Ngày 27/3/2025, hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vận hành sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung” đã diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo do Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức.

Ông Phan Đức Trung- Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.
Nguy cơ tiềm ẩn từ các sàn giao dịch tài sản mã hoá bất hợp pháp
Công nghệ Blockchain và tài sản mã hoá đã và đang thay đổi sâu sắc cách thức vận hành của nền kinh tế toàn cầu. Các sàn giao dịch tài sản mã hoá tập trung hay còn gọi là CEX với khả năng xử lý hàng tỷ USD giao dịch mỗi ngày đã trở thành một trụ cột quan trọng trong hệ sinh thái tài chính số.
Tại Việt Nam, sự phát triển của thị trường này cũng rất đáng chú ý. Theo báo cáo của Chainalysis, một tổ chức chuyên phân tích dữ liệu blockchain, trong giai đoạn từ tháng 10/2021 đến tháng 10/2022, tổng giá trị tiền mã hoá chảy vào Việt Nam ước tính đạt 90,8 tỷ USD.
Thượng tá Dương Đức Hùng- Phó trưởng phòng Phòng chống khủng bố, Cục An ninh Nội địa, Bộ Công an- cho biết, đặc điểm nổi bật của các sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung là tính ẩn danh, tốc độ giao dịch nhanh chóng, và khả năng liên kết xuyên biên giới mà không cần qua các trung gian tài chính truyền thống.
Điều này mặc dù mang lại sự tiện lợi cho người dùng hợp pháp, nhưng lại trở thành công cụ ưa thích của các tổ chức khủng bố trong việc huy động vốn và chuyển tiền bất hợp pháp.
“Trên thế giới, theo báo cáo của Chainalysis năm 2022, tổng giá trị tiền mã hóa liên quan đến hoạt động rửa tiền đã đạt mức kỷ lục 31,5 tỷ USD. Đặc biệt, các loại tiền mã hóa ẩn danh như Monero, Zcash hay Dash với công nghệ mã hóa tiên tiến càng khiến việc truy vết nguồn tiền trở nên khó khăn. Loại tiền mã hóa ẩn danh trở thành công cụ ưa thích của các tổ chức khủng bố trong việc huy động vốn và chuyển tiền bất hợp pháp”- ông Hùng cho biết.
Cũng theo ông Hùng, tại Việt Nam, dù chưa ghi nhận các vụ việc cụ thể về tài trợ khủng bố thông qua tiền mã hóa với quy mô lớn nhưng nguy cơ này là hoàn toàn hiện hữu và đang gia tăng. Việt Nam trở thành một mục tiêu tiềm tàng cho các hoạt động tài trợ khủng bố qua tài sản mã hóa do nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, gần các quốc gia từng bị ảnh hưởng bởi hoạt động khủng bố như Indonesia, Philippines hay Thái Lan.
Tại Việt Nam, tính đến cuối năm 2024, đã có 44 vụ án về tội rửa tiền được khởi tố và điều tra trên cả nước, trong đó, có một số vụ liên quan đến lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua tiền mã hóa với thủ đoạn sử dụng các sàn giao dịch không phép để chuyển tiền ra nước ngoài.
Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, chỉ khoảng 30% giao dịch tài chính tại Việt Nam được thực hiện qua hệ thống ngân hàng chính thức. Phần còn lại chủ yếu là tiền mặt hoặc các kênh không kiểm soát được- một điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tài trợ khủng bố.
Hiện nay, Việt Nam chưa có một khung pháp lý đầy đủ và rõ ràng để quản lý tài sản mã hóa và các sàn giao dịch. Điều này không chỉ gây khó khăn cho cơ quan thực thi pháp luật trong việc giám sát, mà còn khiến các sàn giao dịch không phép hoạt động tràn lan, tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng cho các mục đích bất hợp pháp.

Thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hoá tập trung- mở đường cho thị trường tài chính số
Mới đây, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ Tờ trình số 64/TTr-BTC về việc thí điểm phát hành và giao dịch tài sản mã hóa. Trước đó, tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 1/3/2025 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì xây dựng khung pháp lý thúc đẩy phát triển tài sản số, tiền kỹ thuật số một cách lành mạnh, hiệu quả ngay trong tháng 3/2025. Nghị quyết về việc triển khai thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung, dự kiến sẽ được ban hành ngày 1/4/2025.
Đánh giá chung về bức tranh pháp lý thị trường tài sản số hiện nay, ông Phan Đức Trung- Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam- cho rằng, việc thúc đẩy triển khai thí điểm sàn giao dịch tài sản mã hóa cùng lúc với việc thúc đẩy Luật Công nghiệp Công nghệ số, dự kiến thông qua trong tháng 5/2025, thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc xây dựng khung pháp lý trong lĩnh vực tài sản số.
“Việc luật hoá tài chính phi tập trung giúp đảm bảo tính pháp lý của các tài sản mã hoá, đồng thời thúc đẩy đổi mới công nghệ hội nhập toàn cầu, giúp Việt Nam tối ưu nguồn lực từ thị trường mã hoá đang phát triển sôi động và thực hiện cam kết về phòng chống rửa tiền của chính phủ”- Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam nói.
Đề xuất giải pháp quản lý và vận hành các sàn giao dịch tài sản mã hóa tại Việt Nam, ông Hùng cho rằng, cần xây dựng một hệ sinh thái tài sản mã hóa minh bạch, an toàn và bền vững tại Việt Nam. Các sàn giao dịch tài sản mã hóa tập trung cần tích hợp các công cụ phân tích blockchain như Chainalysis, Chain Tracer hoặc Elliptic để theo dõi và truy vết giao dịch theo thời gian thực. Những công cụ này đã được các cơ quan an ninh quốc tế sử dụng để phát hiện các giao dịch liên quan đến Hamas, ISIS hay Hezbollah, và có thể hỗ trợ lực lượng công an Việt Nam trong việc điều tra.
Đại diện Bộ Công an đề xuất, để quản lý các sàn giao dịch tài sản mã hoá, cần thành lập một tổ công tác liên ngành, bao gồm đại diện từ Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Hiệp hội Blockchain Việt Nam để giám sát và chia sẻ thông tin về các giao dịch đáng ngờ, ứng dụng công nghệ giám sát tiên tiến.
Bên cạnh việc xây dựng khung pháp lý rõ ràng và toàn diện còn cần sự phối hợp liên ngành, ứng dụng công cụ quản lý tiên tiến và xử lý nghiêm các sàn giao dịch không phép.
“Các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng công an, cần tăng cường điều tra và xử lý nghiêm các sàn giao dịch không phép, với mức phạt hành chính cao và truy cứu trách nhiệm hình sự nếu phát hiện liên quan đến tài trợ khủng bố hoặc rửa tiền. Đồng thời, công khai danh sách các sàn không phép trên các phương tiện truyền thông để cảnh báo người dân, phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ internet để chặn truy cập vào những nền tảng này”- Thượng tá Hùng nhấn mạnh.
Tiến sĩ Hoàng Văn Thức- Giám đốc Học viện Kỹ thuật Mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ cũng cho rằng, cần thiết phải có Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về mật mã cho tài sản mã hoá, stablecoin, sàn giao dịch tài sản mã hoá; Cần xây dựng bộ tiêu chí an toàn, an ninh thông tin cho dịch vụ giao dịch tài sản mã hoá; Quy định về kiểm tra, chứng nhận mức độ bảo mật, an ninh, an toàn đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ giao dịch tài sản mã hoá nhằm đảm bảo sự vận hành an toàn, tin cậy và minh bạch của thị trường.
Cũng trong dịp này, đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) và Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam. Sự hợp tác này nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ blockchain trong lĩnh vực tài chính và đầu tư, hướng đến việc xây dựng một khung pháp lý phù hợp để quản lý và vận hành các tài sản số tại Việt Nam.
Theo VietQ.vn
https://vietq.vn/xay-dung-he-sinh-thai-tai-san-ma-hoa-minh-bach-an-toan-va-ben-vung-d231828.html