Tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 dự báo cao nhất châu Á

Cơ hội giao thương - Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 2020 dự báo là 2,7%, mức tăng trưởng cao nhất tại khu vực châu Á. Trong khi đó, Thái Lan trở thành quốc gia suy giảm kinh tế nặng nề nhất châu Á, dù được dự báo sẽ quay lại mức tăng trưởng 5% vào năm 2021.

Đây là một trong những nội dung chính được đưa ra tại Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu 2020 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa được công bố. Theo dự báo này kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng hơn dự kiến do tác động của đại dịch COVID-19. 

Theo Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu của IMF, đại dịch COVID-19 đã gây ra ảnh hưởng cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và ảnh hưởng đến những tiến bộ đạt được trong xóa đói giảm nghèo kể từ năm 1990. Các chuyên gia IMF lo ngại, dịch COVID-19 cũng sẽ gây ra những ảnh hưởng lâu dài trong thương mại, kinh doanh và việc làm. 

Bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc IMF nhấn mạnh, đánh giá nổi bật của IMF là kinh tế toàn cầu năm 2020 suy thoái sâu hơn dự báo hồi tháng 4. Và phục hồi kinh tế trong năm 2021 cũng sẽ chậm hơn so với dự báo hồi tháng 4. Tuy nhiên, hành động của chính phủ các nước đã đang ngăn chặn một làn sóng phá sản và thất nghiệp hàng loạt.

Theo đó, Báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán, kinh tế toàn cầu năm 2020 tăng trưởng âm ở mức -4,9% so với dự báo -3% do chính IMF đưa ra hồi tháng 4 vừa qua. Đây được cho là mức suy giảm kinh tế sâu nhất từ cuộc đại khủng hoảng những năm 1930. Tuy nhiên, tổ chức này cũng dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng trở lại ở mức 5,4% trong năm 2021.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 là 2,7% và tăng lên 7,0% trong năm 2021

Cũng theo dự báo của IMF, Mỹ là một trong những nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch khi có thể suy giảm tới 8% trong năm 2020, còn Mexico sẽ hứng chịu mức suy giảm kinh tế tới 10,5%, theo sau là EU và Anh ước giảm 10,2%, Brazil (9,1%). Trung Quốc có thể là nền kinh tế lớn duy nhất đạt tăng trưởng trong năm 2020 với mức tăng khoảng 1%.

Đáng chú ý, IMF đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của Thái Lan năm 2020. Trong báo cáo lần này, Thái Lan dự kiến suy giảm 7,7% (tăng trưởng -7,7%), giảm thêm 1% nữa so với dự báo tháng 4. Như vậy Thái Lan trở thành quốc gia suy giảm kinh tế nặng nề nhất châu Á, dù được dự báo sẽ quay lại mức tăng trưởng 5% vào năm 2021.

Trong khi đó, theo dự báo của IMF, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 là 2,7% và tăng lên 7,0% trong năm 2021, đây là mức tăng trưởng cao nhất châu Á và thuộc nhóm cao nhất thế giới, chỉ sau một số quốc gia châu Phi.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới, IMF cũng cho hay, đại dịch COVID-19 khiến các hoạt động kinh tế bị đóng băng và là cú sốc lớn đối với thị trường lao động toàn cầu. Tổ chức này dự báo, số lao động thất nghiệp trên toàn cầu (lao động toàn thời gian) có thể tăng tới 300 triệu trong quý II/2020. IMF kêu gọi các nước tiếp tục duy trì những biện pháp kích thích kinh tế nhằm hỗ trợ những doanh nghiệp vẫn đang phải vật lộn với dịch COVID-19, qua đó giúp giải quyết vấn đề thị trường việc làm.

Dự báo này được cho là phù hợp với các dự báo khác của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) trước đó. Cụ thể, trong bản bổ sung định kỳ cho ấn phẩm kinh tế thường niên hàng đầu của mình, báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2020 được công bố hồi tháng 4, ADB dự báo tăng trưởng của khu vực trong năm 2020 là 0,1%. Con số này giảm so với mức dự báo 2,2% trong tháng 4, và sẽ là mức tăng trưởng thấp nhất của khu vực kể từ năm 1961. Tăng trưởng trong năm 2020 được dự kiến đạt 6,2%, như dự báo trong tháng 4. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2021 sẽ vẫn thấp hơn các mức đã được dự báo và nằm dưới các xu hướng trước khủng hoảng.

Không tính các nền kinh tế công nghiệp hóa mới gồm Hồng Kông, Trung Quốc; Hàn Quốc; Singapore; và Đài Loan, Trung Quốc, Châu Á đang phát triển được dự báo tăng trưởng 0,4% trong năm nay và 6,6% trong năm 2021.

Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada, nhận định: “Các nền kinh tế ở Châu Á và Thái Bình Dương sẽ tiếp tục cảm nhận tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 trong năm nay, ngay cả khi các biện pháp phong tỏa dần được nới lỏng và những hoạt động kinh tế chọn lọc được bắt đầu lại trong một kịch bản “bình thường mới”. Mặc dù chúng tôi nhận thấy triển vọng tăng trưởng cao hơn cho khu vực trong năm 2021, song điều này chủ yếu là do các mức tăng trưởng yếu kém trong năm nay, và đây sẽ không phải là sự phục hồi theo hình chữ V. Các chính phủ cần tiến hành những biện pháp chính sách để giảm tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và bảo đảm không xuất hiện những làn sóng bùng phát mới”.

Triển vọng này vẫn có nguy cơ suy giảm. Đại dịch COVID-19 có thể chứng kiến nhiều làn sóng bùng phát trong giai đoạn sắp tới và các cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công không thể bị loại trừ. Cũng có nguy cơ về sự leo thang mới trong căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc).

Theo VnMedia

(Visited 10 times, 1 visits today)