Ngày 21/3/2023, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Cục Chăn nuôi, Tổ điều hành Diễn đàn 970 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và Nhóm tham vấn kinh doanh nông nghiệp (ARG) của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc tại Việt Nam (ACIAR) tổ chức Diễn đàn “Kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi: Cơ hội và thách thức”.
Kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu
Tại Diễn đàn, ông Dương Tất Thắng- Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, với tổng đàn lợn đạt xấp xỉ 30 triệu con, gia cầm đạt trên 500 triệu con và gia súc đạt trên 12 triệu con, Việt Nam có hệ sinh thái chăn nuôi đồ sộ, đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm cho hơn 100 triệu dân, xuất khẩu và sinh kế cho hàng chục triệu hộ nông dân.
Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi đã xây dựng được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cùng các tiêu chuẩn kỹ thuật tương đồng với thế giới và khu vực. Đây là lợi thế khi ngành chăn nuôi tham gia những sân chơi lớn.
Tuy nhiên, ông Thắng cũng chỉ ra những hạn chế nhất định của ngành chăn nuôi như vấn đề tiêu thụ, kết nối thị trường, dịch bệnh, ảnh hưởng về phát thải, xử lý chất thải chăn nuôi.
Theo ông Thắng, nguyên tắc cốt lõi của kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi là giảm chi phí, tiêu thụ nguyên liệu đầu vào, giảm phát thải đầu ra, chế biến và tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp, tạo ra chu trình khép kín giữa các ngành như: chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, công nghệ chế biến.
Hiện nay, kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu, mang lại những lợi ích thiết thực như nâng cao giá trị, gia tăng sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chăn nuôi, kết nối hài hòa lợi ích lâu dài giữa các ngành khác nhau.
Từ xưa, vấn đề tuần hoàn trong chăn nuôi đã được thể hiện qua nhiều mô hình như VAC, VACR, lúa-cá-vịt, xử lý rơm cho chế biến phân bón vi sinh… Tuy nhiên, đến nay, với quy mô chăn nuôi lớn hơn, cần bước đi bền vững hơn, cách tiếp cận mới hơn, phù hợp hơn với xu hướng thế giới và khu vực – ông Thắng nêu rõ.
Thực tế, nông nghiệp tuần hoàn là nuôi – trồng khép kín. Tận dụng đầu ra của chăn nuôi tạo nguồn dinh dưỡng chất lượng cao của trồng trọt. Nguồn thải của trồng trọt là các phế phụ phẩm được chuyển sang làm đầu vào thức ăn chăn nuôi. Thực hiện nông nghiệp tuần hoàn vừa giảm được chi phí sản xuất vừa tạo ra nguồn thực phẩm sạch chất lượng cao, lại tăng thu nhập để người nông dân tự làm giàu trên quê hương họ. Đặc biệt, người nông dân sẽ tự tin minh bạch quy trình sản xuất để người tiêu dùng đón nhận ủng hộ sản phẩm nông nghiệp từ nông trại tới bàn ăn.
Là “thủ phủ” chăn nuôi với số lượng đàn heo lên tới 2,6 triệu con, tỉnh Đồng Nai sử dụng 2 triệu tấn phân hữu cơ/năm từ phụ phẩm chăn nuôi. Tỉnh đang áp dụng các mô hình tuần hoàn nông nghiệp như mô hình nuôi ruồi cánh đen, sử dụng công nghệ cao, áp dụng công nghệ tiên tiến nhất giúp các phụ phẩm được gần như triệt để. Trong lĩnh vực chăn nuôi, Đồng Nai bước đầu sử dụng các chất thải làm phân bón, song về việc áp dụng biogas đang còn nhiều hạn chế và thực hiện trên quy mô nhỏ, diện tích sử dụng đệm lót sinh học của chăn nuôi tỉnh đạt trên 330 ngàn mét vuông.
ThS Bùi Thị Hồng Hà- Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ về mô hình Liên kết gà- rau tại Thái Bình.Theo đó, từ năm 2000, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ áp dụng các giải pháp như công nghệ vi sinh EM, công nghệ vi sinh xử lý hoai mục phân. Các phụ phẩm như: phân chuồng, tàn dư đồng ruộng, phế phụ phẩm sản xuất, phân bón… được dùng cho hoạt động trồng trọt. Phân gà được xử lý bằng công nghệ vi sinh ngay tại trại, ủ hoai và đưa ra dùng tại ruộng rau.
