Phát biểu khai mạc Hội nghị giữa Thủ tướng với doanh nghiệp vào sáng nay 9/5 với chủ đề: “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chúng ta đang ở vào thời khắc mang tính bước ngoặt mới của lịch sử, không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với nhiều quốc gia trên thế giới do đại dịch mang tên COVID-19 gây ra”.
Theo Thủ tướng, hiếm có một biến cố y tế nào có tác động đến hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ như đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, Thủ tướng nhận định: “Trước thách thức đó, Việt Nam đã theo đuổi chiến lược, mục tiêu kép, một mặt vừa phòng chống dịch, mặt khác vẫn đảm bảo duy trì hoạt động kinh tế tối thiểu, đi kèm với các cải cách thể chế và tái cơ cấu để ngọn lửa tăng trưởng phải cháy và có thể sớm bùng lên trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát tốt”.
“Việt Nam chúng ta, doanh nghiệp của chúng ta cần đóng góp vào phát triển hình chữ V chứ không phải là chữ U mà càng không thể là chữ W”, Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng nhấn mạnh, “Hội nghị này không phải là dịp để bàn lùi, than nghèo, kể khổ; không phải kể lể, than vãn về những khó khăn của doanh nghiệp mà phải nêu được những trở ngại lớn đối với các ngành.”
“Chính phủ không thể trực tiếp giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận, nhưng Chính phủ sẽ tìm cách thức thúc đẩy doanh nghiệp tăng năng suất, chỉ có tăng năng suất mới là nguồn gốc bền vững của lợi nhuận”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng doanh nghiệp phải chủ động tham gia vào việc xây dựng luật pháp như một khế ước xã hội. Chính phủ đóng vai trò người bảo trợ cho các bộ khế ước đó được thực thi trên nguyên tắc công bằng, bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả.
Thủ tướng cũng khẳng định, Hội nghị lần này bắt buộc bằng mọi giá phải có kết quả cụ thể, “không nói suông, không nói rồi để đó,” thể hiện cho được tinh thần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng tốc phát triển.
Cụ thể, Hội nghị này phải nêu được những giải pháp, những ý tưởng mới, chẳng hạn như về thị trường, kết nối chuỗi giá trị, về một chất keo để dán lại các điểm đứt gãy, về lao động, thuế, phí…
“Chúng ta đã có gói “đùm bọc” hay “san sẻ” 62.000 tỷ đồng, chưa kể hàng chục nghìn tỷ đồng từ giảm giá điện, nước, viễn thông. Bây giờ là lúc bàn đến chính sách tăng tốc hay chính sách đòn bẩy. Chúng ta đã chứng kiến tinh thần “chống dịch như chống giặc”, giờ đây tinh thần “chống trì trệ như chống dịch” cần phải được thúc đẩy”- Thủ tướng nói .
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, “virus trì trệ nằm ngay trong chính bản thân chúng ta, tổ chức của chúng ta, địa phương của chúng ta và cả trong doanh nghiệp của chúng ta.”
Sau thời gian giãn cách xã hội, có lẽ các lãnh đạo doanh nghiệp đã có đủ thời gian quý báu để tư duy lại về con đường phát triển mới của doanh nghiệp của mình.
“Thiết nghĩ đây là cơ hội “trăm năm 1 thuở” cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Cơ hội này trước hết là dành cho doanh nghiệp trong nước, nhưng nếu chúng ta không biết tận dụng, không nắm bắt được cơ hội đó, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đến lấy,” Thủ tướng nhắc.
“Có thể nói, làn sóng chuyển chuỗi giá trị đang xem Việt Nam như một ô cờ trung tâm cần được chiếm lĩnh trên bàn cờ vua. “Các doanh nghiệp Việt Nam đang cầm quân trắng và có cơ hội đi trước. Các bạn hãy tận dụng cơ hội đó” – Thủ tướng nhắn nhủ.
6 đề nghị của Thủ tướng với doanh nghiệp Một là yêu Tổ quốc, vì làm việc gì mà không nghĩ đến Tổ quốc thì không thể thành doanh nghiệp lớn được. Yêu Tổ quốc cũng có nghĩa là phải thượng tôn pháp luật, phải có tinh thần chia sẻ. “Nhân đây tôi gửi lời cảm ơn các doanh nghiệp đã đồng hành và chia sẻ khó khăn với Chính phủ. Trong khó khăn ấy, nhiều tấm gương nhân ái chia sẻ thật là vĩ đại, doanh nghiệp lớn giúp nhiều, doanh nghiệp nhỏ giúp ít, nhiều hộ cá thể sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo trong lúc dịch bệnh”, Thủ tướng nói. Thứ hai là đoàn kết, vì mất đoàn kết là tự mình làm yếu mình, cần hợp tác với nhau. Thứ ba, không nản chí vì nản chí là tự mình bỏ cuộc. “Tôi xin nói môi trường kinh doanh của chúng ta dù cũng có những khó khăn và thách thức, do đó đừng cầu không có khó khăn, đừng mong dễ dàng vì dễ dàng thì đã không đến lượt chúng ta”. Thứ tư là năng động, quyết đoán, vì thụ động, lưỡng lự là tự mình đánh mất cơ hội. Thứ năm là sáng tạo vì thiếu sáng tạo là tự mình tụt lại phía sau. Thứ sáu, cần có niềm tin vì không có niềm tin là tự mình chối bỏ mình. Theo VnMedia |