Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ: Liên kết phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế biển

Cơ hội giao thương - Để triển khai có hiệu quả quy hoạch Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, cần đổi mới tư duy, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực phát triển của Vùng; phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển.

Sáng 19/5/2024, tại thành phố Huế, Chính phủ tổ chức Hội nghị điều phối Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; đồng thời công bố quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị điều phối Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Ảnh MPI

Cơ cấu kinh tế vùng tiếp tục chuyển dịch tích cực

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, phát triển vùng và liên kết phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển các địa phương trong vùng. Cùng với đó, các bộ, ngành và các địa phương trong Vùng đã tích cực triển khai các hoạt động liên kết nội vùng và liên vùng, thay đổi rõ nét từ tư duy cho đến hành động.

Theo đó, các hoạt động liên kết cấp tiểu vùng Bắc Trung Bộ, tiểu vùng Trung Trung Bộ và tiểu vùng Nam Trung Bộ đã được chính quyền các địa phương tích cực triển khai thực hiện, đã tổ chức ký kết hoạt động liên kết giữa các địa phương trong vùng như: liên kết các tỉnh Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh; Khánh Hòa – Phú Yên – Ninh Thuận; liên kết với các địa phương ngoài vùng trong đầu tư hạ tầng giao thông như: Bình Định với Gia Lai, Khánh Hòa và Đắc Lắc, Ninh Thuận với Lâm Đồng…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, qua hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, về cơ bản, kinh tế – xã hội Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ từng bước phát triển ổn định theo định hướng bền vững hơn; chất lượng cơ sở hạ tầng trong vùng từng bước được cải thiện; thế chế và bộ máy điều phối vùng đã được hoàn thiện; hoàn thành Quy hoạch vùng và Quy hoạch tỉnh làm nền tảng, định hướng cho thu hút đầu tư trong thời gian tới. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của các địa phương được giữ vững ổn định.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Cơ cấu kinh tế Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ tiếp tục chuyển dịch tích cực. Ảnh MPI

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 của Vùng đạt 5,51%, cao hơn bình quân chung cả nước (cả nước tăng 5,05%), trong đó một số địa phương đạt tốc độ tăng trưởng cao như Khánh Hòa (10,35%), Ninh Thuận (9,4%), Phú Yên 9,16%, Bình Thuận (8,1%);

Cơ cấu kinh tế vùng tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng tập trung phát triển mạnh kinh tế biển và các ngành công nghiệp ven biển. Tốc độ tăng năng suất lao động năm 2023 đạt 5,51%, cao hơn tốc độ bình quân chung cả nước (3,65%);

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2023 vượt 10,7% dự toán trung ương giao, tỷ lệ vượt thu ngân sách cao hơn 5,1 điểm % so với bình quân của cả nước;

Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2023 tăng cao nhất trong 5 năm qua, tổng vốn FDI đăng ký đạt gần 3 tỷ USD, tăng hơn 1,5 lần so năm 2022, trong đó số dự án FDI cấp mới của vùng là 183 dự án, số vốn hơn 2 tỷ USD.

Quý I năm 2024, tốc độ tăng GRDP bình quân của Vùng đạt 6,27%; (bình quân cả nước 5,66%), thu cân đối NSNN đạt 31,5% dự toán; giải ngân vốn đầu tư công của Vùng ước 4 tháng đạt 15.157 tỷ đồng, đạt 17,67% kế hoạch năm (cả nước 17,46%).

“Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số khó khăn về thu hút đầu tư phát triển công nghiệp quy mô lớn, phát triển các ngành kinh tế biển, xử lý các vấn đề có tính liên vùng như: giao thông kết nối, xử lý môi trường, cứu hộ, cứu nạn; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực cho phát triển, các hoạt động liên kết, điều phối vùng cần được quan tâm hơn nữa”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.

Triển khai hiệu quả Quy hoạch vùng

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để triển khai có hiệu quả Quy hoạch Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, cần đổi mới tư duy, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực phát triển của Vùng; phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển.

