Áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có đường- không hiệu quả trong giảm thừa cân béo phì

Cơ hội giao thương - Kinh nghiệm tại nhiều quốc gia đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có đường cho thấy không đạt hiệu quả trong việc làm giảm tỷ lệ thừa cân béo phì hay điều chỉnh hành vi người tiêu dùng, trái lại còn lại gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế cũng như việc làm.

Trong Dự thảo mới nhất về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất áp thuế TTĐB 10% với nước giải khát có đường, nước dinh dưỡng và một số sản phẩm khác trừ mặt hàng sữa. Theo Bộ Tài chính, áp thuế TTĐB với nước giải khát có đường sẽ góp phần giảm tỷ lệ thừa cân béo phì, tiểu đường… Bộ Tài chính cũng tính toán rằng, giá nước ngọt có thể tăng 10% khi chịu thuế tiêu thụ đặc biệt mức tương ứng và việc áp thuế TTĐB sẽ thu thêm khoảng 2.400 tỷ đồng một năm.

Áp thuế TTĐB lên nước giải khát có đường liệu có hiệu quả trong việc làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì?

Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng, cần đánh giá kỹ tác động của phương án tăng thuế mà Bộ Tài chính đưa ra. Bởi việc tăng giá bán lẻ nước giải khát có đường 10% vì sẽ tạo nên cú sốc về khả năng tiêu dùng, do nước giải khát là sản phẩm thiết yếu, đa số người có thu nhập bình dân, nhất là lao động ở nông thôn tiêu dùng.

Trong công văn số 28/CV-VBA ngày 1/7/2024 gửi đến Bộ Tài chính, Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Ban soạn thảo hồ sơ Luật Thuế TTĐB góp ý đối với Hồ sơ dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi), Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, Việc áp thuế TTĐB lên nước giải khát có đường là không khả thi trong việc đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ thừa cân béo phì bởi béo phì là căn bệnh phức tạp do nhiều yếu tố gây ra bao gồm nạp dư thừa năng lượng, thiếu hoạt động thể chất. Sử dụng nước giải khát có đường không phải là nguyên nhân chính và duy nhất.

Việc áp thuế TTĐB lên nước giải khát có đường là không hiệu quả trong việc tác động lên hành vi của người tiêu dùng bởi hiệu ứng thay thế khi người tiêu dùng có thể tiêu thụ các loại thực phẩm và đồ uống khác có hàm lượng đường và ca-lo cao hơn nước giải khát có đường.

Hơn nữa, mức tiêu thụ nước giải khát ở Việt Nam không cao so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Nhiều nước tiêu dùng nước giải khát cao hơn nhiều so với Việt Nam không áp thuế TTĐB lên sản phẩm này. Thực tiễn cũng cho thấy một số nước đã áp dụng chính sách thuế TTĐB đối với đồ uống có đường nhưng không đạt được mục tiêu về sức khỏe của chính sách và phải bãi bỏ chính sách thuế sau một thời gian áp dụng.

Mặt khác, việc áp thuế TTĐB lên nước giải khát có đường có tác động lớn tới đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp là ngành nước giải khát và các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bao bì, bán lẻ và hậu cần ở Việt Nam, đặc biệt là ảnh hưởng tới các doanh nghiệp.

Theo bà Chu Thị Vân Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA), việc đưa nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10% cần phải dựa trên các cơ sở khoa học, những đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện các tác động không chỉ với đối tượng chịu tác động trực tiếp mà còn các đối tượng chịu tác động gián tiếp; tác động đến người tiêu dùng, môi trường đầu tư, lao động, khả năng cạnh tranh của DN bên cạnh mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

“Nếu không, việc áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường sẽ khó đạt được mục tiêu duy nhất là bảo vệ sức khỏe cộng đồng như kỳ vọng”- bà Chu Thị Vân Anh bày tỏ.

Theo nghiên cứu của Trung tâm bằng chứng béo phì Australia (Obesity Evidence Hub), hiện nay, có khoảng 45 quốc gia (chưa đến 1/4 các nước trên thế giới) áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường. Tại nhiều quốc gia đã áp dụng cho thấy, chính sách thuế TTĐB không đạt hiệu quả trong việc làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì hay điều chỉnh hành vi người tiêu dùng do hiệu ứng hàng hóa thay thế, trong khi lại mang đến các tác động tiêu cực tới nền kinh tế cũng như việc làm.

Chẳng hạn như Đan Mạch sau thời gian dài áp dụng thuế TTĐB với đồ uống có đường (từ năm 1930) cũng không nhận thấy tính hiệu quả, đã phải loại bỏ dần theo 2 giai đoạn, với mức giảm 50% kể từ ngày 1/7/2013 và loại bỏ hoàn toàn kể từ ngày 1/1/2014. Một số bang của Mỹ cũng bãi bỏ chính sách thuế TTĐB với nước giải khát có đường sau một thời gian ngắn thông qua.

Tại Singapore, 11% người dân mắc bệnh béo phì, 30% trong số họ thừa cân, 10% mắc bệnh tiểu đường và tỉ lệ này đang có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, chính phủ Singapore không lựa chọn áp dụng biện pháp đánh thuế đối với nước giải khát có đường mà sử dụng cách tiếp cận toàn diện hơn, bao gồm việc tăng cường hoạt động thể chất, cũng như các biện pháp giáo dục cộng đồng về chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng.

Theo VietQ.vn

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có đường- không hiệu quả trong giảm thừa cân béo phì (vietq.vn)

(Visited 10 times, 1 visits today)