Trung Quốc thay đổi sản xuất, doanh nghiệp nông sản Việt cần làm gì để giảm thiểu rủi ro?

Cơ hội giao thương - Để giảm thiểu rủi ro và bảo đảm xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương khuyến nghị các thương nhân sản xuất, xuất khẩu nông sản, trái cây nói chung, dưa hấu nói riêng, chủ động phối hợp với các nhà nhập khẩu Trung Quốc nghiên cứu và tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc.
Thu hoạch dưa hấu tại Trung Quốc kéo dài từ cuối tháng 4
 
Vụ Thị trường châu Á – châu Phi – Bộ Công Thương cho biết, diện tích trồng dưa hấu tại Trung Quốc hiện nay đạt khoảng 2 triệu ha, chiếm tỷ trọng 10% tổng diện tích trồng cây ăn quả, rau màu của cả Trung Quốc, sản lượng bình quân khoảng 73~75 triệu tấn/năm. Hiện nay có 22/31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc có diện tích canh tác dưa hấu.
 
Đáng chú ý, các điểm sản xuất nhỏ lẻ nông sản nói chung, dưa hấu nói riêng tại Trung Quốc đã và đang được thay thế bằng những vùng trồng lớn, có điều kiện tự nhiên phù hợp. Các chuyên gia Trung Quốc coi đây là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, vừa có thể áp dụng cơ giới hóa và công nghệ cao trong sản xuất, giúp tăng năng suất và sản lượng; vừa đảm bảo chất lượng và đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Trung Quốc về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.
 
 
Cũng theo Bộ Công Thương, thu hoạch dưa hấu tại Trung Quốc cũng kéo dài từ cuối tháng 4 đến khoảng tháng 9 hàng năm, lệch không nhiều so với mùa vụ thu hoạch dưa hấu của Việt Nam. Hải Nam là địa phương vào vụ dưa sớm nhất, tiếp đó là Quảng Tây, Chiết Giang, Giang Tô, Sơn Đông… Do đó, thị trường Trung Quốc có xu hướng tăng cường nhập khẩu dưa hấu trong giai đoạn từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau.
 
“Về thói quen tiêu dùng, dưa hấu tươi tại Trung Quốc thường được dùng làm thức ăn tráng miệng hoặc ép làm nước quả”, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi – Bộ Công Thương.
 
Cũng theo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi – Bộ Công Thương, trước đây, người Trung Quốc thường ưa dùng dưa hấu trong mùa hè để thanh nhiệt giải độc. Tuy nhiên, do điều kiện sinh hoạt ngày càng được nâng cao, nhu cầu của người Trung Quốc (nhất là người miền Bắc) ngày càng đa dạng và có xu hướng thích sử dụng dưa hấu vào dịp Tết Nguyên đán (dưa hấu có màu đỏ, màu của sự may mắn theo quan niệm của người Trung Quốc). Người tiêu dùng Trung Quốc cũng thường lựa chọn trái dưa nhỏ vừa phải với trọng lượng khoảng 3 – 4kg/quả.Chủng loại được người tiêu dùng Trung Quốc ưa dùng là Hắc mỹ nhân.
 
Thương nhân sản xuất, xuất khẩu nông sản cần đảm bảo chất lượng
 
Liên quan đến tình hình nhập khẩu, theo số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc, lượng dưa hấu nhập khẩu của Trung Quốc từ năm 2014 đến đầu năm 2018 bình quân đạt khoảng trên 200 ngàn tấn/năm với kim ngạch đạt khoảng 30 triệu USD/năm,song có xu hướng giảm. Năm 2017, Trung Quốc nhập khẩu 188,32 nghìn tấn dưa hấu, đạt 31,86 triệu USD, giảm 7,78% về lượng và 2,81% về kim ngạch.Hiện nay, ngoài Việt Nam, Trung Quốc còn nhập khẩu dưa hấu từ Malaysia và Mianma.
 
Về tiêu chuẩn chất lượng, Bộ Công Thương cho biết, theo thông lệ quốc tế và tương tự như các thị trường nhập khẩu khác, Trung Quốc cũng có những quy định chi tiết về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch đối với hàng hóa nhập khẩu nói chung, nông sản và trái cây nói riêng (trong đó có dưa hấu); các lô hàng nông sản, trái cây khi nhập khẩu vào Trung Quốc cũng cần có chứng thư kiểm nghiệm, kiểm dịch được quan quản lý nước xuất khẩu cấp theo mẫu và theo thỏa thuận với phía Trung Quốc.
 
Ngoài ra, theo thông tin từ Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc, nhằm đảm bảo vệ sinh, an toàn dịch bệnh, Hải quan Quảng Tây (địa phương Trung Quốc giáp các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng và Hà Giang) gần đây đã chính thức yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu trái cây trên địa bàn thay đổi vật liệu đệm, lót dưa hấu (Việt Nam hiện chủ yếu sử dụng rơm) trong quá trình vận chuyển bằng các chất liệu không gây hại, không có sinh vật truyền nhiễm (như xốp lưới) từ tháng 5 năm 2019.
 
Riêng về quy định truy xuất nguồn gốc, Bộ Công Thương cũng thông tin, kể từ tháng 5/2018, Trung Quốc đã tăng cường công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc đối với trái cây nhập khẩu nói chung và dưa hấu nói riêng thông qua các quy định yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc tiến hành đăng ký mẫu tem nhãn truy xuất nguồn gốc tại cơ quan Hải quan Trung Quốcvà dán tem nhãn này trên các sản phẩm/bao bì trái cây nhập khẩu.
 
Thông tin trên tem nhãn bao gồm thông tin về vườn trồng, cơ sở đóng gói…Danh sách vườn trồng, doanh nghiệp đóng gói phải được cơ quan quản lý nước xuất khẩu thông báo chính thức cho phía Trung Quốc. Đây không phải là quy định mới mà là các quy định đã có từ trước, phù hợp với thông lệ quốc tế, trước đây thực hiện chưa nghiêm. Nhưng nay, trước nhu cầu của người tiêu dùng, các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã lưu ý và thực hiện nghiêm túc hơn.
 
Đối với Việt Nam, trên cơ sở thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về những nội dung nêu trên). Các quy định tương tự như của Trung Quốc cũng đã và đang được nhiều nước, trong đó có Việt Nam áp dụng. Tuy nhiên, nhiều thương nhân xuất khẩu nông sản, trái cây Việt Nam (bao gồm cả bạn hàng của họ là các doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc) chưa có sự quan tâm đầy đủ để thực hiện.
 
Để giảm thiểu rủi ro và bảo đảm xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc, Bộ Công Thương khuyến nghị các thương nhân sản xuất, xuất khẩu nông sản, trái cây nói chung, dưa hấu nói riêng, chủ động phối hợp với các nhà nhập khẩu Trung Quốc nghiên cứu và tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc.
 
“Trong trường hợp vườn trồng trái cây và doanh nghiệp đóng gói chưa nằm trong Danh sách đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc đăng tải, doanh nghiệp cần chủ động liên hệ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được hướng dẫn cụ thể”, Bộ Công Thương khuyến nghị.
 
Theo VnMedia
(Visited 23 times, 1 visits today)