Sử dụng công cụ phòng vệ thương mại hiệu quả tại thị trường trong nước

Cơ hội giao thương - Mặc dù các biện pháp phòng vệ thương mại mới được áp dụng trong những năm gần đây, nhưng đã đem lại hiệu quả tích cực cho ngành sản xuất trong nước, giúp ngành khắc phục thiệt hại do sự gia tăng của hàng nhập khẩu gây ra, giữ vững sản xuất và phát triển bền vững.

Pháp luật về phòng vệ thương mại Việt Nam đã được xây dựng cách đây 16 năm, trước khi chúng ta chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, chỉ trong khoảng 5 năm gần đây chúng ta mới thực sự chủ động sử dụng công cụ hợp pháp mà WTO và các Hiệp định thương mại tự do cho phép này.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, kể từ năm 2013 đến nay, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 22 vụ việc phòng vệ thương mại, trong đó có 14 vụ việc điều tra chống bán phá giá và 6 vụ việc điều tra tự vệ, 01 vụ việc điều tra chống trợ cấp và 01 vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Trong đó, Bộ Công Thương đã ban hành 14 quyết định áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu. Hàng hóa là đối tượng áp dụng của các biện pháp phòng vệ thương mại thuộc các nhóm hàng gồm sắt thép (phôi thép, thép xây dựng, thép hình chữ H, thép cuộn cán nguội, thép mạ, thép phủ màu), phân bón (DAP/MAP), chất dẻo (màng BOPP), thực phẩm (bột ngọt). Đây hầu hết là những mặt hàng có vai trò quan trọng, là xương sống trong nền kinh tế của mỗi quốc gia.

Thực tế cho thấy các biện pháp phòng vệ thương mại đã đem lại hiệu quả tích cực cho các ngành sản xuất trong nước, giúp ngành khắc phục thiệt hại do sự gia tăng của hàng nhập khẩu gây ra, giữ vững sản xuất và từng bước phát triển.

Các biện pháp phòng vệ thương mại đã và đang áp dụng góp phần bảo vệ công ăn việc làm của khoảng 140.000 người lao động trong các lĩnh vực nói trên, khuyến khích sản xuất trong nước phát triển và hỗ trợ cân bằng cán cân thanh toán quốc tế.

Theo tính toán, những ngành sản xuất đang được bảo vệ bởi các biện pháp phòng vệ thương mại ước tính đóng góp khoảng 6,3% GDP của cả nước (ước tính theo GDP Việt Nam năm 2019). Với việc tăng thuế nhập khẩu, các biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng cũng đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước với mức thuế thu được ước tính lên tới hàng nghìn tỉ đồng.

Những ngành sản xuất đang được bảo vệ bởi các biện pháp phòng vệ thương mại ước tính đóng góp khoảng 6,3% GDP cả nước
Những ngành sản xuất đang được bảo vệ bởi các biện pháp phòng vệ thương mại ước tính đóng góp khoảng 6,3% GDP cả nước

Qua theo dõi tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương nhận thấy việc tăng trưởng nhập khẩu ồ ạt với những sản phẩm này đã giảm đi đáng kể. Ví dụ, mặt hàng tôn mạ trước đây mỗi năm nhập khẩu đều tăng gấp đôi so với năm trước thì sau khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá, lượng nhập khẩu đã giảm đáng kể.

Nhờ các biện pháp phòng vệ thương mại, nhiều doanh nghiệp thuộc một số ngành kinh tế đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất như Công ty phân bón DAP Hải Phòng, Công ty thép Việt Trung, Công ty thép Việt Ý, Công ty thép Pomina…

Các biện pháp phòng vệ thương mại cũng góp phần ổn định giá đầu vào cho một số ngành sản xuất trong nước. Cụ thể, như đối với phân bón DAP, khi có sản xuất trong nước để tạo đối trọng, giá mặt hàng này đã thấp hơn thời kỳ phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu trước đó. Trước năm 2009, khi ta không có ngành sản xuất DAP trong nước, giá phân bón DAP (chủ yếu là từ Trung Quốc) đã từng bị đẩy lên ở mức rất cao (18.000 đồng/kg năm 2008) dẫn đến chi phí sản xuất lúa tăng cao. Nhưng sau khi hai nhà máy sản xuất DAP đi vào hoạt động, giá DAP đã giảm liên tục và chỉ còn 8.000 đồng/kg vào cuối năm 2017.

Chính vì vậy, việc áp dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ các ngành sản xuất liên quan đến nông nghiệp, xây dựng… vừa là để bảo vệ sản xuất và việc làm trong nước đồng thời giảm mức độ phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng theo dõi sát diễn biến giá cũng như tình hình nhập khẩu và rà soát định kỳ để điều chỉnh các biện pháp phòng vệ thương mại cho phù hợp thực tiễn, tránh hiện tượng hàng hóa tăng giá do biện pháp phòng vệ thương mại hay giảm động lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước đã tăng cường xuất khẩu sau khi biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng (như thép Hòa Phát, tôn Đông Á, Tôn Hoa Sen, Tôn Nam Kim, DAP Hải Phòng, thép Posco SS Vina…), cho thấy năng lực cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp vẫn được đảm bảo.

Như vậy, các biện pháp phòng vệ thương mại kịp thời do Bộ Công Thương áp dụng, dù mới chỉ xuất hiện nhiều trong những năm gần đây, đã góp phần ngăn chặn những tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu ồ ạt, cạnh tranh không lành mạnh với hàng hóa trong nước và đảm bảo giữ vững sản xuất nội địa cũng như năng lực cạnh tranh.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương khẳng định sẽ tiếp tục quan tâm, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước thông qua việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trên nguyên tắc công khai, minh bạch, tuân thủ quy định pháp luật và phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Theo Tạp chí Công Thương

(Visited 27 times, 1 visits today)