Sáng 12/2/2023, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng với chủ đề “Liên kết phát triển – Đổi mới sáng tạo – Xanh và Bền vững”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khai thác tối đa tiềm năng lợi thế, phát triển nhanh, bền vững VùngĐồng bằng sông Hồng
Tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã công bố Nghị quyết số 14 /NQ-CP ngày 08/02/2023 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng.
Thủ tướng và các đại biểu đã dành nhiều thời gian phân tích về vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chiếm 6,42% diện tích cả nước với khoảng 21.278 km.
Đây là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo; là cửa ngõ phía Bắc của đất nước và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc- thị trường rộng lớn nhất thế giới; là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế.
Kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải phát triển nhanh, đồng bộ, hiện đại, tốt so với các vùng trên cả nước, hội tụ đủ 5 phương thức vận tải. Đến năm 2020, toàn vùng có 496 km đường cao tốc, 2.133 km quốc lộ, có mật độ đường cao tốc và quốc lộ cao nhất cả nước.
Thu hút FDI tăng khá nhanh. Đến năm 2020, Vùng đồng bằng Sông Hồng đứng thứ hai trong các vùng kinh tế (chiếm khoảng 31,4% tổng vốn cả nước). Trong đó, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh luôn thuộc nhóm 10 địa phương có tổng số vốn FDI dẫn đầu cả nước.
Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu quốc tế và trong nước đều chung mong muốn vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng và Việt Nam nói chung tiếp tục duy trì ổn định tăng trưởng.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngay sau Hội nghị lần này, các bộ, ngành, địa phương chưa có chương trình hành động thì phải sớm triển khai, quyết liệt hành động theo tinh thần “nói là phải làm”, trên cơ sở đặc trưng riêng.
Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong Vùng chỉ đạo nghiên cứu kỹ, xác định rõ lộ trình, bước đi phù hợp, triển khai các giải pháp cụ thể, tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Cả nước Vì Đồng bằng sông Hồng; Đồng bằng sông Hồng vươn lên cùng cả nước và vì cả nước”. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm: “Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội để phát triển nhanh, bền vững Vùng đồng bằng sông Hồng thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước”.
Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương trong vùng cần quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về vùng, tập trung chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; phát huy hiệu quả nguồn lực cả nội lực lẫn ngoại lực, huy động công tư, hài hòa lợi ích Nhà nước và doanh nghiệp, xây dựng cơ quan hành chính thống nhất, đoàn kết, liêm chính, đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ ngành trao quyết định chủ trương đầu tư và phê duyệt đầu tư vào Vùng Đồng bằng sông Hồng
Tại Hội nghị, các cơ quan đã công bố và trao Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040; công bố thỏa thuận hợp tác; trao giấy chứng nhận đầu tư, biên bản ghi nhớ của các địa phương và các doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cùng các đối tác phát triển, bao gồm Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), cơ quan phát triển Pháp, cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) tại Việt Nam, đã ký Biên bản ghi nhớ, Biên bản hợp tác cung cấp vốn cho các dự án phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng.
Các đối tác cam kết hỗ trợ hơn 2,6 tỷ USD với 20 dự án để phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng, tập trung ưu tiên cho phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, thủy lợi, ứng phó biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, tại Hội nghị, 30 dự án đã được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, với tổng vốn đầu tư 167 tỷ đồng, tương đương 7,1 tỷ USD.
Theo VietQ.vn
Thủ tướng: Tạo không gian phát triển mới, tạo sức mạnh đột phá phát triển Vùng Đồng bằng sông Hồng (vietq.vn)