Mô hình sản xuất không phát thải
Đến thăm cơ sở sản xuất của Công ty cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông- đơn vị chuyên sản xuất kinh doanh các mặt hàng hóa phẩm như phân bón chuyên dùng, phân bón thông dụng và hóa chất nông nghiệp- tại tỉnh Thanh Hóa vào một ngày giữa tháng Năm, cái nắng đầu Hè oi ả khiến cho chúng tôi đi từ Hà Nội vào hơn 200 km ai nấy đều thấy nóng bức. Thế nhưng, qua cánh cổng nhà máy sản xuất phân bón của Công ty Tiến Nông tại thị xã Bỉm Sơn, chúng tôi đều dịu lại vì như đang bước vào một khu resort với những vườn cây xanh mát. Đi vào sâu vào trong là những khu nhà xưởng được sơn hai màu xanh và vàng rất bắt mắt. Anh giám đốc điều hành dẫn chúng tôi đi tham quan nhà xưởng chia sẻ, hai màu vàng và xanh này tượng trưng cho hai giai đoạn của cây lúa: cây non thì màu xanh, và sau đó thì chín vàng. Thật thú vị khi chỉ màu sơn của nhà xưởng thôi cũng mang ý nghĩa sâu xa!
Khu nhà kho của Tiến Nông với tường được sơn hai màu xanh và vàng bắt mắt
Đã được TS. Phùng Hà- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam giới thiệu trước: Tiến Nông là công ty sản xuất phân bón tiên phong trong kinh tế tuần hoàn, nhưng tôi vẫn ngỡ ngàng khi tham quan nơi ủ các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, phân gà, phân lợn và xử lý bằng vi sinh, để rồi sau đó sản xuất ra phân bón hữu cơ- rất sạch sẽ, hoàn toàn không có mùi.
Đi thăm hệ thống bể lọc xử lý nước, với các hố thu nước, từ nước sinh hoạt của người lao động đến nước dùng trong công nghiệp, tất cả đều được thu về trạm, đưa đến hồ dự trữ rồi xử lý, sau đó lượng nước này sẽ quay ra tái sử dụng, và làm nước tưới cho các vườn cây trái trong khuôn viên nhà máy. Với mô hình này, người lao động cũng tiết kiệm hơn và có trách nhiệm hơn trong sinh hoạt hàng ngày. Được biết, mô hình này đã được cơ quan quản lý công nhận là mô hình kinh tế không phát thải ra môi trường.
Trong khuôn viên nhà máy tại Bỉm Sơn có quy mô 20 ha, Tiến Nông để phần lớn diện tích làm vườn trồng cây ăn trái như: thanh long đỏ, đu đủ, mít, xoài… Cùng với đó là các vườn rau trồng theo mùa vụ để cung cấp cho bếp ăn công nhân của nhà máy. Đáng chú ý là các vườn cây này đều dùng phân bón hữu cơ, được sản xuất theo phương pháp vi sinh từ các phế thải, do vậy, nhà máy quy mô lớn với hàng trăm công nhân nhưng hàng ngày, tối đa chỉ thải ra 5kg rác, do tất cả đều đã được xử lý, tuần hoàn để quay lại phục vụ chăm bón cho các vườn cây.
Khu xử lý các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, phân gà, phân lợn bằng vi sinh để sản xuất ra phân bón hữu cơ
Tổng Giám đốc Công ty Tiến Nông- Nguyễn Hồng Phong chia sẻ, nhận thức về việc phải chuyển đổi sang sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu phát thải, cách đây hơn 10 năm, ông đã đi quan sát các phế thải nông nghiệp cũng như phế thải trong sản xuất công nghiệp; và tìm tòi, phân tích các chất dinh dưỡng cũng như các chất có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường trong những phế thải.
Qua đó, ông đã tìm ra hướng đi cho doanh nghiệp của mình. Đó là, với các chất thải nông nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, có thể tận dụng được các chất hữu cơ cũng như khoáng chất phốt pho, kali để đưa vào làm nguyên liệu. Còn với các chất thải công nghiệp thông dụng có thể tận dụng được các khoáng chất như can xi, magiê và silic… Để rồi từ đó, Tiến Nông đã tạo ra quy trình sản xuất dùng các phụ phẩm để sản xuất phân hữu cơ thay thế các nguyên liệu phải khai thác.
“Sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn đã giúp Tiến Nông giảm thiểu được ảnh hưởng đến môi trường, tiết kiệm được tài nguyên, nâng cao hiệu quả kinh tế của cả chu trình chuỗi giá trị của doanh nghiệp”- Tổng Giám đốc Công ty Tiến Nông Nguyễn Hồng Phong nhấn mạnh.
Việc sử dụng phụ phẩm nông nghiệp và phụ phẩm trong sản xuất công nghiệp đã giúp Tiến Nông tiết kiệm được nhiều tài nguyên, qua đó, góp phần bảo vệ môi trường. Chẳng hạn, đối với phân vô cơ chứa silic, đã giải quyết được 10% thay thế các nguyên liệu khác. Còn với phân hữu cơ sử dụng chất thải chăn nuôi trồng trọt, tỷ lệ này là 40% thay thế các nguyên liệu phải khai thác. Đây là con số rất có ý nghĩa với Tiến Nông cũng như với môi trường- ông Nguyễn Hồng Phong cho biết thêm.
Dây chuyền sản xuất phân bón NPK Tiến Nông
Định hướng sản xuất nông nghiệp xanh
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam- TS. Phùng Hà chia sẻ, mô hình nông nghiệp xanh đang ngày càng được quan tâm. Tháng 9/2022, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, tuần hoàn, phát thải carbon thấp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Tháng 12/2023, Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành Quyết định số 5190/QĐ-BNN-BVTV về Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Đề án đặt mục tiêu: nâng tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ lên ít nhất 30% vào năm 2030; nâng công suất sản xuất phân bón hữu cơ của các cơ sở sản xuất đủ điều kiện lên 5 triệu tấn/năm- TS. Phùng Hà cho hay.
Là nhà sản xuất các sản phẩm phân bón và hóa chất nông nghiệp với mẫu mã đa dạng, đảm bảo chất lượng và phù hợp với nhiều loại cây trồng, nhất là những nhóm cây trọng điểm của ngành nông nghiệp Việt Nam: lúa gạo, cà phê, mía đường, hồ tiêu, rau-hoa-quả, Tiến Nông luôn tiên phong trong các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp xanh.
Ông Nguyễn Viết Giang- Trưởng phòng Công nghệ, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Khoa học và Công nghệ Tiến Nông chia sẻ, bằng kinh nghiệm sản xuất phân bón gần 30 năm, Tiến Nông đã nhận thức được xu thế tất yếu chuyển đổi sang sản xuất xanh, tuần hoàn. Do vậy, Trung tâm đã tập trung nghiên cứu, biến các phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp thành nguồn nguyên liệu có ích, giúp cải tạo đất, tránh ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất phân bón, đồng thời tiện lợi cho bà con nông dân sử dụng.
Với những phụ phẩm nông nghiệp, bằng công nghệ hữu cơ vi sinh, Trung tâm đã nghiên cứu xử lý để biến thành dạng nguyên liệu, từ đó sản xuất ra phân bón hữu cơ, giúp cây trồng dễ dàng hấp thụ dinh dưỡng, đồng thời cải tạo môi trường đất, qua đó, nâng cao hiệu quả cho người nông dân khi sử dụng phân bón Tiến Nông có bổ sung nguồn nguyên liệu hữu cơ vi sinh.
Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tập trung vào phát triển nông nghiệp hữu cơ, nghiên cứu, tận dụng các nguồn rác thải, tối ưu sử dụng dinh dưỡng trong đất, khai thác các khoáng chất có sẵn tại Việt Nam, đặc biệt là silic, sản xuất ra phân bón hữu cơ giúp cây trồng tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, cho năng suất và chất lượng cao, đồng thời giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ môi trường.
