Nguồn cung hàng hóa bảo đảm, không có hiện tượng sốt giá

Cơ hội giao thương - Theo Bộ Công Thương, thị trường nhìn chung không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, nguồn cung luôn được bảo đảm, kể cả tại những khu vực cách ly do dịch bệnh Covid-19.

Theo báo cáo tình hình Tết Nguyên Đán 2021 của Bộ Công Thương, tổng giá trị lượng hàng dự trữ phục vụ Tết của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 10-15% so với các tháng thông thường trong năm; lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn tăng khoảng 5-10% so với năm trước. Các mặt hàng dự trữ tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: thực phẩm tươi sống, trứng gia cầm, gạo, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu… Giá bán hàng bình ổn được các doanh nghiệp cam kết giữ ổn định trong thời gian trước, trong và sau Tết và được niêm yết giá công khai. Hàng hóa trong chương trình bình ổn thị trường phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc.

Theo Bộ Công Thương, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên phương thức mua hàng cũng có nhiều thay đổi. Việc mua bán trực tuyến được nhiều người tiêu dùng lựa chọn nhằm tránh đến những nơi đông người, so sánh được giá bán của nhiều nhà cung cấp, mua hàng được từ những khu vực cách xa về địa lý… Tại các trung tâm thương mại, siêu thị, các biện pháp phòng chống dịch được áp dụng theo chỉ đạo của các cơ quan chức năng (Bộ Y tế, Bộ Công Thương) để bảo đảm an toàn cho khách hàng và người bán hàng, giá hàng hóa giữ ổn định, lượng hàng đa dạng cùng với nhiều chương trình khuyến mại được áp dụng nên cũng vẫn thu hút được lượng tương đối lớn khách hàng đến mua sắm. 

 

Tại các chợ dân sinh, mặc dù hàng hóa cũng được cung ứng khá dồi dào đa dạng, lượng mua hàng tuần gần Tết cũng tăng so với ngày thường nhưng không mạnh như các năm trước, giá hàng hóa không có biến động nhiều. Nhìn chung, sức mua tổng thể của cả nước dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021 chỉ tăng từ 3-5% so với tháng thường và tăng 7-10% so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, ngày Mùng 1 Tết, hoạt động mua bán diễn ra rất ít, cùng với lo ngại dịch bệnh Covid-19 nên người dân cũng hạn chế đi chúc Tết, lễ chùa. Từ ngày mùng 2, mùng 3 Tết, một số doanh nghiệp phân phối và các hộ kinh doanh cá thể tại các chợ đã bắt đầu mở cửa khai xuân bán hàng trở lại, nhu cầu hàng hóa trong những ngày này chưa cao và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau xanh, trái cây, thực phẩm tươi sống và các mặt hàng phục vụ việc thờ cúng. Do nguồn cung khá dồi dào, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, sức mua không lớn nên giá phần lớn các mặt hàng giữ ổn định so với những ngày cận Tết. Các mặt hàng rau củ quả vụ Đông nguồn cung tốt (thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, sản lượng cao), giá tương đối thấp. Thị trường nhìn chung không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, nguồn cung luôn được bảo đảm, kể cả tại những khu vực cách ly do dịch bệnh Covid-19.

Điển hình, đối với mặt hàng lương thực, nguồn cung gạo dồi dào, đa dạng và được các doanh nghiệp chuẩn bị từ khá sớm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp lễ, Tết cuối năm. Theo báo cáo của Sở Công Thương các địa phương, giá các loại gạo tẻ chất lượng cao như Tám Điện Biên, Séng Cù, Nam Hương, Gò Công… tăng khoảng 5-10% so với ngày thường và tương đương so với cùng kỳ năm trước. Giá các loại gạo nếp tăng nhẹ so với cùng kỳ Tết năm 2020, ước tăng khoảng 5-7%. So với cùng kỳ mọi năm, nhu cầu tiêu dùng các loại gạo có nguồn gốc từ Hàn Quốc, Nhật Bản… giảm nhẹ, người dân có xu hướng tiêu dùng các loại gạo chất lượng cao trong nước.

Đối với nhóm mặt hàng thực phẩm, Bộ Công Thương cho biết, năm nay, thời tiết dịp cuối năm thuận lợi, sản xuất nông nghiệp ổn định và tăng trưởng tốt đã hỗ trợ cho thị trường mặt hàng thực phẩm Tết Tân Sửu 2021 diễn biến thuận lợi, không có biến động bất thường. Nguồn cung thực phẩm dịp Tết Nguyên Đán được bảo đảm, không có tình trạng khan hàng hoặc tăng giá bất hợp lý. Đối với mặt hàng thịt lợn (mặt hàng có nhiều biến động và được quan tâm nhất trong giỏ thực phẩm năm nay), sau khi ổn định vào cuối năm 2020 đã tiếp tục có xu hướng tăng mạnh trong tháng 01 năm 2021. Tuy nhiên, ngay sau đó, giá mặt hàng thịt lợn đã giảm và ổn định trở lại do nguồn cung dồi dào, ổn định ngay cả trong những ngày sát Tết và ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Giá thịt lợn, khác với năm trước, sau khi giảm giá và tương đối ổn định trong Quý IV năm 2020, giá thịt lợn chỉ tăng mạnh đến nửa tháng trước Tết Nguyên Đán, vào cuối tháng 12/2020 và 3 tuần đầu tháng 1 năm 2021 (cuối tháng 11 và đầu tháng 12 âm lịch), sau đó giảm nhẹ và ổn định đến sát trước Tết Nguyên Đán. So với cùng kỳ năm trước, giá thịt lợn hơi tương đương hoặc thấp hơn từ 3-5% trong khi giá thịt lợn thành phẩm thấp hơn từ 5-7%.

Giá thịt bò, gia cầm, thủy hải sản, như thường lệ, đây là các mặt hàng có sức tiêu thụ tăng mạnh trong những ngày cận Tết nên giá đều có xu hướng tăng so với ngày thường, giá ở mức cao nhất là vào những ngày ngay sát Tết (cả trước và sau Tết). Năm nay, giá thịt bò tăng sớm và ở mức cao hơn so với mọi năm trong khi giá các sản phẩm gia cầm chỉ tăng nhẹ và thấp hơn cùng kỳ năm trước 10-15%. Đến ngày mùng 5 Tết, nhu cầu tiêu dùng và buôn bán mặt hàng này chưa cao nhưng do nguồn cung chưa nhiều, nhất là hải sản tươi sống nên giá tăng nhẹ so với sát Tết.

Giá rau, củ, trái cây: Đối với mặt hàng rau củ, quả thời tiết thuận lợi, nguồn cung các loại dồi dào nên giá cả nhìn chung ít biến động, giá một số loại rau gia vị, rau trái mùa tăng nhẹ. 

Theo VnMedia

(Visited 38 times, 1 visits today)