Sáng 5/7/2022, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với 5 luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 3, trong đó có Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi tại họp báo |
Bãi bỏ một số loại hình bảo hiểm bắt buộc
Giới thiệu về các nội dung sửa đổi, bổ sung chính của Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) có 7 Chương, 157 Điều. Trong đó, để thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam, luật đã bổ sung quy định về việc thành lập chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam; bổ sung quy định khẳng định nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần, phần vốn góp đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm (theo cam kết của Việt Nam tại WTO và các hiệp định thương mại khác trong lĩnh vực dịch vụ bảo hiểm, Việt Nam không hạn chế về tỷ lệ vốn góp của bên nước ngoài).
Về hợp đồng bảo hiểm, luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng vô hiệu, đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, bãi bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện, thời điểm phát sinh trách nhiệm của hợp đồng… để đảm bảo thống nhất với Bộ luật Dân sự, dễ áp dụng trên thực tế.
Luật mới phân loại rõ các loại hợp đồng bảo hiểm tương ứng với các loại hình bảo hiểm; quy định rõ đối tượng được bảo hiểm, quyền lợi được bảo hiểm đối với từng loại hợp đồng bảo hiểm; nâng cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia hợp đồng bảo hiểm trong việc cung cấp thông tin.
Luật bổ sung các quy định về nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm; quyền thỏa thuận giao kết nhiều loại hợp đồng bảo hiểm; bổ sung thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm nhân thọ,… để bảo đảm quyền tự thỏa thuận giữa các bên trong giao kết hợp đồng bảo hiểm. Về giải quyết tranh chấp, luật đã bổ sung quy định về hình thức giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, trọng tài hoặc tòa án.
Về đăng ký thành lập doanh nghiệp, luật bổ sung quy định sau khi cấp, sửa đổi, bổ sung hoặc thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, Bộ Tài chính có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam đặt trụ sở chính để cập nhật vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Để phù hợp với thực tiễn, giải quyết những vướng mắc trong thời gian vừa qua, luật cũng sửa đổi theo hướng bãi bỏ một số loại hình bảo hiểm bắt buộc như: bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, luật sửa đổi, bổ sung điều kiện cấp phép thành lập và hoạt động nhằm thu hút thêm nhà đầu tư mới theo hướng cho phép các tập đoàn tài chính, bảo hiểm được thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam.
Về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro, bổ sung các quy định về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, phù hợp với tính chất hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhằm bảo đảm tuân thủ pháp luật, phòng ngừa, phát hiện, kiểm soát và giảm thiểu rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm.
Về hoạt động nghiệp vụ, luật quy định cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong việc thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm và chỉ phải đăng ký với Bộ Tài chính phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới (trừ bảo hiểm bắt buộc); bổ sung quy định về hoạt động thuê ngoài.
Luật bổ sung quy định về an toàn tài chính, trong trường hợp tỷ lệ an toàn vốn ở mức phải áp dụng biện pháp can thiệp, biện pháp cải thiện sớm, biện pháp kiểm soát, quy định trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ sở hữu, thành viên góp vốn, hội đồng quản trị, ban kiểm soát;
Về công an thông tin, bổ sung yêu cầu công khai thông tin định kỳ, công khai thông tin thường xuyên, công khai thông tin bất thường để đảm bảo thông tin về doanh nghiệp bảo hiểm rõ ràng, minh bạch.
Ngoài ra, luật đã bổ sung quy định về sản phẩm, tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô để tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển bảo hiểm vi mô.
Liên quan đến tài chính, hạch toán kế toán và báo cáo, luật quy định chuyển sang áp dụng mô hình vốn trên cơ sở rủi ro, phân loại rõ ràng từng loại vốn, yêu cầu doanh nghiệp luôn duy trì tỷ lệ an toàn vốn nhằm đảm bảo vốn tương ứng với quy mô và mức độ rủi ro của các nhóm rủi ro cơ bản; bổ sung quy định phải có ý kiến xác nhận của kiểm toán độc lập hàng năm đối với báo cáo đánh giá khả năng thanh toán và quản trị rủi ro; quy định về trách nhiệm của tổ chức kiểm toán độc lập; bãi bỏ quy định về biên khả năng thanh toán theo mô hình biên khả năng thanh toán 1, thay thế bằng quy định tỷ lệ an toàn vốn theo hướng dẫn của Bộ Tài chính phù hợp với mô hình vốn tương ứng quy mô và mức độ rủi ro.
Trong hoạt động đầu tư, luật bãi bỏ quy định về danh mục đầu tư do áp dụng mô hình vốn tương ứng với quy mô và mức độ rủi ro; bổ sung quy định về các nguồn vốn đầu tư, nguyên tắc đầu tư, đầu tư ra nước ngoài,… nhằm đảm bảo an toàn, phù hợp với tính chất hoạt động kinh doanh bảo hiểm…
Không được kinh doanh bất động sản bởi rủi ro cao
Tại cuộc họp báo, trả lời báo chí về quy định lĩnh vực đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, đây là cách tiếp cận mới của luật lần này. Luật trước đây quy định doanh nghiệp bảo hiểm được đầu tư lĩnh vực gì, còn luật năm 2022 quy định doanh nghiệp không được làm gì, còn lại doanh nghiệp được chủ động thực hiện.
Trong các lĩnh vực không được làm có kinh doanh bất động sản, bởi đây là lĩnh vực rủi ro rất cao. Việc quy định như vậy để đảm bảo doanh nghiệp bảo hiểm có đủ khả năng chi trả, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Liên quan đến các hình thức đầu tư bất động sản gián tiếp mà luật quy định được tham gia như mua chứng chỉ quỹ, chứng khoán…, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, đây là những phát sinh trong thực tế, đã được tính đến mức độ rủi ro. Những loại hình này đều được niêm yết công khai trên thị trường chứng khoán theo quy định của Luật Chứng khoán, đã được xem xét, đánh giá rủi ro nên doanh nghiệp bảo hiểm có thể tham gia. Ngoài ra, doanh nghiệp có trụ sở không sử dụng hết cũng có thể cho thuê, để tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, luật trước đây quy định quỹ này dùng để xử lý trường hợp doanh nghiệp có rủi ro, không thực hiện được nghĩa vụ tài chính thì dùng để bù đắp. Tại thời điểm xây dựng luật còn nhiều ý kiến khác nhau và Chính phủ đã trình Quốc hội 2 phương án.
Sau khi thảo luận, Quốc hội đã quyết định phương án không duy trì quỹ và giao Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ phương án sử dụng số dư quỹ khoảng 1.000 tỷ đồng còn lại. Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu các phương án sử dụng khác nhau và lấy ý kiến rộng rãi trong doanh nghiệp bảo hiểm, người dân trước khi đề xuất Chính phủ thực hiện.
Theo VnMedia