Tránh kiện chống bán phá giá: Doanh nghiệp cần thay đổi chiến lược cạnh tranh tại thị trường FTA

Cơ hội giao thương - Những năm gần đây, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với sự gia tăng điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường nước ngoài, trong đó các vụ việc chống bán phá giá chiếm phần lớn. Có lẽ, đã đến lúc doanh nghiệp nhìn lại chiến lược giá của mình và chuyển hướng sang cạnh tranh về thương hiệu và chất lượng mạnh hơn.

Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến kinh tế toàn cầu. Để thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển trở lại, nhiều quốc gia đang siết chặt hơn các biện pháp phòng vệ thương mại, bảo vệ thị phần tại thị trường nội địa.

Thống kê sơ bộ, từ đầu năm 2020 đến nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị khởi xướng điều tra với 39 vụ việc mới, trong đó các vụ việc điều tra chống bán phá giá chiếm tới trên 50% (năm 2019, số vụ việc do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là 16 vụ).

Thực tế, chống bán phá giá vẫn luôn là biện pháp phòng vệ thương mại bị áp dụng nhiều đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Giai đoạn 2016 đến nay, trong tổng số 99 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, có tới 49 vụ việc chống bán phá giá.

Đặc biệt, Việt Nam hiện đã có 17 Hiệp định thương mại tự do, trong đó ký kết và tổ chức thực thi là 14 Hiệp định; đang đàm phán 03 Hiệp định khác. Những Hiệp định này có hiệu lực góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại hàng hóa giữa ta với các nước đối tác nhanh chóng, nhưng mặt khác cũng dẫn tới khả năng gia tăng số lượng vụ việc phòng vệ thương mại tại thị trường xuất khẩu để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước sự gia tăng hàng hóa nhập khẩu.

Trong bối cảnh này, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, với sự ra đời của Luật quản lý ngoại thương và các văn bản hướng dẫn về các biện pháp phòng vệ thương mại như Nghị định 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại và Thông tư 37/2019/TT-BCT ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại, Việt Nam đã hoàn thiện tương đối đầy đủ, toàn diện cơ sở pháp lý cho các hoạt động điều tra, xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại.

Chống bán phá giá chiếm trên 50% các vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam
Chống bán phá giá chiếm trên 50% các vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam

Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 30/2020/TT-BCT ngày 26 tháng 11 năm 2020 hướng dẫn thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu về phòng vệ thương mại.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng chú trọng việc đẩy mạnh cung cấp thông tin phòng vệ thương mại cho các doanh nghiệp dưới các hình thức đa dạng như xây dựng, phổ biến các tài liệu về phòng vệ thương mại (kể cả dưới hình thức trực tuyến), tổ chức các chương trình đào tạo, hướng dẫn để các doanh nghiệp nắm vững, chủ động thực hiện các quy định về phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình theo đúng các quy định trong các Hiệp định.

Ông Lê Triệu Dũng – Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho rằng, bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tăng cường hơn nữa việc tìm hiểu, nắm vững các cam kết trong FTA, cũng như quy định pháp luật, thực tiễn điều tra phòng vệ thương mại tại các nước nhập khẩu để có thể chuẩn bị, khai thác cơ hội đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.

“Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) sẵn sàng hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước tìm hiểu các nội dung này”, ông Lê Triệu Dũng khẳng định.

Theo đó, doanh nghiệp cũng cần thường xuyên theo dõi, nghiên cứu các khuyến cáo cảnh báo sớm các biện pháp phòng vệ thương mại từ cơ quan phòng vệ thương mại để có các kế hoạch phù hợp. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, thường xuyên tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một số thị trường FTA.

“Doanh nghiệp hãy chuyển dần từ chiến lược cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu; có chiến lược rà soát giá bán một cách phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá và phối hợp chặt chẽ với các bạn hàng tại nước sở tại để cập nhật thông tin”, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị.

Khi đã có thông tin về vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa liên quan, doanh nghiệp cần cập nhật tin tức và tích cực tham gia, hợp tác trong quá trình điều tra để tránh việc bị cơ quan điều tra sử dụng số liệu sẵn có bất lợi khi đưa ra kết luận về vụ việc. Vừa qua, mức thuế chống bán phá giá cá tra tại Hoa Kỳ dành cho các doanh nghiệp hợp tác đã giảm đáng kể, cho thấy tầm quan trọng của việc hợp tác điều tra để được giảm, miễn thuế phòng vệ thương mại.

Để đảm bảo các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp có đủ năng lực về phòng vệ thương mại khi tham gia các FTA, Bộ Công Thương đang xây dựng Đề án nâng cao năng lực và hiệu quả của công tác phòng vệ thương mại trong bối cảnh Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đề án sẽ đưa ra các định hướng toàn diện, dài hạn cũng như các nhiệm vụ cụ thể về phòng vệ thương mại để đảm bảo lợi ích của nền kinh tế, các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo Tạp chí Công Thương

(Visited 41 times, 1 visits today)