Thực thi thuế suất tối thiểu toàn cầu – Cơ hội để Việt Nam tiệm cận với thông lệ quốc tế

Cơ hội giao thương - Thuế suất tối thiểu toàn cầu với mức thuế 15% là thoả thuận đa phương với sự tham gia của hơn 140 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, được áp dụng đối với các tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trên 750 triệu euro (khoảng 870 triệu USD). Với việc thực thi Thuế suất tối thiểu toàn cầu, thu hút đầu tư nước ngoài sẽ trở nên cạnh tranh hơn giữa các nước do ưu đãi thuế không còn là lợi thế.

Sáng ngày 20/03/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị về “Tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu với thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam” do Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc chủ trì.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc: Thực thi thuế tối thiểu toàn cầu là thách thức đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam tiệm cận với thông lệ quốc tế. 

Hội nghị nhằm trao đổi ý kiến của các doanh nghiệp, Hiệp hội, Ngân hàng, Quỹ và chuyên gia, trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu với thu hút đầu tư tại Việt Nam và tham mưu, đề xuất chính sách áp dụng tại Việt nam.

Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng, sáng kiến thuế suất tối thiểu toàn cầu được hình thành từ việc tình hình thế giới có nhiều thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường, ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng phát triển kinh tế và thu ngân sách của hầu hết các nước.

Thuế suất tối thiểu toàn cầu với mức thuế 15% được áp dụng đối với các công ty đa quốc gia có doanh thu hợp nhất toàn cầu hàng năm từ 750 triệu EUR (tương đương khoảng 870 triệu USD). Nhiều ý kiến cho rằng, thực thi thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm giảm sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư của Việt Nam.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến, kiến nghị từ các doanh nghiệp nước ngoài, chuyên gia đã được đưa ra nhằm giữ vững sự hấp dẫn của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam là 20%, cao hơn mức Thuế suất tối thiểu toàn cầu. Tuy nhiên, chúng ta đang dành nhiều mức thuế ưu đãi các dự án nhà đầu tư nước ngoài, từ 5 đến 17%.

Trưởng ban Thuế, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đề xuất nới lỏng các quy định về thuế suất luỹ tiến Thuế thu nhập cá nhân. Thuế này tại VN đang khá cao so với các quốc gia khác. Nếu giảm Thuế thu nhập cá nhân thì sẽ bù trừ cho Thuế tối thiểu toàn cầu mà doanh nghiệp phải nộp thêm.

Các đại biểu cho rằng, khi một doanh nghiệp đầu tư vào VN, họ sẽ nhìn tổng chi phí thuế phải chi trả, chứ không phải chỉ riêng Thuế thu nhập doanh nghiệp. Do vậy, khi ưu đãi Thuế thu nhập doanh nghiệp không còn là lợi thế, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng các chính sách khác để thu hút đầu tư nước ngoài.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, Việt Nam phải dành về quyền đánh thuế tối thiểu toàn cầu, từ chi phí đó để đầu tư vào cơ sở hạ tầng… Chính phủ sẽ nghiên cứu và điều chỉnh chính sách đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích, hiệu quả cho nhà đầu tư; đồng thời phải tuân theo quy tắc quốc tế,

Khẳng định thời gian qua, Chính phủ đã có những bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính để giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp…, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 31 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02. Trong đó yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn tất việc nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo tổng thể về cơ chế Thuế tối thiểu toàn cầu; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2023. Trước đó, ngày 4/8/2022, Thủ tướng thành lập Tổ công tác đặc biệt, để nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan.

Việc thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam tiệm cận với thông lệ quốc tế. Chúng ta cần thích ứng với thuế suất này, đồng thời thu hút các nguồn lực đầu tư mới- Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.  

Theo VietQ.vn

Thực thi Thuế suất tối thiểu toàn cầu- Cơ hội để Việt Nam tiệm cận với thông lệ quốc tế (vietq.vn)

(Visited 16 times, 1 visits today)