Ngày 13/5/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1230/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm thép dây, thép cuộn nhập khẩu vào Việt Nam.
Đối tượng áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại là các sản phẩm thép cuộn, thép dây có mã HS: 7213.91.90, 7217.10.10, 7217.10.29, 7229.90.99, 9839.10.00 nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ khác nhau.
Danh mục sản phẩm được miễn trừ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại
Các sản phẩm thép cuộn, thép dây có một trong các đặc điểm sau đây được loại trừ khỏi phạm vi áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại:
(i) Thép chứa một trong các nguyên tố có hàm lượng phần trăm (%) theo khối lượng thuộc phạm vi sau: Các-bon (C) > 0,37%; Si-líc (Si) > 0,60%; Crôm (Cr) > 0,60%; Ni-ken (Ni) > 0,60%; Đồng (Cu) > 0,60%.
(ii) Thép chứa đồng thời các nguyên tố có hàm lượng phần trăm (%) theo khối lượng thuộc phạm vi sau: Măng-gan (Mn) từ 0,70% đến 1,15%; Lưu huỳnh (S) từ 0,24% đến 0,35%.
(iii) Thép có mặt cắt ngang hình tròn từ 14mm trở lên.
(iv) Các sản phẩm thép trong nước chưa sản xuất được.
Hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại
Đối với các tổ chức, cá nhân nhập khẩu sản phẩm thép thuộc mục (i), mục (ii), và mục (iii): Để được loại trừ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, khi nhập khẩu hàng hoá cần nộp cho Chi cục Hải quan nơi thực hiện thủ tục các giấy tờ để chứng minh hàng hoá nhập khẩu thoả mãn các tiêu chí được loại trừ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại như trên.
Đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký miễn trừ cho sản phẩm thép thuộc mục (iv): Tổ chức, cá nhân có có nhu cầu miễn trừ biện pháp phòng vệ thương mại chuẩn bị Hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại và tham khảo Quy trình đề nghị miễn trừ chi tiết như sau:
Hồ sơ đề nghị miễn trì bao gồm các thành phần được quy định chi tiết tại Mục 2, Điều 12, Khoản 1, Thông tư 06/2018/TT-BCT:
a) Đơn đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này tại Phụ lục 03;
b) Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư của doanh nghiệp;
c) Thông tin mô tả về hàng hóa nhập khẩu đề nghị miễn trừ, bao gồm: tên khoa học, tên thương mại, tên thường gọi; các đặc tính vật lý, hóa học cơ bản; mục đích sử dụng chính; quy trình sản xuất; tiêu chuẩn, quy chuẩn của quốc tế và Việt Nam; mã số hàng hóa theo danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam và mức thuế nhập khẩu có hiệu lực áp dụng theo biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu tại từng thời kỳ;
d) Thông tin về khối lượng, số lượng và trị giá nhập khẩu hàng hóa đề nghị miễn trừ (thông thường trong 03 năm gần nhất và năm hiện tại);
đ) Quy trình sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu đầu vào là hàng hóa đề nghị miễn trừ (nếu có);
e) Nhu cầu tiêu thụ hoặc sử dụng hàng hóa nhập khẩu đề nghị miễn trừ (thông thường trong 03 năm gần nhất và năm hiện tại);
g) Định mức tiêu hao hoặc định mức sử dụng nguyên vật liệu là hàng hóa nhập khẩu đề nghị miễn trừ;
h) Văn bản, tài liệu hoặc mẫu mã chứng minh sự khác biệt giữa hàng hóa đề nghị miễn trừ và hàng hóa nhập khẩu bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Quy trình miễn trừ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại
Bước 1. Thông báo tiếp nhận: Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) thông báo tiếp nhận Hồ sơ miễn trừ. Thông báo có thể được truy cập tại trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương (http://www.moit.gov.vn) và Cục Phòng vệ thương mại (http://www.pvtm.gov.vn).
Bước 2. Nộp Hồ sơ đề nghị miễn trừ: Đối tượng đề nghị miễn trừ nộp Hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp (Hồ sơ) cho Cục Phòng vệ thương mại theo một trong các cách sau:
– Nộp qua dịch vụ công trực tuyến:
(https://dichvucong.moit.gov.vn/HomePage.aspx)
– Nộp trực tiếp tại Văn phòng Cục Phòng vệ thương mại;
– Nộp theo đường bưu chính;
Bước 3. Xác nhận hồ sơ hợp lệ: Cục Phòng vệ thương mại thông báo về tính đầy đủ và hợp lệ của Hồ sơ miễn trừ. Doanh nghiệp bổ sung hồ sơ trong trường hợp cần thiết (thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định 10/2018/NĐ-CP và khoản 5 Điều 13 Thông tư 06/2018/TT-BCT).
Bước 4. Thẩm định Hồ sơ đề nghị miễn trừ và ban hành Quyết định miễn trừ: (thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định 10/2018/NĐ-CP và Điều 11, Điều 14 Thông tư 06/2018/TT-BCT).
– Cục Phòng vệ thương mại chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định hồ sơ, báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét miễn trừ/không miễn trừ trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được Hồ sơ miễn trừ đầy đủ, hợp lệ. Trong trường hợp cần thiết, thời hạn xem xét quyết định miễn trừ có thể kéo dài nhưng trong mọi trường hợp không quá thời hạn quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định 10/2018/NĐ-CP. Trong trường hợp không miễn trừ, Cục Phòng vệ thương mại thông báo về lý do không miễn trừ.
– Hoàn trả thuế phòng vệ thương mại: Trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu được miễn trừ, đối tượng được miễn trừ được hoàn trả thuế phòng vệ thương mại đã nộp đối với những lô hàng nhập khẩu đăng ký tờ khai hải quan trong thời hạn miễn trừ của quyết định miễn trừ.
Thủ tục hoàn trả thuế phòng vệ thương mại áp dụng theo các quy định pháp luật hiện hành.
Bước 5. Báo cáo định kỳ: đối tượng được miễn trừ phải nộp báo cáo định kỳ về tình hình nhập khẩu hàng hóa được miễn trừ và việc tuân thủ điều kiện, nghĩa vụ được miễn trừ tới Cục Phòng vệ thương mại (thực hiện theo Điều 16 Thông tư 06/2018/TT-BCT).
Bước 6. Kiểm tra sau miễn trừ: Cục Phòng vệ thương mại có thể tiến hành kiểm tra sau miễn trừ nhằm mục đích thẩm định việc tuân thủ của đối tượng được miễn trừ đối với các điều kiện, quy định pháp luật về miễn trừ. Trường hợp đối tượng được miễn trừ không tuân thủ các quy định, điều kiện hưởng miễn trừ, Bộ Công Thương có quyền thu hồi quyết định miễn trừ và thông báo cho cơ quan hải quan xử lý theo quy định pháp luật.
Theo Tạp chí Công Thương