Đơn giá giảm sâu, nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn chưa đủ đơn hàng quý 3 và quý 4/2023

Cơ hội giao thương - Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, dù tình hình được cải thiện dần nhưng khó khăn với ngành dệt may sẽ còn kéo dài hết năm 2023. Bên cạnh việc chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh, doanh nghiệp còn phải đối mặt với khó khăn do đơn giá giảm sâu, thậm chí giảm đến trên 50% so với bình thường, nhiều doanh nghiệp đến nay chưa đủ đơn hàng cho quý 3 và quý 4.

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, năm 2023, tác động tiêu cực của dịch bệnh cùng những biến động chính trị trên thế giới khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm. Ngành dệt may theo đó chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ, EU.

 Năm 2023, toàn ngành dệt may đặt mục tiêu phấn đấu đạt 39 – 40 tỷ USD

Trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 18,6 tỷ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ 2022. Xuất khẩu sang các thị trường lớn hầu hết đều giảm, số liệu 5 tháng đầu năm 2023 cho thấy, thị trường Mỹ giảm 27,1%, EU giảm 6,2%, Nhật Bản tăng 6,6%, Hàn Quốc giảm 2%, Canada giảm 10,9%…

Mức giảm sâu này không chỉ bởi tác động của nền kinh tế mà còn đến từ áp lực “xanh hóa” ngành, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD, EU và Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức (có hiệu lực từ 01/01/2023).

Bên cạnh đó, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành nhưng do lãi suất huy động cao từ cuối năm 2022, nên lãi suất vay vẫn ở mức cao. Doanh nghiệp không tiếp cận được với các gói hỗ trợ, ví dụ giảm lãi suất 2% với gói 40.000 tỷ đồng…

Hiệp hội Dệt May Việt Nam dự báo, tình hình sản xuất, xuất khẩu của ngành dệt may sẽ cải thiện dần nhưng khó khăn sẽ còn kéo dài hết năm 2023, do nhiều doanh nghiệp đến nay chưa đủ đơn hàng cho quý 3 và quý 4. Bên cạnh việc thiếu đơn hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh của mình, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với khó khăn do đơn giá giảm sâu, thậm chí giảm đến trên 50% so với bình thường.

Năm 2023, toàn ngành dệt may đặt mục tiêu phấn đấu đạt 39 – 40 tỷ USD. Để hoàn thành mục tiêu, theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, các doanh nghiệp cần chú trọng 3 vấn đề cốt lõi. Thứ nhất, tìm giải pháp giữ chân người lao động, nhất là lực lượng nòng cốt. Tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng nghề, đào tạo nhân lực cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Thứ hai, giữ chân khách hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh, không có lãi để có việc làm cho người lao động và để khách hàng không chuyển đi nơi khác. Xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, lâu dài. Khai thác thị trường mới, quan tâm thị trường nội địa. Thứ ba, giảm tối đa các chi phí chưa thực sự cần thiết của doanh nghiệp.

Đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội Dệt May Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò kết nối: doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với nhãn hàng, doanh nghiệp với Chính phủ; phối hợp tích cực với các tổ chức quốc tế uy tín triển khai các chương trình về lao động, năng lượng xanh, tuần hoàn tái chế, chuyển đổi số, thiết kế, xây dựng thương hiệu, quản trị nhân lực…; tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại, tạo cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm khách hàng cho các doanh nghiệp.

Đặc biệt, Hiệp hội Dệt May Việt Nam sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc phản ánh, đề xuất kiến nghị, kêu gọi sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương về các vấn đề liên quan đến người lao động, giải pháp giữ chân khách hàng cũng như hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, luôn phát huy vai trò là cầu nối hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước với khối doanh nghiệp dệt may, nâng cao nhận thức phát triển ngành theo hướng xanh – sạch – bền vững.

Theo VietQ.vn

Đơn giá giảm sâu, nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn chưa đủ đơn hàng quý 3 và quý 4/2023 (vietq.vn)

(Visited 19 times, 1 visits today)