Đây là ý kiến đóng góp đáng chú ý tại Hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp Dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp”, được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức.
Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp là hai đạo luật quan trọng trong hệ thống pháp luật về kinh doanh của nước ta, tác động trực tiếp đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và sự thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh.
Các quy định của hai đạo luật này đã thể hiện sự tiên phong, dẫn đầu về tư duy cải cách, tạo cảm hứng và dẫn dắt hệ thống pháp luật của Việt Nam đi theo như việc thành lập doanh nghiệp, từ giai đoạn đầu mất hàng tháng trời, giờ chỉ còn 1-2 ngày, có khi vài giờ đồng hồ. Hay như việc giấy phép kinh doanh, từ giai đoạn còn dè dặt, lo ngại và tư duy quản lý hàng chục giấy phép con mỗi doanh nghiệp phải gánh chịu đến sự thông thoáng, thuận lợi và cắt giảm điều kiện kinh doanh đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.
Đặc biệt, Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư 2014 đã có những cải cách mạnh mẽ trong việc thể chế Hiến pháp 2013 bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân. Tư tưởng quan trọng này đã góp phần không nhỏ tạo nên thuận lợi đối với môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp…
“Tuy nhiên, với những chuyển biến mạnh mẽ trong nền kinh tế, cũng như những mục tiêu tiếp theo trong thời gian tới, các động lực phát triển tiếp tục đòi hỏi chúng ta phải cải cách hơn nữa, và bắt đầu từ việc nhìn lại hai văn bản luật quan trọng này. Thủ tục đăng ký doanh nghiệp được ca ngợi là bước tiến của cải cách thủ tục hành chính, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn một số vướng mắc, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Lưu ý rằng theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới thì gia nhập thị trường của Việt Nam vẫn chỉ xếp ở thứ hạng 104 của thế giới trong Doing Business, một trong những chỉ số thấp nhất của môi trường kinh doanh Việt Nam”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết.
Bên cạnh đó, ông Lộc cũng cho rằng, hiện nay nước ta có đến gần 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, có đóng góp rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Dù chiếm đến hơn 30% GDP nhưng khung khổ chính sách áp dụng đối với chủ thể kinh doanh này hiện còn rất thiếu, có sự chưa bình đẳng so với các doanh nghiệp hoạt động chính thức.
Nhiều chính sách hiện tại khiến cho các hộ kinh doanh cá thể ngần ngại chuyển đổi lên thành doanh nghiệp, mặc dù Luật đã có những quy định về việc chuyển đổi này. Bởi vậy, Luật Doanh nghiệp cần tính đến giải pháp thúc đẩy sự chuyển đổi của hộ kinh doanh cá thể lên thành doanh nghiệp chính thức, tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và công bằng, tăng cường chất lượng quản trị để dần hình thành một thế hệ doanh nghiệp tư nhân đủ lớn, đủ mạnh.
“Đã đến lúc cần đặt câu hỏi là tại sao những đơn vị hộ kinh doanh sử dụng hàng chục, hàng trăm lao động… nhưng không được xem là doanh nghiệp? Họ chính là các doanh nghiệp tư nhân đích thực nhất. Tại sao không thúc đẩy họ áp dụng những tiêu chuẩn quản trị tốt để dần lớn lên thành những doanh nghiệp đủ lớn? Chúng ta cần phải tháo bỏ các rào cản về thuế, về sổ sách kế toán… để hàng triệu hộ kinh doanh có động lực trở thành một cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đủ mạnh.
Giải pháp cần làm trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này một mặt là giảm tối đa các điều kiện hoạt động cho nhóm doanh nghiệp chính thức nhỏ và siêu nhỏ, tạo tiền đề để sửa các luật thuế và Luật Kế toán thời gian tới, mặt khác tạo ra cơ chế để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Đã tới lúc các hộ kinh doanh, khu vực chiếm đến hơn 30% GDP, cần một khung khổ pháp lý riêng, thậm chí một chương riêng trong Luật Doanh nghiệp, chứ không chỉ phải vài điều khoản trong Nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp như hiện nay”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Ngoài ra, còn hàng loạt các vấn đề khác như về Luật đầu tư, mặc dù đã xác định mục tiêu kiểm soát về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, tuy nhiên trên thực tế, việc ban hành các ngành, nghề kinh doanh vẫn ngoài tầm kiểm soát hay chất lượng các điều kiện kinh doanh ở các văn bản pháp luật khác vẫn còn rất nhiều vấn đề. Hay như thủ tục đầu tư đã có nhiều tiến bộ, cởi mở, tuy nhiên vẫn còn sự chồng chéo giữa các văn bản có liên quan với nhau.
“Trên thực tế, mới hơn ba năm thực hiện kể từ tháng 7-2015, một lần nữa Luật Đầu tư 2014, đạo luật được cho là đầy tinh thần cải cách, đã lại được đòi hỏi phải sửa đổi. Cứ đà này, nhiều quy phạm pháp luật có nguy cơ biến thành giải pháp chính sách tình thế và thay đổi liên tục, phá vỡ tính ổn định của môi trường thể chế và trật tự pháp luật mà chúng ta đang nỗ lực xây dựng. Hệ quả rất có thể trở thành hệ lụy đối với mục tiêu chung là thu hút đầu tư cho tăng trưởng và phát triển bền vững”, Luật sư Nguyễn Tiến Lập – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế VIAC bày tỏ và cho rằng đã đến lúc chín muồi cho một tư duy khác về quản lý đầu tư. Bởi vậy, vị Luật sư này nêu ý tưởng đề xuất xây dựng và ban hành một hoặc một số luật mới mà không phải là sửa Luật Đầu tư hiện hành.
Theo Tạp chí Công Thương