Cách làm này được áp dụng tại Trại gà đẻ của anh Hưng tại thôn Tam Bình, xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải, Thái Bình với quy mô 18.000 đến 50.000 con. Nhờ ứng dụng mô hình trộn phân từ Trại gà đẻ của anh Hưng, HTX rau sạch Trung An đã tăng năng suất 40%. Một HTX rau sạch khác dùng phân gà rắc trên ruộng và tận dụng tàn dư trên ruộng, không cần dùng tới thuốc BVTV đã giúp sản xuất rau với chi phí rẻ, chất lượng cao phục vụ khách hàng.
Từ những kinh nghiệm thực tiễn, ông Hà Văn Thắng- Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, kinh tế tuần hoàn không phải một mô hình lựa chọn mà là tất yếu, và kinh tế tuần hoàn là nền tảng của phát triển bền vững, nền tảng của kinh tế xanh.
Áp dụng khoa học công nghệ trong kinh tế tuần hoàn
Theo ông Nguyễn Trí Công- Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, “điểm nghẽn” hiện nay đối với các đơn vị sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, lấy phụ phẩm của ngành này để làm nguyên liệu cho ngành khác nhưng vướng các quy định của Luật Môi trường, Luật Bảo vệ Môi trường.
Chẳng hạn, chăn nuôi bò hiện nay đang ở mức tăng trưởng cao nhưng chúng ta lại không có đồng cỏ. Muốn tận dụng phụ phẩm của nông nghiệp trồng trọt làm thức ăn cho bò, nhưng khi đến thu mua tại các nhà máy chế biến nông sản, mua bã, thân, cành cây… nhưng vận chuyển thì lại vướng bởi nó được coi là chất thải theo Luật Môi trường- ông Công đưa ví dụ.
Ông Công đề xuất tháo gỡ về rào cản chính sách, sự chưa đồng bộ giữa các Bộ Luật trong việc coi phụ phẩm của ngành này là nguyên liệu của ngành khác, trong khi Luật Bảo vệ Môi trường có các điều khoản coi đó là “rác thải”.
Ông Lê Thanh Tùng- Phó Cục trưởng Cục trồng trọt phía Nam, Thành viên Tổ 970 cho biết, ngành chăn nuôi với khối lượng chất thải hàng vài trăm triệu tấn/năm (cả chất thải rắn, chất thải lỏng, chất thải không khí). Vấn đề là làm thế nào để sử dụng cho hợp lý để đảm bảo 3 yếu tố: không gây ô nhiễm môi trường; không để hiệu ứng khí nhà kính; tái sử dụng tham gia vào chuỗi tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế.
Tại diễn đàn, các đại biểu đều cho rằng, cần áp dụng khoa học công nghệ trên thế giới, khu vực, sáng kiến từ doanh nghiệp, các nhà khoa học trong nước và nước ngoài để xử lý phụ phẩm chăn nuôi hiệu quả, đảm bảo môi trường.
Dẫn một số kinh nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp của các nước Hà Lan, Úc, Trung Quốc mà Việt Nam có thể học hỏi, TS Nguyễn Anh Phong- Giám đốc Trung tâm Thông tin – Viện Chính sách và Chiến lược PTNN-NT (IPSARD) cho biết, Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức như nhận thức về kinh tế tuần hoàn tại quy mô doanh nghiệp nhỏ-vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ ở nông thôn, HTX còn sơ khai, tâm lý ngại rủi ro, mức đầu tư cho các mô hình tái chế lớn, khung luật pháp chưa hoàn thiện.
Trên cơ sở phân tích những hạn chế trên, đại diện IPSARD đưa ra một số giải pháp, đó là, cần xây dựng hành lang pháp lý và tiêu chuẩn hóa kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các đối tượng doanh nghiệp, HTX sản xuất áp dụng công nghệ về kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy liên kết, hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong nước và quốc tế; đặc biệt là thúc đẩy số hóa và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, phân tích dữ liệu về kinh tế tuần hoàn.
Theo VietQ.vn
Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp- xu thế tất yếu thúc đẩy tăng trưởng xanh (vietq.vn)