Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu rau quả

Cơ hội giao thương - Trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 2,75 tỷ USD, tăng trưởng tới 64,2% so với cùng kỳ năm trước, đây là tốc độ tăng trưởng cao chưa từng có. Với tốc độ này, cuối năm xuất khẩu rau quả có thể đạt hơn 5 tỷ USD. Và Việt Nam hoàn toàn có thể đạt 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu rau quả trong những năm tới.

Thông tin trên được đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm 2023, diễn ra vào sáng 3/7/2023.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến: Chưa bao giờ kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt cao như hiện nay.

Theo Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2023, ngành nông nghiệp triển khai kế hoạch trong điều kiện có những thuận lợi, thách thức đan xen, trong đó khó khăn nhất về thị trường xuất khẩu nông lâm thuỷ sản, chủ yếu đối với mặt hàng gỗ và thuỷ sản. Nhờ chủ động tháo gỡ các vướng mắc, rào cản thị trường nên xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đã phục hồi, tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 12,79 tỷ USD, tăng 12%; sản phẩm chăn nuôi 232 triệu USD, tăng 26,5%. Xuất khẩu thuỷ sản đạt 4,13 tỷ USD, giảm 27,4%; lâm sản chính 6,5 tỷ USD, giảm 28,2%; đầu vào sản xuất 940 triệu USD, giảm 28,9%; muối 2,4 triệu USD, giảm 14,2%.

Đáng chú ý, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn song vẫn có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu cà phê đạt 2,4 tỷ USD; cao su 1,05 tỷ USD; gạo 2,3 tỷ USD; rau quả 2,75 tỷ USD; hạt điều 1,6 tỷ USD; tôm 1,56 tỷ USD; sản phẩm gỗ 4,07 tỷ USD.

Trong đó, gạo và hạt điều là 2 sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu gạo tăng mạnh 22,2% khối lượng và tăng 34,7% giá trị xuất khẩu; hạt điều tăng 10,5% khối lượng và tăng 7,7% giá trị. Riêng mặt hàng cà phê, tuy giảm về khối lượng (đạt 1,02 triệu tấn, giảm 2,2%) nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 5,2% nên giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD, tăng 3%.

Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc đã vượt Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 21,4%, tăng 7,7%; Hoa Kỳ đứng thứ hai với chiếm 20,2%, giảm 32,9% và xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 7,7%, giảm 5,3%.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc tiềm năng xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD, ông Nguyễn Như Cường- Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: trong xu thế công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay, diện tích trồng trọt sẽ giảm và có thể dẫn tới giảm sản lượng rau quả. Nhưng nếu chúng ta có các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cùng với sự đầu tư xứng đáng của Nhà nước cho khâu chế biến thì vẫn có thể tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả, bởi rau quả của Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu lớn. Và như vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt kim ngạch xuất khẩu rau quả 10 tỷ USD trong vài năm tới.

Một trong những giải pháp quan trọng, theo ông Cường, đó là đầu tư vào khâu giống cây trồng. Ví dụ cà phê, bộ giống của chúng ta đứng đầu thế giới. Năng suất cà phê bình quân các nước chỉ đạt 8-9 tạ/ha, nhưng của Việt Nam là 20-30 tạ/ha, cá biệt một số giống cà phê có thể đạt 50-70 tạ/ha. Số liệu năm 2022, diện tích trồng cà phê của Việt Nam đạt khoảng 710.000ha, năng suất bình quân đạt 28,2 tạ/ha, cho tổng sản lượng hơn 1,84 triệu tấn.

Việt Nam hoàn toàn có thể đạt kim ngạch xuất khẩu rau quả 10 tỷ USD trong vài năm tới

Thông tin thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: “Chưa bao giờ kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt cao như hiện nay, 6 tháng đầu năm đạt 2,75 tỷ USD, tăng 64,2%. Nếu đà tăng trưởng cứ như thế này chắc chắn năm 2023 sẽ đạt trên 5 tỷ USD rau quả xuất khẩu, đó là hầu như chúng ta mới xuất khẩu thô, sản phẩm ở dạng quả tươi”.

“Nếu đầu tư tốt hơn nữa cho chế biến sâu, khai thác tiềm năng thị trường thì con số 10 tỷ USD từ xuất khẩu rau quả Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được”- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh,

Khẳng định nông nghiệp vẫn là “bệ đỡ” của nền kinh tế và nhằm đạt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 54 – 55 tỷ USD trong năm 2023, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, trong nửa cuối của năm 2023, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục bám sát thực tiễn từ cơ cấu thị trường, cơ cấu ngành hàng để điều hành phù hợp: phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương thực hiện các cơ chế, chính sách đối với công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản; thúc đẩy lưu thông, thương mại biên giới, triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách giảm ùn ứ và thúc đẩy xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, nhất là đối với các nông sản vào vụ thu hoạch.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT phối hợp với Đại sứ quán, Tham tán Thương mại, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại các nước xây dựng kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu, tăng cường xúc tiến, quảng bá đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường lớn (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Braxin) và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản – Hàn Quốc, Asean, Úc – New Zealand, Trung Đông, Châu phi…).

Đồng thời, Bộ NN&PTNT đàm phán để xuất khẩu dừa tươi sang Hoa Kỳ; thống nhất với Nhật Bản về tem mới đối với mặt hàng xoài và thanh long quả tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản từ 01/8/2023; trao đổi với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để hoàn thiện dự thảo Nghị định thư về yêu cầu nhập khẩu ớt và các loại quả tươi truyền thống của Việt Nam (trừ chuối); họp trực tuyến với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về Lệnh 248 và 249 nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu…

Theo VietQ.vn

Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu rau quả (vietq.vn)

(Visited 27 times, 1 visits today)