VBF 2023: Nâng cao trách nhiệm doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xanh và tăng trưởng bền vững

Cơ hội giao thương - Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên VBF 2023, cộng đồng doanh nghiệp đã tham mưu cho Chính phủ các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững; đồng thời đưa ra cam kết nâng cao trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp, bên cạnh đầu tư kinh doanh có hiệu quả, có trách nhiệm đóng góp vào phát triển kinh tế xanh và tăng trưởng bền vững của Việt Nam.

Sáng 19/3/2023, tại Hà Nội, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2023 với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh” diễn ra với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhằm tập trung các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp cho mục tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu chỉ đạo Diễn đàn. Ảnh: MPI 

Quyết tâm phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, 2022 là một năm kinh tế thế giới đầy biến động phức tạp, khó lường và nhiều thách thức đan xen song Việt Nam đã đạt được những kết quả tăng trưởng kinh tế – xã hội quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Năm 2022, quy mô nền kinh tế Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 400 tỷ USD với mức tăng trưởng là 8,02%, GDP bình quân/người hơn 4.000 USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 3,22 triệu tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục 732 tỷ USD, đưa Việt Nam vào trong nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; tiếp tục duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với kim ngạch đạt 11,2 tỉ USD. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc. Nhiều dự án hạ tầng quan trọng, nhất là giao thông, năng lượng được đẩy nhanh tiến độ.

Thông tin nhiều tổ chức quốc tế nhận định Việt Nam là “điểm sáng trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, phục hồi và phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững hiện đang là ưu tiên hàng đầu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Mục tiêu chung là nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã và đang lấy kinh doanh “xanh” là chiến lược và lợi thế cạnh tranh; từ sử dụng năng lượng sạch, nguyên vật liệu thân thiện môi trường, ủng hộ các hoạt động trách nhiệm xã hội, đến đầu tư nghiêm túc vào những dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ cao, thân thiện môi trường, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, giảm thiểu chất thải và khí thải…

“Với tầm nhìn xa, hoài bão lớn, quyết tâm cao, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt được điều đó, chúng ta cần đồng tâm, hiệp lực, kiên định triển khai hiệu quả Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh nhằm thực hiện các cam kết quốc tế mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định vai trò là thành viên tích cực và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh”, thông qua Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp tham mưu cho Chính phủ các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững. Đồng thời, đưa ra cam kết, lộ trình cụ thể, nâng cao trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp bên cạnh việc thực hiện đầu tư kinh doanh có hiệu quả; có trách nhiệm đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Các nhà đầu tư hướng tới phát triển xanh, bền vững để cùng chung tay xây dựng một nền kinh tế xanh toàn diện. Ảnh MPI 

Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ

Nhấn mạnh thế giới đang trên đỉnh của một cuộc cách mạng xanh và Việt Nam có tiềm năng mở đường tới một tương lai bền vững và thịnh vượng, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu EuroCham cho rằng, việc sử dụng năng lượng tái tạo là nhiệm vụ cấp bách, Chính phủ nên khuyến khích tất cả các bên tiêu dùng điện đầu tư vào năng lượng tái tạo. Để giảm lượng khí thải carbon và thúc đẩy tỷ lệ sử dụng năng lượng sạch hơn, điều cần thiết là hoàn thiện Quy hoạch điện 8 và đưa vào một chiến lược bù đắp cho năng lượng từ than.

Ông Thomas Jacobs – Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính quốc tế chỉ ra rằng, trong lịch sử, Việt Nam đã đóng góp khá ít trong phát thải khí nhà kính. Tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam trong toàn cầu tương đối nhỏ, chỉ ở mức 0,8%, nhưng trong 2 thập kỷ vừa qua với tốc độ phát triển nhanh, Việt Nam đã gia tăng lượng khí thải này, và là một trong những nền kinh tế thâm dụng về carbon nhất ở Đông Á.

Báo cáo khí hậu Việt Nam của World Bank cho thấy, Việt Nam từ nay đến 2040, Việt Nam cần 368 tỷ USD để khắc phục tác động của biến đổi khí hậu, thực hiện giảm phát thải ròng, trong đó cần nhiều đóng góp của khu vực tư nhân. “Điều này đòi hỏi hợp tác chặt chẽ hơn giữa khu vực tư nhân trong nước và nước ngoài để chuyển giao công nghệ và trao đổi kinh nghiệm”- ông Thomas Jacobs cho hay.