Tăng cường liên kết vùng, hình thành các cụm liên kết ngành, khu kinh tế ven biển lớn gắn với các đô thị, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái ven biển có sức hấp dẫn cao khách quốc tế. Phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, nhất là cảng biển chuyên dụng gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp lọc hóa dầu.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trao quyết định phê duyệt quy hoạch Vùng cho lãnh đạo 14 tỉnh, thành phố Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Ảnh: MPI

Để triển khai có hiệu quả Quy hoạch vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đề xuất rà soát 6 nhóm cơ chế, chính sách. Theo đó gồm: Nhóm chính sách về đầu tư các chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng; Nhóm chính sách về phát triển các ngành kinh tế biển, cụm liên kết ngành; Nhóm chính sách về phát triển doanh nghiệp và thu hút dự án đầu tư quy mô lớn; Nhóm chính sách, pháp luật về tài chính để huy động, phân bổ và chia sẻ nguồn lực để thực hiện các mục tiêu chung của vùng; Cơ chế, chính sách về đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội vùng: giao thông, y tế, giáo dục,…; và Nhóm chính sách về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền, tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền.

Về các dự án đang triển khai thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ: hiện nay, một số dự án đường ven biển có khối lượng thực hiện và giải ngân thấp, chậm tiến độ, như: đoạn Hoằng Hóa – Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương – Tĩnh Gia (Thanh Hóa) theo hình thức BOT; Đường ven biển và Cầu Nhật Lệ 3 (Quảng Bình); Đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây (Quảng Trị); Dự án Trục ven biển ĐT.719B đoạn Hòn Lan – Tân Hải (Bình Thuận). Đề nghị UBND các tỉnh có các dự án chậm tiến độ tập trung chỉ đạo rà soát, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc; đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư; phối hợp với Bộ NNPTNT để trình Thủ tướng Chính phu về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng theo quy định.

“Còn đối với các dự án đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng phương án đầu tư kêu gọi vốn đầu tư: đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải để tính toán kỹ phương án, phương thức đầu tư, các nguồn vốn đầu tư và phân kỳ đầu tư đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, đồng thời chỉ rõ các khó khăn, vướng mắc và có đề xuất cụ thể, khả thi”- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư lưu ý.

Với vai trò là Thường trực Hội đồng điều phối Vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị một số nội dung. Đó là: các bộ, địa phương tiếp tục triển khai 11 nhiệm vụ đã giao trong năm 2023 và đề xuất các nhiệm vụ cần thiết cho hoạt động của Hội đồng điều phối vùng; trong đó, tập trung vào các nội dung liên quan đến đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án động lực phát triển vùng; tổ chức và cơ chế hoạt động của các tiểu vùng; hình thức và chính sách phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển; cơ chế điều phối, liên kết trong các lĩnh vực du lịch, môi trường, tìm kiếm cứu nạn; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ Hội đồng Vùng, nghiên cứu phần mềm chuyên dụng, kết nối liên thông.

Về cơ chế, chính sách đặc thù, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành, địa phương tham gia ý kiến cho từng cơ chế, chính sách cụ thể để tiếp tục hoàn thiện. Về quy hoạch vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng; các bộ, địa phương thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến quy hoạch Vùng.

Về các dự án quan trọng, liên kết vùng, đề nghị các địa phương trong Vùng tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã khởi công. Đối với các dự án đang chuẩn bị đầu tư hoặc nghiên cứu triển khai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để sớm triển khai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Phạm vi quy hoạch Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ bao gồm toàn bộ vùng đất, vùng biển ven bờ của thành phố Đà Nẵng và 13 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ được chia làm 3 tiểu vùng.

Tiểu vùng Bắc Trung Bộ gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị, trong đó, thành phố Vinh là trung tâm kinh tế, văn hóa của tiểu vùng; Thanh Hóa là một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía bắc.

Tiểu vùng Trung Trung Bộ gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, sẽ là vùng động lực của vùng và là khu vực tăng trưởng quan trọng về công nghiệp, dịch vụ cao cấp, đô thị biển; một trong những trung tâm giáo dục – đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học – công nghệ của đất nước; khu vực tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế

Tiểu vùng Nam Trung Bộ gồm: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, được xác định là trung tâm công nghiệp năng lượng, dịch vụ du lịch, đô thị ven biển của cả nước.

Theo VietQ.vn

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ: Liên kết phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế biển (vietq.vn)

(Visited 13 times, 1 visits today)