Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6,96% trong năm 2019

Cơ hội giao thương - Với mức tăng trưởng đạt 6,71% của quý 2, nhóm nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,6 - 6,8% của năm 2019 do Quốc hội đề ra khả thi. Dự báo cả năm tăng trưởng kinh tế năm nay đạt 6,96%.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 là khả thi
 
Theo ông Nguyễn Đức Thành, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý 2 ở mức 6,71%, thấp hơn mức tăng của quý 1 nhưng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Cả ba khu vực đều trải qua mức tăng trưởng yếu trong sáu tháng đầu năm.
 
Tuy nhiên chỉ số IPI và chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) có dấu hiệu tăng đáng kể khiến doanh nghiệp khá lạc quan về tương lai. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động giảm, quy mô lao động tăng và tiếp tục chuyển dịch sang khu vực ngoài nhà nước và FDI.
 
Về phía cầu, ông Thành cho biết, hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ diễn ra sôi động. Tăng trưởng tổng vốn đầu tư giảm nhẹ, với sự trì trệ thuộc về khu vực Nhà nước. Trung Quốc tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất với tổng vốn 953,6 triệu USD.
 
Với mức tăng trưởng đạt 6,71% của quý 2, đại diện VEPR cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,6 – 6,8% của năm 2019 do Quốc hội đề ra khả thi. Tuy nhiên, trước chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, căng thẳng Nhật – Hàn ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, và các liên kết kinh tế mới… tương lai của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019 trở nên bất định hơn do có thể chịu ảnh hưởng bởi các cú sốc từ thị trường thế giới. 
 
Theo ông Thành, Ngân hàng Nhà nước cần tiến hành tỷ giá một cách linh hoạt, khách quan và tôn trọng quy luật thị trường nhằm hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài.
 
“Tỷ lệ lạm phát bình quân quý 2 đang ở mức vừa phải (2,65%), tuy nhiên đang có xu hướng gia tăng gần đây. Tác động của việc tăng giá điện và xăng dầu từ quý 1 đến CPI có thể kéo dài tới 2 – 6 tháng”, Viện trưởng VEPR chia sẻ.
 
Trong bối cảnh đó, VEPR dự báo, tăng trưởng quý 3/2019 đạt 7,06%; lạm phát bình quân 3,38%; quý 4: tăng trưởng kinh tế đạt 7,17%; lạm phát bình quân 4,21%. Cả năm tăng trưởng kinh tế dự báo là 6,96%.
 
Việt Nam cần từng bước xây dựng đệm tài khóa
 
Cũng liên quan đến tăng trưởng kinh tế, ông Nguyễn Đức Thành cho rằng, lạm phát trong 6 tháng đầu năm được kiểm soát ở mức thấp, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng cao trong thời gian tới. Nguyên nhân chính từ việc gia tăng đều giá nhóm hàng giáo dục; giá lương thực, thực phẩm tăng do dịch tả lợn châu Phi cùng với giá nhiên liệu biến động bất ổn.
 
“Sức ép từ tiến trình bình thường hóa tiền tệ ở các nền kinh tế lớn trên thế giới đã giảm bớt. Điều này sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước bớt áp lực hơn trong việc điều hành tỷ giá và lãi suất”, đại diện VEPR nhận định.
 
Theo VEPR, tương quan giữa các khu vực kinh tế ngày càng thay đổi. Khu vực ngoài nhà nước có quy mô ngày càng được mở rộng, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút nhiều lao động. Vậy nên, để khuyến khích khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước cần xóa bỏ các rào cản đầu tư kinh doanh, nâng cao khả năng tiếp cận của doanh nghiệp với vốn, thông tin, công nghệ, minh bạch và công bằng thuế.
 
VEPR cũng cho rằng, việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước vẫn luôn là mục tiêu hàng đầu để cải thiện các chỉ số kinh tế, bên cạnh việc củng cố hành lang pháp lý tạo điều kiện để phát triển doanh nghiệp tư nhân. Cùng với đó, cần đánh giá lại vị trí của khu vực FDI trong khuyến khích tăng trưởng kinh tế; ưu tiên dòng vốn từ nước ngoài kết hợp với việc chuyển giao công nghệ cao, nâng cao chất lượng lao động… hơn là tập trung vào số lượng.
 
Theo khuyến nghị của VEPR, ổn định lãi suất nên được ưu tiên để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với thị trường vốn, đặc biệt trong điều kiện tăng trưởng huy động và tín dụng suy giảm như hiện nay. Ngoài ra, việc hạ thấp đòn bẩy và lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng cũng cần được tiếp tục tiến hành. Sự chuyển dịch của dòng FDI vào Việt Nam nhằm tận dụng cơ hội từ CPTPP, EVFTA và phòng ngừa rủi ro từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung là một điểm cần chú ý khác trong năm nay.
 
“Trong sáu tháng đầu năm, Trung Quốc luôn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam. Dòng vốn từ Trung Quốc mặc dù đem lại tín hiệu tích cực cho việc làm và tăng trưởng, nhưng có thể kéo theo những rủi ro về môi trường và quản lý lao động nước ngoài. Đặc biệt trong bối cảnh, Việt Nam đang tích cực cải thiện thế chế để nâng cao tiêu chuẩn môi trường, lao động… để đáp ứng yêu cầu của EVFTA. Đã đến lúc Việt Nam cần rà soát lại các chính sách ưu đãi về thuế khóa hay đất đai đối với FDI, nhằm tạo ra môi trường bình đẳng hơn với các doanh nghiệp trong nước cũng như đảm bảo chất lượng nguồn vốn FDI”, VEPR khuyến nghị.
 
Theo VnMedia
(Visited 9 times, 1 visits today)