Việt Nam là nước thực hiện nhiều cải cách nhất trong 16 năm qua

Cơ hội giao thương - Theo Báo cáo của Ngân hàng thế giới (Doing Business 2019), Việt Nam cùng với Indonesia là nước thực hiện nhiều cải cách nhất trong 16 năm qua, với 42 cải cách.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với chỉ đạo kiên quyết, liên tục, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và sự vào cuộc tích cực của một số Bộ, ngành, địa phương, những năm qua môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện

Theo Báo cáo của Ngân hàng thế giới (Doing Business 2019), Việt Nam cùng với Indonesia là nước thực hiện nhiều cải cách nhất trong 16 năm qua, với 42 cải cách. Trong đó, chỉ riêng 5 năm từ khi thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Việt Nam đã có 18 cải cách được ghi nhận, đáng chú ý là chỉ số Nộp thuế và bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng.

Năm 2018, môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện 13 bậc so với năm 2016, từ thứ 82 lên thứ 69 trong tổng số 190 nền kinh tế được khảo sát. Trong đó, chỉ số thành phần Tiếp cận điện năng tăng 69 bậc (từ thứ 96 lên thứ 27), Nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 36 bậc (từ thứ 167 lên thứ 131), Khởi sự kinh doanh tăng 17 bậc (từ thứ 121 lên thứ 104), Chỉ số Hiệu quả logistics tăng 25 bậc (từ thứ 64 lên thứ 39), Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 14 bậc (từ thứ 59 lên thứ 45)…

Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, trong 5 năm gần đây, thứ hạng các trụ cột Đổi mới sáng tạo của Việt Nam có xu hướng cải thiện liên tục.

Việt Nam cùng với Indonesia là nước thực hiện nhiều cải cách nhất trong 16 năm qua, với 42 cải cách. Ảnh minh họa
Việt Nam cùng với Indonesia là nước thực hiện nhiều cải cách nhất trong 16 năm qua, với 42 cải cách. Ảnh minh họa

Cụ thể, năm 2018, chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam được Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) xếp vị trí thứ 45/126 nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2017. Xếp hạng chung về Đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2018 so với năm 2014 tăng 26 bậc với 6/7 chỉ số thành phần tăng hạng. Trong đó, Thể chế tăng 43 bậc (từ vị trí 121/143 lên thứ 78/126); Nguồn nhân lực và nghiên cứu tăng 23 bậc (từ vị trí 89 lên vị trí 66); Cơ sở hạ tầng cải thiện 21 bậc (thứ 99 lên vị trí 78); Trình độ phát triển của thị trường tăng 59 bậc (từ vị trí 92 lên thứ 33); Sản phẩm kiến thức và công nghệ tăng 14 bậc (từ thứ 49 lên vị trí 35); Sản phẩm sáng tạo cải thiện 12 bậc (từ thứ 58 lên thứ 46).

Ngoài ra, xem xét mối tương quan giữa mức thu nhập (GDP bình quân đầu người) và năng lực Đổi mới sáng tạo (điểm số), WIPO đánh giá Việt Nam tiếp tục có kết quả Đổi mới sáng tạo tốt hơn nhiều so với mức độ phát triển GDP.

Cũng theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019, trong năm 2018, đa số Bộ, ngành đã hoàn thành việc xây dựng các Nghị định về điều kiện kinh doanh và được Chính phủ thông qua. Trong đó, một số điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, thiếu rõ ràng đã được cắt bỏ, rút ngắn yêu cầu về thời gian, giảm các yêu cầu về số lượng, cắt bỏ và đơn giản hóa điều kiện kinh doanh về địa điểm và cơ sở vật chất…

Theo báo cáo của các Bộ, ngành, hầu hết kết quả cắt giảm điều kiện kinh doanh đạt trên 50%, trong đó đã cắt giảm, đơn giản hóa 61% điều kiện kinh doanh và 60% thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu, đạt mục tiêu Nghị quyết số 19/NQ-CP đề ra. Trong lĩnh vực khoa học, công nghệ đã rà soát bãi bỏ, đơn giản hóa trên 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh; chuyển 91% sản phẩm hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành sang hậu kiểm, giảm thời gian kiểm tra từ 23 ngày xuống còn 01 ngày, vượt yêu cầu ASEAN+4 (90 giờ).

Môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn còn hạn chế

Bên cạnh những mặt đạt được, Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019 cũng cho biết, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn một số bất cập, hạn chế cần nhanh chóng khắc phục, từ đó tạo động lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển.

Cụ thể, thủ tục hải quan và quản lý, kiểm tra chuyên ngành tuy đã có những bước cải thiện nhưng còn chậm, làm cho thứ bậc của Việt Nam bị giảm. Thực tế cho thấy, rào cản trong quản lý chuyên ngành, nhất là thủ tục kiểm dịch động vật, kiểm tra chất lượng là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới kéo dài thời gian thông quan.

Bên cạnh đó, Chỉ số Đăng ký quyền sở hữu và sử dụng tài sản trong nhiều năm không có bất kỳ cải cách gì và thứ hạng liên tiếp giảm bậc qua các năm.

Về xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu, theo kết quả xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2018, chỉ số Năng lực cạnh tranh 4.0 (GCI 4.0) của Việt Nam giảm 3 bậc (từ 74 xuống vị trí 77). Đáng chú ý là 7/12 trụ cột giảm điểm, trong đó đánh giá về Kỹ năng giảm 1,5 điểm (từ 55,8 xuống 54,3); yếu tố Thể chế giảm 1,2 điểm (từ 50,7 xuống 49,5); yếu tố Cơ sở hạ tầng, Hiệu quả thị trường hàng hoá, Hiệu quả thị trường tài chính giảm 0,6 điểm mỗi trụ cột; Năng lực Đổi mới sáng tạo giảm 0,5 điểm và Mức độ năng động trong kinh doanh giảm 0,3 điểm. Kết quả này cho thấy các động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo để theo kịp xu thế 4.0 của Việt Nam còn yếu và chưa hiệu quả.

Trong đó, thủ tục hành chính vẫn là rào cản nặng nề, văn hoá doanh nhân giảm điểm, mức độ trao đổi và đa dạng hoá còn thấp, mức độ thương mại hoá hạn chế.

Theo VnMedia

(Visited 13 times, 1 visits today)