Cơ cấu quy mô doanh nghiệp còn chưa bền vững
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng kinh doanh vẫn còn ở mức cao. Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể so với tổng số doanh nghiệp thành lập mới hàng năm trong giai đoạn 2017- 2019 trung bình khoảng 58,1%. Trong đó, năm 2017 là 57,3%; năm 2018 là 67,7% và 11 tháng đầu năm 2019 là 49,4%.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tuy tăng mạnh về số lượng song khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đứng trước những thách thức quan trọng. Việt Nam đặc biệt thiếu các doanh nghiệp quy mô lớn và doanh nghiệp cỡ vừa. Hiện tượng thiếu vắng doanh nghiệp cỡ vừa này dẫn tới sự mất cân đối trong cấu trúc các doanh nghiệp tư nhân chính thức.
“Mặc dù đã có những dấu hiệu tích cực trong 2-3 năm gần đây, số lượng doanh nghiêp lớn của Việt Nam vẫn còn tương đối ít với khoảng 17 ngàn doanh nghiệp được xếp hạng là quy mô lớn tính đến cuối năm 2018. Nhưng điều đáng lưu ý hơn là số lượng các doanh nghiệp cỡ vừa với khoảng 21 ngàn doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 3,47% trên tổng số doanh nghiệp. Con số này vẫn còn khá khiêm tốn so với cấu trúc tại các nền kinh tế khác có khu vực doanh nghiệp phát triển bền vững hơn, trong đó tỷ trọng các doanh nghiệp cỡ vừa thường chiếm từ 5 – 10%”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.
Việt Nam đặc biệt thiếu các doanh nghiệp quy mô lớn và doanh nghiệp cỡ vừa
Việt Nam đặc biệt thiếu các doanh nghiệp quy mô lớn và doanh nghiệp cỡ vừa
Đối với các doanh nghiệp lớn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù được xếp hạng là doanh nghiệp lớn, nhưng quy mô trung bình của các doanh nghiệp lớn trong khu vực tư nhân của Việt Nam cũng nhỏ bé hơn rất nhiều so với mức trung bình tại các quốc gia trong khu vực.
Ví dụ, số liệu về các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, những đại diện tiêu biểu nhất cho các doanh nghiệp tư nhân lớn ở Việt Nam, cho thấy quy mô vốn hóa trung bình của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán của Việt Nam chỉ là 186 triệu USD/ công ty vào năm 2018. Quy mô vốn này thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 1,2 tỷ USD/công ty tại Philippines, 1,07 tỷ USD/công ty tại Singapore, 835 triệu USD/công ty tại Thái Lan, 809 triệu USD/công ty tại Indonesia và 553 triệu USD/công ty tại Malaysia tính đến thời điểm cuối tháng 4 năm 2018. Số lượng các doanh nghiệp từ nhỏ vươn lên quy mô vừa và từ quy mô vừa lên quy mô lớn rất thấp.
Năng lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế
Liên quan đến năng lực khoa học công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện máy móc thiết bị còn lạc hậu, chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ trong doanh nghiệp, đặc biệt công nghệ lõi, công nghệ tiên phong.
Theo đó, chỉ 10% tổng số doanh nghiệp đã từng đăng ký hoặc đăng ký thành công 1 bằng sáng chế trong vòng 3 năm gần đây. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể sở hữu một phát minh sáng chế. Đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào đổi mới công nghệ trung bình chỉ chiếm 0,2-0,3% doanh thu trong khi đó ở Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc là 10%. Trên thực tế, sự liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các cơ quan nghiên cứu và trường đại học còn yếu.
Trong kết quả điều tra về năng lực cạnh tranh và công nghệ cấp độ doanh nghiệp, chỉ có 10,2% doanh nghiệp cho biết có đầu tư vào một số hoạt động R&D. Trong đó, hầu hết các chi phí nghiên cứu (55%) được dành để phát triển công nghệ mới đối với thị trường doanh nghiệp hoạt động chứ không phải “nghiên cứu tiên phong” – công nghệ mới so với thế giới (43,2% mới với doanh nghiệp; 1,8% mới với thế giới).
Đáng chú ý, khả năng liên kết yếu, năng lực cạnh tranh thấp để có thể xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, tham gia vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Đặc biệt, mối liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rất yếu và có nhiều hạn chế.
Theo một cuộc khảo sát của JETRO4, các công ty Nhật Bản, một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, mua sắm khoảng 32,4% các dịch vụ và sản phẩm đầu vào từ các nhà cung cấp địa phương trong năm 2016. Con số này thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp FDI của Nhật tại các nước láng giềng ví dụ như Trung Quốc (67,8%), Thái Lan (57,1%) và Indonesia (40,5%).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, hiện tại, chỉ 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam là một phần trong chuỗi giá trị toàn cầu và chỉ 14% doanh nghiệp nhỏ và vừa đã thành công trong việc thu hút khách hàng hoặc đối tác nước ngoài, mặc dù số lượng FDI được đầu tư trong nước là rất lớn. Tình trạng năng suất thấp và thiếu lao động có tay nghề cao ở các doanh nghiệp trong nước đã làm hạn chế những mối liên kết chuỗi giá trị.
Theo VnMedia