Nông nghiệp xanh ứng phó với biến đổi khí hậu
Tại “Diễn đàn Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2025” do Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức ngày 8/5/2025 tại Hà Nội, TS. Phùng Hà- Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, nông nghiệp xanh là nền nông nghiệp sản xuất áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của môi trường, biến đổi khí hậu, cải thiện sức khỏe của đất.

TS Phùng Hà – Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn.
Nông nghiệp xanh mang lại rất nhiều lợi ích cả về kinh tế lẫn xã hội: Giảm phát thải và tác động của hóa chất độc hại. Phục hồi và cải thiện đất đai. Giảm ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người. Tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Hệ sinh thái được cân bằng và duy trì đa dạng sinh học.
TS Phùng Hà chia sẻ, nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Mặt khác ngành nông nghiệp cũng phát thải khí nhà kính nhiều thứ hai sau ngành năng lượng sinh ra từ quá trình sản xuất và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, quản lý đất, trồng lúa nước,… ảnh hưởng đến nông nghiệp xanh. Giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp nói chung và ngành phân bón nói riêng là nhiệm vụ quan trọng để ứng phó với biến đổi khí hậu. Giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong ngành phân bón, bao gồm cả lĩnh vực sản xuất và sử dụng phân bón.
Hiện nay, các nhà sản xuất phân bón đã có các biện pháp giảm đáng kể lượng khí thải carbon trong sản xuất và liên tục nỗ lực để cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng. Tiêu thụ năng lượng của các nhà máy ammonia đã giảm hơn 15% trong thập kỷ qua. Một số công ty phân bón bước đầu thực hiện các phương pháp sản xuất phân bón “xanh hơn”, bao gồm cung cấp năng lượng cho quy trình Haber-Bosch bằng các nguồn năng lượng tái tạo. Các nghiên cứu khác tập trung vào việc tìm kiếm các phương pháp tổng hợp amoniac thay thế.
Nhiều công ty sản xuất urea trên thế giới và tại Việt Nam đã thu hồi CO2 từ khí thải trong quá trính sản xuất dùng để sản xuất urea, thí dụ PVFCCo và PVCFC mỗi năm thu hồi được 40.000 tấn CO2. “Song hành với việc sử dụng phân bón hợp lý, việc nghiên cứu, phát triển các dòng sản phẩm phân bón thế hệ mới vừa đáp ứng nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp xanh, vừa giúp tăng năng suất chất lượng nông sản cũng như giúp bảo vệ môi trường, giảm phát thải chính là hướng tiếp cận cần được tăng cường phát triển”- TS Phùng Hà cho hay.

“Diễn đàn Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2025” có chủ đề “Phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững và phát huy vai trò của 5 nhà: Nhà nước- Nhà băng- Nhà khoa học- Nhà Doanh nghiệp- Nhà nông”.
Thúc đẩy liên kết 5 nhà- phát triển bền vững nông nghiệp xanh
Để phát triển nông nghiệp xanh, cần có sự liên kết giữa các nhà, tạo thành chuỗi giá trị nông nghiệp. Thực tế cho thấy, 90% nông dân Việt Nam canh tác trên quy mô dưới 1 ha, trong khi chỉ có khoảng 20% sản lượng nông sản có hợp đồng bao tiêu. Rất nhiều trường hợp, nông dân “được mùa mất giá”, doanh nghiệp thiếu nguyên liệu chuẩn hóa, còn ngân hàng và nhà khoa học chưa thực sự tiếp cận được với người sản xuất. Sự thiếu liên kết này khiến cả chuỗi giá trị dễ bị đứt gãy, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và cạnh tranh thương mại ngày càng gay gắt.
Ông Hồ Xuân Hùng – Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, mô hình liên kết 5 nhà đã dần được tái định hình, với những điểm sáng khẳng định hiệu quả rõ rệt. Từ một nền sản xuất manh mún, thiếu đầu ra ổn định, thiếu vốn và công nghệ, ngành nông nghiệp Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ sự bắt tay chiến lược giữa 5 nhà: Nhà nước ban hành chính sách hỗ trợ và điều tiết, Ngân hàng cung cấp tín dụng xanh, Nhà khoa học chuyển giao công nghệ, Doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm và Nông dân- chủ thể trung tâm, sẵn sàng thay đổi để tiếp cận nông nghiệp hiện đại.
Trong những năm qua, nông nghiệp đã khẳng định vị thế là trụ đỡ của nền kinh tế. Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023, xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%. Trong bốn tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 21,15 tỷ USD; xuất siêu khoảng 5,18 tỷ USD, hầu hết mặt hàng chủ lực đều đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước.
Tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng của ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, đúng hướng, phát triển vững chắc, dần đi vào chiều sâu theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế đất nước nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng, từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là giúp người nông dân chủ động, mạnh dạn nắm bắt cơ hội để vượt qua chính mình trong giai đoạn hội nhập phát triển kinh tế.
“Thế giới đang bước vào kỷ nguyên phát triển xanh và bền vững. Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc. Liên kết 5 nhà không chỉ là một mô hình – mà phải trở thành chiến lược dài hạn, thực chất, bền vững và hiệu quả. Chỉ khi ấy, nông nghiệp Việt Nam mới thực sự hiện đại hóa, tăng trưởng xanh và đồng hành cùng khát vọng vươn mình hùng cường của dân tộc trong thế kỷ 21”- Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam nhấn mạnh.
Theo VietQ.vn
https://vietq.vn/phat-trien-nong-nghiep-xanh–lien-ket-5-nha-phai-tro-thanh-chien-luoc-dai-han-ben-vung-va-hieu-qua-d233077.html