cổ tổ chức ngày 20/11/2024, tại Hà Nội.

Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam – Mông Cổ

Còn nhiều dư địa hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Công Thắng- Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD)- cho biết, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Mông Cổ đã tăng gấp 2-3 lần trong thời gian qua (từ con số 41,5 triệu USD năm 2017 lên 85 triệu USD năm 2022 và đạt 132 triệu USD năm 2023). Trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 65,5 triệu USD và hai nước đạt mục tiêu sớm đưa kim ngạch song phương lên 200 triệu USD.

Việt Nam và Mông Cổ đều có những lợi thế vượt trội trong lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hàng đầu các sản phẩm như gạo, cà phê, trái cây nhiệt đới,… Trong khi đó, Mông Cổ nổi tiếng với các sản phẩm thịt bò, thịt cừu và các sản phẩm từ sữa có chất lượng cao. Đây là những lĩnh vực mà doanh nghiệp hai nước không chỉ có thể bổ trợ lẫn nhau, mà còn khai thác để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Anh Phong- Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Mông Cổ tăng trong giai đoạn 2020-2022, và giảm từ 2023 đến nay, 9 tháng đầu năm 2024 chỉ mới đạt 2,4 triệu USD. Trong đó, rau quả, gạo và cà phê là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm tổng cộng 87% giá trị.

Nói về những hạn chế ảnh hưởng đến thương mại hai nước, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, TS. Nguyễn Anh Phong cho hay, thị trường Mông Cổ nhỏ và phân tán nên mức tiêu thụ thấp, các ngành sản xuất quy mô nhỏ nên nhu cầu cho các yếu tố đầu vào cho sản xuất thấp.

Bên cạnh đó, vận tải quốc tế có chi phí cao và thời gian dài do vị trí của Mông Cổ xa và nằm sâu trong lục địa nên phải đa phương thức vận chuyển và trung chuyển (trung chuyển qua Trung Quốc mất khoảng 10 ngày hoặc qua cảng Vladivostok của Nga mất đến 2 tháng). Cùng với đó, hàng hóa của Việt Nam phải cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa Trung Quốc do có lợi thế hơn về chi phí và thời gian vận chuyển.

Đáng lưu ý là, hiện chưa có nhiều các dự án hợp tác đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam và Mông Cổ, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp gần như chưa có- TS. Nguyễn Anh Phong thông tin.

Gian hàng của doanh nghiệp Mông Cổ tại , thu hút khách tham quan

Thúc đẩy hợp tác song phương, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ về tiềm năng hợp tác thương mại Việt Nam – Mông Cổ trong lĩnh vực nông nghiệp; hướng dẫn các thủ tục nhập khẩu thịt dê, cừu vào thị trường Việt Nam; tiềm năng và hợp tác hợp tác trong chăn nuôi và giết mổ dê, cừu giữa Việt Nam và Mông Cổ; tiềm năng xuất khẩu thịt và trứng gia cầm và cơ hội giao thương với thị trường Mông Cổ; tiềm năng xuất khẩu trái cây và cơ hội tại thị trường Mông Cổ; cơ hội hợp tác Việt Nam – Mông Cổ trong lĩnh vực dịch vụ; tọa đàm về thúc đẩy tiềm năng xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam – Mông Cổ.

Ông Doãn Khánh Tâm- Phó Vụ trưởng, Phó Chánh Văn phòng, Ủy ban Biên giới quốc gia, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ- cho biết, do thời tiết khí hậu của Mông Cổ thuộc xứ hàn đới nên chăn nuôi đại gia súc phát triển hơn nhiều so với ngành trồng trọt. Đặc điểm chăn nuôi gia súc ở Mông Cổ là chăn thả tự nhiên trên thảo nguyên rộng lớn, gia súc được ăn khoảng 3.000 loại thảo dược trên thảo nguyên mênh mông, chất lượng thịt thơm ngon. Mông Cổ đã gia nhập Tổ chức Thú y thế giới từ năm 1989.

Dù vậy, giao thông vận tải là vấn đề gây cản trở trong giao thương Việt Nam – Mông Cổ. Phía Mông Cổ hoan nghênh Việt Nam gia nhập Hiệp định vận tải đường sắt ba bên Mông Cổ – Nga – Trung Quốc đã ký từ 2016. Trong chuyến thăm Việt Nam ngày 5/11/2023, Tổng thống Mông Cổ cũng chính thức nhắc lại việc Chính phủ Mông Cổ sẽ chủ động làm việc với phía Trung Quốc để tạo thuận lợi cho Việt Nam gia nhập Hiệp định này, nhằm tạo thuận lợi cho giao thông vận tải giữa Việt Nam và Mông Cổ.

Với mong muốn mở rộng hoạt động xuất khẩu gia cầm sang thị trường Mông Cổ, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn San Hà cho biết, doanh nghiệp đặt mục tiêu chính là cung cấp sản phẩm chất lượng cao và an toàn, xây dựng thương hiệu mạnh mẽ, thiết lập mối quan hệ hợp tác chiến lược với các địa phương và nghiên cứu nhu cầu tiêu dùng để điều chỉnh mục tiêu phù hợp. Bên cạnh thị trường Mông Cổ, San Hà cũng hướng đến các quốc gia khác trong khu vực và toàn cầu, nhằm mở rộng mạng lưới khách hàng và khẳng định vị thế của mình trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Ngọc Hà- Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn San Hà, mặc dù ngành gia cầm có nhiều thuận lợi phát triển, nhưng vẫn gặp khó khăn và rào cản kỹ thuật về hồ sơ pháp lý và thủ tục xuất khẩu, khiến sản phẩm chăn nuôi Việt Nam yếu thế trên thị trường quốc tế.

Do đó, bà Phạm Thị Ngọc Hà cũng kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước đơn giản hóa hồ sơ pháp lý để giảm thiểu thời gian thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ nguồn vốn, gói vay đặc biệt cho doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng mong muốn hợp tác nhập khẩu các sản phẩm từ Mông Cổ.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, đã diễn ra Lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác và phân phối thịt dê cừu Mông Cổ tại Việt Nam.

Theo VietQ.vn

https://vietq.vn/viet-nam—mong-co-thuc-day-hop-tac-trong-linh-vuc-nong-nghiep-d227718.html

(Visited 13 times, 1 visits today)