Nhờ chú trọng các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, tạo đột phá trong từng sản phẩm, Tiến Nông đã đưa đến người nông dân những sản phẩm phân bón chất lượng và hiệu quả. Chỉ vào cánh đồng lúa xanh mướt, đang trổ những bông lúa trĩu hạt, bác nông dân Phạm Văn Xô ở thôn Đại Sơn, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa phấn khởi cho biết, diện tích trồng lúa của nhà bác là 2 ha, và gia đình bác cũng như bà con nơi đây chuyên sử dụng phân bón Tiến Nông, bởi việc sử dụng phân bón của Tiến Nông giúp mang lại hiệu quả cao, hàm lượng silic trong phân bón Tiến Nông giúp thân cây lúa cứng cáp, hạn chế sâu bệnh.
“Dùng phân bón Tiến Nông, chúng tôi giảm thiểu được rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Nếu trước phải dùng thuốc bảo vệ thực vật là 10 thì giờ chỉ sử dụng 2-3, thậm chí còn không phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật. Không chỉ giúp cây lúa tăng khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết bất thuận, sâu bệnh, tăng năng suất của cây trồng mà sử dụng phân bón Tiến Nông cũng cho chất lượng gạo ngon hơn”- nông dân Phạm Văn Xô chia sẻ và cho biết thêm, nhờ đạt chất lượng cao, nên lúa của bà con nơi đây thu hoạch được bao nhiêu là tiêu thụ hết ngay tại chỗ, thậm chí không còn để bán ra ngoài thị trường.
Khu ruộng của nông dân Phạm Văn Xô xanh mướt với những bông lúa trĩu hạt cho chất lượng gạo ngon
Tầm nhìn dẫn đầu về dinh dưỡng cây trồng theo mô hình kinh tế tuần hoàn
Là đơn vị sớm nhận thức được phải chuyển đổi sang sản xuất xanh, tuần hoàn, Tiến Nông đang từng bước thực hiện và đã có những thành công nhất định. Thời gian tới, Tiến Nông sẽ tiếp tục phát triển theo định hướng này, nỗ lực để trở thành doanh nghiệp sáng tạo dẫn đầu trong lĩnh vực dinh dưỡng cây trồng theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Bởi theo Tổng Giám đốc Tiến Nông Nguyễn Hồng Phong, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản là yếu tố cốt lõi cho phát triển bền vững của công ty.
Khẳng định phát triển sản xuất theo hướng xanh sạch với mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu, Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Phong nêu rõ, để phát triển được theo mô hình này, cần phải có sự kết hợp từ ba phía, đầu tiên là nhận thức của chủ doanh nghiệp- phải có trách nhiệm với sản phẩm và môi trường sống của mình, cùng với đó là sự quan tâm của các cấp chính quyền, và sự đồng thuận của người dân về sử dụng sản phẩm giảm phát thải.
Cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về sản xuất xanh, tuần hoàn để có thể chấp nhận mức giá sản phẩm tuần hoàn cao hơn chút so với sản phẩm thông thường, bởi chỉ riêng vấn đề đốt than, đốt củi, hay sử dụng điện sạch là giá sẽ khác nhau. Do vậy, nếu người tiêu dùng chấp nhận sản phẩm tuần hoàn có mức giá cao hơn 3-5% so với sản phẩm thông thường thì cũng chính là có trách nhiệm với môi trường sống của mình- Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Phong chia sẻ.
Rời Thanh Hóa, trong ánh chiều tà, nhìn cánh đồng lúa đang thì con gái mơn mởn, ngạt ngào mùi hương lúa mới, trong tôi văng vẳng những lời ca của bài hát “Hát về cây lúa hôm nay” với những ca từ:
“Tôi hát bài ca ngợi ca cây lúa
Và người trồng lúa cho quê hương
Quê hương ơi, có gì đẹp hơn thế
Đồng lúa hẹn hò những mùa gặt”
Và sự tiên phong của Tiến Nông trong chuyển đổi sản xuất nông nghiệp xanh, tuần hoàn đã góp phần cho những mùa gặt thêm phần bội thu, giúp những người nông dân như bác Phạm Văn Xô cả đời gắn bó với ruộng đồng có được cuộc sống thêm phần dư dả…
Thanh Hóa, tháng Năm năm 2024
Theo VietQ.vn