Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với địa phương vừa diễn ra trong 02 ngày 28 và 29/12 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp ngay từ những ngày đầu năm 2020 đã tác động rất sâu sắc tới nền kinh tế Việt Nam – là nền kinh tế có độ mở cao, hội nhập sâu rộng cùng nền kinh tế thế giới. Đặc biệt là các tác động trực tiếp tới chuỗi cung ứng và thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam.
“Cho tới tận ngày hôm nay, dịch bệnh vẫn đang tiếp tục tạo nên những khó khăn vô cùng to lớn cho kinh tế – thương mại toàn cầu với những biến chủng mới của virus corona đã được phát hiện, đang tạo nên làn sóng thứ 3 của dịch Covid-19 ở nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, nhờ sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành và bình tĩnh, sáng suốt trong việc ra quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thực hiện nhất quán, xuyên suốt ngay từ đầu năm phương châm “vừa tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh”. Nhờ đó, chúng ta đã kịp thời giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc, trong thách thức vẫn tận dụng được cơ hội có được.
Dẫn chứng vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, giữa lúc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung tiếp tục leo thang, nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa gặp khó khăn, song Việt Nam đã khéo léo và kịp thời thực hiện các biện pháp nhằm khai thác tốt cả 2 thị trường này. Qua đó, xuất khẩu của Việt Nam sang cả 2 thị trường này đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng rất cao: Xuất khẩu sang Mỹ đạt gần 76,5 tỷ USD, tăng 24,7%; xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 48,8 tỷ USD, tăng 17,7%. Và như vậy, cùng với việc khai thác rất có hiệu quả thị trường EU ngay sau khi Hiệp định Thương mại tự do EVFTA có hiệu lực thực thi từ ngày 01/8, đã đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cả năm 2020 đạt mức 281,47 tỷ USD, tăng 6,5%, là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong khu vực và thế giới.
Năm 2020, Việt Nam đã tranh thủ xu hướng chuyển dịch thương mại – đầu tư trên thế giới để tập trung đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu trong lĩnh vực công nghiệp và tiến dần trong chuỗi giá trị ở một số ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Trong năm 2020, chúng ta đã nỗ lực tập trung đẩy mạnh Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và có cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, thông qua các hoạt động hỗ trợ xúc tiến đầu tư, kết nối thị trường; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; kết nối với các Tập đoàn lắp ráp đa quốc gia và các nhà cung ứng lớp trên thế giới nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI… Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp trong nước đã tham gia thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều hãng sản xuất đa quốc gia lớn cũng đã và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư hoặc đầu tư mới tại Việt Nam như Toyota, Ford, Honda, Hyundai, Mazda, Mitsubishi, Foxconn, Samsung…
Bước sang năm 2021, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới được đánh giá tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có những biến chủng mới và tiếp tục lan rộng, chưa được kiểm soát tốt ở nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, Bộ Công Thương cho rằng cần tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác, phải bảo đảm thực hiện tốt công tác kiểm soát dịch bệnh ở trong nước. Coi đây là yếu tố quyết định để bảo đảm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của năm 2021. Theo đó, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ tiếp tục có chỉ đạo toàn diện, đồng bộ để các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh.
Theo Bộ Công Thương, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm với nhiều chủ trương, định hướng lớn của Đảng cần được cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện. Do vậy, các Bộ ngành, địa phương cần tập trung nghiên cứu, xây dựng để tổ chức triển khai thành các chính sách, chương trình cụ thể nhằm đưa chủ trương, định hướng lớn của Đảng vào cuộc sống…
Theo VnMedia