Ngày 23/7/2024, tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn Nông nghiệp 2024 “Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0.”
Diễn đàn góp phần nhận diện các cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam; đồng thời đưa ra giải pháp để ứng dụng công nghệ 5.0 thành công, tạo chuỗi sản xuất cung ứng ngành nông nghiệp bền vững…
Ban chủ tọa Diễn đàn Nông nghiệp 2024: Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0
Nông nghiệp không thể cạnh tranh trên cơ sở chi phí thấp
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng- cho biết, thống kê trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản đạt 3,38%, cao nhất trong nửa đầu năm của 5 năm gần đây. Trong đó, nông nghiệp tăng 3,15%; lâm nghiệp tăng 5,34%; thủy sản tăng 3,76%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.
“Với kết quả này, ngành nông nghiệp tự tin nâng mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm lên 57-58 tỷ USD, cao hơn 2-3 tỷ USD so với chỉ tiêu Chính phủ giao từ đầu năm”- ông Hoàng Quang Phòng chia sẻ.
Trong bối cảnh nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức do sự phát triển mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp, Phó Chủ tịch VCCI nhận định nông nghiệp Việt Nam sẽ không thể tiếp tục cạnh tranh trên cơ sở chi phí thấp, thâm dụng lao động và dựa vào tài nguyên. Cần phải thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp, đó là chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã lan tỏa rộng rãi với sự nỗ lực của nhiều quốc gia trong chuyển đổi số dẫn tới sự phát triển nhanh chóng, đồng thời chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu, như xung đột địa chính trị, tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, thu hẹp diện tích canh tác, trái đất nóng lên, xâm nhập mặn,… thì việc thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các ngành kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng là rất cấp thiết.
“Bởi vậy, cần tiếp cận theo hướng phát triển nông nghiệp hiệu quả cao dựa trên ứng dụng công nghệ cao, chứ không đơn thuần chỉ là phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Cũng chính vì vậy, phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ 5.0 vào nông nghiệp sản xuất hàng hoá đang là một trong những xu hướng được nhiều doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã áp dụng và đã chứng minh được tính hiệu quả, góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành nông nghiệp”- ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
“Đặc biệt, với ngành nông nghiệp Việt Nam có chủ thể là hàng chục triệu nông dân với quy mô sản xuất còn nhiều hạn chế, trình độ công nghệ chưa cao, năng suất lao động thấp dễ tổn thương và chịu nhiều tác động của sự phát triển như vũ bão của các ngành công nghiệp”- ông Hoàng Quang Phòng nói.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp) cho biết: Trước 3 chữ “biến” của ngành nông nghiệp là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng, phương châm chính và cách tiếp cận của ngành nông nghiệp đưa ra là tạo ra giá trị nhiều hơn từ việc sử dụng ít đầu vào hơn, ít tài nguyên thiên nhiên hơn, ít sức lao động hơn và tạo ra giá trị cao hơn.
“Làm được điều đó, chỉ có cách tận dụng thành tựu của khoa học công nghệ, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra nền kinh tế có giá trị cao hơn, xanh hơn, sạch hơn”- ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh.
Cùng với nông nghiệp bền vững là nhiều chính sách, cơ chế của Chính phủ để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, phát triển kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số trong nông nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn… Trong đó, các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư như trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp chế biến, logistics…
Ứng dụng công nghệ 5.0 tạo chuỗi giá trị ngành nông nghiệp bền vững
Theo ông Hoàng Quang Phòng, phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ 5.0 vào nông nghiệp sản xuất hàng hóa đang là một trong những xu hướng được nhiều doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã áp dụng và đã chứng minh được tính hiệu quả, góp phần mang lại diện mạo mới cho ngành nông nghiệp.
Với nông nghiệp ứng dụng công nghệ 5.0, hàng chục triệu nông dân sẽ được tiếp cận, đào tạo kỹ năng để thích ứng với công nghệ mới, tạo ra những sản phẩm nông sản đa giá trị cho nền nông nghiệp bền vững- Phó Chủ tịch VCCI cho hay.
