Sáng ngày 31/12/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ thu – chi NSNN năm 2020 diễn ra tại 66 điểm cầu trung ương và các địa phương. Sau khi nghe các báo cáo của Bộ Tài chính, báo cáo của các địa phương, căn cứ số liệu tính đến hết ngày 30/12/2020, Hội nghị khẳng định kết quả thực hiện các nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2020 rất tích cực và toàn diện.
Theo đó, ước thực hiện cả năm 2020, thu NSNN đạt khoảng 1.481,6 nghìn tỷ đồng, đạt 98% so dự toán, tăng 158,5 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội; tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 23,5%GDP, riêng thuế, phí đạt 18,9%GDP. Đây là những con số hết sức tích cực trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 2,91%, thấp hơn nhiều so mục tiêu (6,8%) và thực hiện nhiều giải pháp chính sách tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh.
Về chi ngân sách, trong bối cảnh thu ngân sách giảm, cân đối ngân sách các cấp khó khăn, song nhờ chủ động trong điều hành và vận dụng hiệu quả nhiều giải pháp quản lý chi NSNN, ngành Tài chính vẫn đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân vượt qua tác động của đại dịch, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và hoàn thành các nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Tính đến hết ngày 30/12/2020, NSNN đã chi khoảng 18,1 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ cho gần 13 triệu người dân; đồng thời đã đề xuất cấp 36,6 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm. Một điểm sáng trong điều hành là tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển tiến bộ hơn so năm trước, lũy kế hết tháng 12 đã đạt gần 83% kế hoạch năm.
Bội chi NSNN, nợ công được kiểm soát chặt chẽ trong phạm vi Quốc hội cho phép, tương ứng khoảng 4,2%GDP và 55,9%GDP.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, kết quả đạt được trong năm 2020 là rất tích cực và toàn diện trong bối cảnh chúng ta chịu tác động nghiêm trọng của thiên tai, dịch bệnh, khẳng định sự đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Các kết quả này cũng là tiền đề quan trọng để chúng ta tự tin bước vào năm 2021, năm đầu của kế hoạch 5 năm và chiến lược 10 năm về phát triển kinh tế – xã hội thời kỳ tới.
“Bước sang năm 2021, trước bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục phụ thuộc nhiều vào kết quả và khả năng kiểm soát đại dịch Covid-19, khó khăn phía trước còn nhiều, mục tiêu lớn và đầy thách thức đó là tăng trưởng kinh tế phải đạt 6% (Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phấn đấu tăng trưởng 6,5%), thu NSNN tăng 3% so dự toán Quốc hội,…, nhưng với quyết tâm tiếp tục kiên định thực hiện mục tiêu kép vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa phục hồi tăng trưởng kinh tế, phát huy tối đa những kết quả đạt được của năm 2020 và các yếu tố nền tảng bền vững (chính trị ổn định, môi trường kinh doanh thuận lợi), thì tôi tin rằng cả nước sẽ tiếp tục hoàn thành các mục tiêu kinh tế – xã hội và NSNN đã đề ra”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ.
Đối với ngành tài chính, để hoàn thành các mục tiêu Đảng và Nhà nước giao, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, cấp ủy, chính quyền địa phương cần vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đề ra ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm 2021, trên tinh thần phát huy các mặt tích cực đạt được năm 2020, lường trước các khó khăn thách thức, căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương để có kế hoạch, giải pháp triển khai chi tiết, khả thi cho cả năm 2021, cùng với thực hiện phương châm chung của Chính phủ là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, khát vọng phát triển”, nỗ lực, quyết tâm để hoàn thành và vượt các mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh; rà soát, sửa đổi các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Cùng với đó, tiếp tục rà soát, nghiên cứu các giải pháp chính sách về miễn, giảm, giãn thuế, phí và thu ngân sách để hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp khó do tác động của đại dịch. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn lậu thuế; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN; kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế.
Các địa phương phấn đấu thu vượt tối thiểu 3% dự toán Quốc hội quyết định, đối với các địa phương có điều kiện thì phấn đấu tăng từ 3-5%.
Theo VnMedia