Chỉ ra trong thị trường toàn cầu ngày nay, Việt Nam cần thu hút và giữ chân người tài, ông Gabor Fluit- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, để làm điều đó, các thủ tục giấy phép lao động hiện tại cần được đơn giản hóa.

“Cần lưu ý rằng đầu tư nước ngoài chất lượng cao là điều cần thiết cho sự thành công của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta không thể thu hút những nhà đầu tư này nếu không thể tuyển dụng và giữ chân những người giỏi”- ông Gabor Fluit nhấn mạnh.

Đại diện tiếng nói cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Phạm Tấn Công- Chủ tịch Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, kết quả đạt được của kinh tế năm 2022 là rất ấn tượng, nhưng các tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023 đã cho thấy những dấu hiệu đáng quan ngại, đòi hòi cộng đồng doanh nghiệp doanh nghiệp và Chính phủ phải đồng hành hành động quyết liệt hơn nữa.

Đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã suy giảm rõ rệt, đồng thời trong 2 tháng đầu năm 2023 có tới 51.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong khi chỉ có 37.900 doanh nghiệp thành lập mới hoặc quay lại thị trường, tức đội ngũ doanh nghiệp tại Việt Nam đã sụt giảm trên 13.000 doanh nghiệp chỉ trong 2 tháng. Bên cạnh đó, Việt Nam đang đặt ra những mục tiêu phát triển cao, đó là đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển thu nhập cao, đến năm 2050 giảm phát thải ròng carbon bằng 0- ông Công nêu rõ.

Nhắc lại tuyên bố của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26, quyết tâm của Chính phủ đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là cam kết và đóng góp của Việt Nam trong giải quyết những thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu và vấn đề môi trường, ông Phạm Tấn Công khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn ủng hộ, hưởng ứng và đồng hành cùng Chính phủ thực hiện các mục tiêu và cam kết phát triển quan trọng này.

Chính phủ Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Việt Nam tiếp tục xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; triển khai công tác quy hoạch; cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn và trong sạch bộ máy, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng cho rằng, đây là những các giải pháp căn cơ, lâu dài để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, theo quy luật, các hoạt động kinh doanh có lúc thuận lợi nhưng cũng có lúc khó khăn, thua lỗ, điều quan trọng nhất là về tổng thể, lâu dài, nhà đầu tư bảo toàn được vốn, mở rộng được sản xuất, kinh doanh, đạt được lợi nhuận.

Thủ tướng nhấn mạnh, tăng trưởng xanh là xu thế của thời đại, cũng là vấn đề toàn cầu, do đó, phải kêu gọi đoàn kết, hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương trên tinh thần chân thành, tin cậy, hiệu quả. “Phát triển hôm nay nhưng phải nghĩ đến tương lai con cháu sau này; phát triển mang lại thu nhập cho người dân nhưng phải bảo đảm sức khoẻ cho người dân”, Thủ tướng nói.

Việt Nam đang tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ và chuyển đổi số. Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, đặc biệt lưu ý về quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để phát triển năng lượng bền vững; đảm bảo quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc bình đẳng, bao trùm.

Theo Thủ tướng, tăng trưởng xanh cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện và năng lực khác nhau của từng vùng miền, địa phương và doanh nghiệp. Thủ tướng mong muốn nhà đầu tư tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam vượt qua khó khăn, “các khó khăn lâu dài thì có giải pháp lâu dài, khó khăn trước mắt thì có giải pháp trước mắt”.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ về tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển, cụ thể là tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tiếp thu chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về những định hướng lớn, cũng như nhiệm vụ mà Chính phủ, các Bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp cần phải tiếp tục triển khai trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, giá trị doanh nghiệp tăng song hành cùng trách nhiệm “xanh” và trách nhiệm xã hội; đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ mong muốn các nhà đầu tư đang có ý tưởng, bắt đầu khởi sự kinh doanh hay khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo sẽ hướng tới phát triển xanh, bền vững, có sự lan tỏa, gắn kết với cộng đồng để cùng chung tay xây dựng nền kinh tế xanh toàn diện, hướng tới đạt được mục tiêu hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

Theo VietQ.vn

VBF 2023: Nâng cao trách nhiệm doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xanh và tăng trưởng bền vững (vietq.vn)

(Visited 29 times, 1 visits today)