Ông Hà Văn Thắng- Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VCAC) cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 5 (5.0) là cơ hội to lớn đối với ngành nông nghiệp khi việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại song hành với người sản xuất, doanh nghiệp và Nhà nước đầu tư, góp phần nâng cao kĩ năng, trình độ và năng lực đủ để thích ứng với công nghệ mới, tạo ra những sản phẩm đa giá trị rất cần sự gắn kết giữa doanh nghiệp và các tổ chức, doanh nghiệp Khoa học công nghệ.
Tuy nhiên, thách thức đối với ngành nông nghiệp cũng rất lớn, cần sự vào cuộc của Chính phủ cũng như sự chung tay hợp tác – liên kết đầu tư phát triển ngành nông nghiệp của các doanh nghiệp nông nghiệp và tổ chức, doanh nghiệp khoa học để mục tiêu phát triển một nền nông nghiệp thông minh, sản xuất hàng hóa- ông Hà Văn Thắng nêu rõ.
Nhấn mạnh, cần những đầu tàu dẫn dắt, ông Phạm Hồng Quất- Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, Việt Nam là nước đang rất tích cực trong chuyển đổi sang 5.0, bằng việc tham gia các cam kết, đặc biệt là các COP vừa qua được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao để từ đó họ có những chương trình đồng hành, hỗ trợ cho Việt Nam.
Trong mô hình phát triển của 5.0 thì mô hình kinh tế chia sẻ được nhấn mạnh.
Nông nghiệp thông minh sử dụng tối đa các ứng dụng công nghệ về AI, gắn chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.
Hiện nay có rất nhiều thách thức cho nền nông nghiệp, bên cạnh những thách thức chung của toàn cầu, ví dụ như thoái hóa đất đai, biến đổi khí hậu,… đang làm Việt Nam đứng trước những thách thức vô cùng lớn thì việc áp dụng kinh tế chia sẻ, chia sẻ từ các Tập đoàn dẫn đầu lĩnh vực là vô cùng quan trọng giúp thay đổi cục diện, đi cùng người nông dân để tạo ra những hiệu quả…
Việc thúc đẩy kết quả nghiên cứu khoa học của các viện, trường cũng đóng một vai trò rất quan trọng, nhưng ở Việt Nam dường như cũng chậm hơn các nước trong khu vực. Ví dụ như liên kết giữa nhà trường – doanh nghiệp – người nông dân chưa có những giải pháp để giải quyết những thách thức cụ thể. Chúng ta đang thiếu những đầu tàu dẫn dắt trong lĩnh vực chiến lược để tạo ra sự cạnh tranh- ông Phạm Hồng Quất cho hay.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra một số kiến nghị và đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0. Cụ thể, Nhà nước cần sớm hoàn thiện các quy định của pháp luật theo hướng tích cực, cởi mở để có chính sách phù hợp cho các hoạt động liên kết và hợp tác đầu tư vào nông nghiệp cho cả hai khu vực “Công – Tư”.
Cùng với đó, cần tăng cường năng lực tiếp cận nông nghiệp thông minh; tiếp tục triển khai sát với điều kiện cụ thể của ngành, địa phương, doanh nghiệp và trang trại của mình để chọn lựa các giải pháp công nghệ phù hợp; lựa chọn và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ thông minh trong chăm sóc cây trồng, vật nuôi trong những năm tới.
Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao đồng bộ về nông nghiệp thông minh; Mở rộng hợp tác quốc tế, tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi, tập trung thu hút doanh nghiệp FDI và dự án ODA về nông nghiệp thông minh để tiếp cận trình độ khoa học công nghệ…
Theo VietQ.vn
Ứng dụng công nghệ 5.0 phát triển nông nghiệp thông minh, bền vững (vietq.vn)