Theo trang tin Asia Times, Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới đạt được mức tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020. Đồng thời, dự báo Việt Nam là ngôi sao đang lên trong nền kinh tế khu vực nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung, mở đường cho Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Lý giải về sự thành công của Việt Nam, Asia Times cho rằng, thực tế đã cho thấy nền kinh tế của Việt Nam ít phụ thuộc vào ngành dịch vụ du lịch so với các nước Đông Nam Á khác, nên tác động của dịch bệnh đến sự “sụp đổ” của ngành du lịch quốc tế đã không gây nhiều áp lực đối với kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã có lợi thế hai năm liên tiếp nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ. Mới đây, Chính phủ Việt Nam đã chủ trì lễ ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), được dự báo là đòn bẩy giúp tăng trưởng kinh tế và thương mại của Việt Nam nói riêng và các nước tham gia Hiệp định nói chung.
Cũng theo bài viết trên trang Asia Times, Việt Nam bước vào năm 2020 với lợi thế hai năm liên tiếp nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ. Đó là chưa kể việc Việt Nam vừa phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) và chủ trì lễ ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), giúp tăng trưởng kinh tế và thương mại.
Bài viết cũng dẫn báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, các bước đi mang tính quyết định của Việt Nam trong việc ngăn chặn tình trạng suy thoái kinh tế và sức khỏe từ dịch COVID-19 là động lực chính cho mức tăng trưởng kinh tế dương trong năm nay.
IMF dự báo GDP của Việt Nam trong năm 2020 sẽ tăng 2,4% và tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 với mức tăng trưởng 6,5% “khi hoạt động kinh tế trong và ngoài nước trở lại bình thường”. Trong 9 tháng đầu năm 2020, Việt Nam ghi nhận 21,2 tỷ USD đầu tư nước ngoài vào các dự án mới và rót vốn ra nước ngoài, tương đương khoảng 80% tổng vốn đầu tư mà Việt Nam nhận được so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều khoản đầu tư trong năm nay phải chờ đến năm 2021 hoặc muộn hơn mới được triển khai – điều này cũng cho thấy chỉ dấu phục hồi kinh tế ổn định. Cũng đưa ra đánh giá lạc quan về kinh tế Việt Nam, trong báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 11/2020 vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định trong tháng 10, kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi vững chắc.
Báo cáo nêu rõ cả sản xuất công nghiệp và bán lẻ đều tăng hơn 6,5% (so với cùng kỳ năm trước), cao nhất kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 vào tháng 2/2020. Bên cạnh đó, nhờ kim ngạch xuất khẩu tăng gần 10%, thặng dư thương mại hàng hóa tiếp tục tăng kỷ lục, một phần là nhờ hàng xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh. Thặng dư thương mại hàng hóa trong 10 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam đạt mức kỷ lục 17,7 tỷ USD, được củng cố bởi thặng dư 1,4 tỷ USD trong tháng 10.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam gia tăng cho thấy niềm tin vào nền kinh tế được khôi phục sau đợt bùng phát dịch vào tháng 8. Khi làn sóng Covid-19 thứ hai được kiểm soát thành công, FDI vào Việt Nam đã tăng lên khoảng 2,27 tỷ USD trong tháng 10, so với 1,67 tỷ USD trong tháng 9 và 0,8 tỷ USD trong tháng 8.
Trong 10 tháng đầu năm 2020, cả nước đã thu hút được 23,5 tỷ USD vốn FDI, thấp hơn khoảng 19,4% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng vẫn là một thành tựu nổi bật. Bởi vì Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo dòng vốn FDI vào các nước Đông Á sẽ giảm 30-45% trong năm 2020.
Trong khi đó, IMF đánh giá Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng dương duy nhất trong ASEAN với GDP năm 2020 và 2021 lần lượt đạt tăng trưởng 1,6% và 6,7%. Với mức tăng này, quy mô GDP của Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 340,6 tỷ USD, vượt Singapore (337,5 tỷ USD), Malaysia (336,3 tỷ USD), đứng thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á. Ngân hàng Standard Chartered dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2020 và 7,8% vào năm 2021. Ngân hàng Thế giới cũng dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,5 đến 3% năm 2020.
Theo VnMedia