Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Doanh nghiệp cần làm gì để bền vững, tránh rủi ro?

Cơ hội giao thương - Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, thị trường Trung Quốc luôn được coi là thị trường quan trọng, hàng năm được ưu tiên nguồn lực triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại quy mô lớn, huy động sự tham gia của nhiều đối tượng (các Hiệp hội ngành hàng, địa phương, doanh nghiệp) với nhiều hình thức đa dạng, tại nhiều địa phương ở Trung Quốc.

Việt Nam và Trung Quốc có vị trí địa lý thuận lợi cho giao thương

Theo Bộ Công Thương, hiện Trung Quốc đã là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, với dân số hơn 1,4 tỷ người, chiếm 18,7% tổng dân số toàn thế giới, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông thủy sản của thị trường Trung Quốc phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu là rất lớn và đa dạng, phong phú. 32 tỉnh, thành phố của Trung Quốc đều có nhu cầu khác nhau đối với từng loại sản phẩm cụ thể, trong đó nhiều tỉnh, thành phố với dân số lớn đã có thể coi là một thị trường hấp dẫn.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Trung Quốc có vị trí địa lý thuận lợi cho giao thương, cùng đã tham gia ký kết Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) có hiệu lực từ năm 2010, với mức thuế quan giảm về 0% đối với 8.000 dòng sản phẩm, trong đó có các sản phẩm nông sản. Và sắp tới đây cả 2 nước tiếp tục tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) – là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, với mức độ cam kết rộng hơn, sâu hơn và có nhiều lĩnh vực mới hơn. 

“Lợi ích mà các Hiệp định này đem lại rất lớn, nhưng để khai thác có hiệu quả lại phụ thuộc rất nhiều vào năng lực tổ chức thực hiện của doanh nghiệp, với sự hỗ trợ của Nhà nước, Hiệp hội ngành hàng, đặc biệt là đối với công tác xúc tiến thương mại (XTTM)”, Bộ Công Thương cho hay.

Trung Quốc là một thị trường tiềm năng để xuất khẩu nông sản
Trung Quốc là một thị trường tiềm năng để xuất khẩu nông sản

Doanh nghiệp cần chuyển sang kinh doanh theo hình thức thương mại chính quy

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, thị trường Trung Quốc luôn được coi là thị trường quan trọng, hàng năm được ưu tiên nguồn lực triển khai nhiều hoạt động XTTM quy mô lớn, huy động sự tham gia của nhiều đối tượng (các Hiệp hội ngành hàng, địa phương, doanh nghiệp) với nhiều hình thức đa dạng, tại nhiều địa phương ở Trung Quốc. 

Vì vậy, để phát huy tối đa lợi ích tiềm tàng từ các Hiệp định thương mại tự do, góp phần phát triển xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc một cách bền vững, trong thời gian qua, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương cho biết, đã và đang chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, Hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp triển khai thực hiện các biện pháp, giải pháp như xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin thị trường Trung Quốc thông qua việc mua nguồn thông tin chuyên ngành tại thị trường sở tại từ đó nắm bắt được tình hình sản xuất, phân phối, tiêu thụ các chủng loại nông sản đặc thù riêng của từng địa phương tại Trung Quốc để có những giải pháp định hướng kịp thời cho các doanh nghiệp xuất khẩu, địa phương tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại đáp ứng phù hợp với thị hiếu tiêu dùng…

Đối với các doanh nghiệp, để duy trì thị phần và mở rộng thị trường Trung Quốc, trong thời gian tới, Bộ Công Thương khuyến nghị, trước mắt, đối với công tác sản xuất, cần phải tổ chức được nguồn hàng đáp ứng đúng và đủ nhu cầu, thị hiếu của thị trường Trung Quốc. Hàng hóa có giá cả phù hợp, chất lượng tốt, phù hợp nhu cầu, thị hiếu người dân sở tại, có sản lượng đủ để cung cấp thường xuyên, lâu dài, đảm bảo tiêu chí xuất xứ để được hưởng ưu đãi của FTA. 

Còn đối với công tác tổ chức xuất khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, các doanh nghiệp cần chuyển dần sang kinh doanh theo hình thức thương mại chính quy, ký kết hợp đồng mua bán thay vì xuất khẩu theo hình thức “tiểu ngạch” nhằm hạn chế tối đa hiện tượng ép giá và các rủi ro khác trong thanh toán; theo dõi, cập nhật các thông tin thị trường, chính sách xuất nhập khẩu, các quy định về chất lượng sản phẩm và thị hiếu tiêu dùng của từng địa phương Trung Quốc để chủ động trong kế hoạch kinh doanh với thị trường này (doanh nghiệp có thể tiếp cận các thông tin này trên Trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương, qua các Bản tin về nông, lâm, thủy sản hàng tuần của Cục Xuất nhập khẩu hoặc trực tiếp qua Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ của Bộ Công Thương tại thị trường Trung Quốc). 

Bên cạnh đó, cần chủ động phân loại, lựa chọn chủng loại và tổ chức đóng gói ngay tại nơi sản xuất đáp ứng yêu cầu của đối tác nhập khẩu (về nhãn mác, bao bì…) trước khi đưa lên khu vực biên giới để quá trình giao nhận hàng hóa diễn ra thuận lợi, nhanh chóng; đồng thời nâng cao chất lượng, nghiêm túc thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với nước nhập khẩu, giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu. Đồng thời, nghiên cứu khả năng hợp tác với một số doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại điện tử để nhập khẩu, tiêu thụ nông sản, trái cây qua hình thức thương mại điện tử tại thị trường này.

Riêng đối với công tác xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu và chú trọng việc tham dự các hoạt động Hội chợ, triển lãm quy mô lớn, mang tính quốc tế cao tại Trung Quốc để tìm kiếm cơ hội giao dịch, kết nối trực tiếp với các đối tác nhập khẩu có uy tín của Trung Quốc nhằm xuất khẩu sang thị trường này một cách chuyên nghiệp… 

Theo VnMedia

(Visited 13 times, 1 visits today)