Hướng đến chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành giao thông vận tải
Ngày 13/3/2024, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy chuyển dịch năng lượng và xây dựng cơ chế chính sách đầu tư vào hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam”.
Việt Nam đang hướng đến mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành giao thông vận tải. Ngành Giao thông vận tải cũng đặt mục tiêu đến năm 2040 sẽ từng bước hạn chế và tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Hiện nay, các phương tiện di chuyển sử dụng năng lượng điện được xem là tương lai của ngành giao thông. Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, trong năm 2023, đã có hơn 20.000 ô tô điện được sử dụng trên khắp cả nước. Tuy nhiên, số lượng trạm sạc trên đường còn thiếu, không đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng của các phương tiện chạy bằng điện.
Quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông đường bộ đặt mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam sẽ xây dựng hơn 9.000 km đường cao tốc, gấp gần 8 lần hiện tại. Theo ông Tô Nam Toàn (Cục Đường bộ Việt Nam), hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang cập nhật quy hoạch mạng lưới đường cao tốc của Việt Nam và nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng các thêm các tuyến cao tốc, theo đề nghị từ các địa phương. Theo thiết kế mỗi cao tốc đều có các trạm dừng nghỉ và theo các chuyên gia, đây là địa điểm thích hợp để đặt các trạm sạc phục vụ xe điện.
Tại hội thảo, GS.TS. Wilmar Matinez- Chuyên gia nghiên cứu về năng lượng điện đến từ Đại học KU Leuven (Vương quốc Bỉ)- cho biết: “Ở Việt Nam, khái niệm ô tô điện còn mới. Số lượng các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng xanh còn khá thấp nếu so sánh với các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đây cũng là nguyên nhân khiến các trạm sạc điện trên đường, đặc biệt là đường cao tốc, không được phổ biến như tại các quốc gia khác”.
Phát triển mạng lưới trạm sạc điện trên đường cao tốc
Các chuyên gia cho rằng, giống như các quốc gia phát triển, Việt Nam cần phải khuyến khích, động viên các tổ chức tư nhân có thể góp vốn để tăng cường trạm sạc trên các tuyến đường cao tốc. Các chính sách khuyến khích có thể bao gồm: Miễn thuế trong 5 năm đầu sau khi đưa các trạm sạc đi vào hoạt động, giảm 50% thuế trong 5 năm tiếp theo…
Theo ông Nguyễn Thế Vĩnh- Chuyên viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam, số lượng trạm sạc không phải là vấn đề duy nhất. Việc tăng cường trạm sạc xe trên đường cao tốc cũng cần phải tính toán số lượng xe cần sạc và thời điểm sạc xe tại mỗi trạm để tránh gây áp lực lớn lên hệ thống điện trên toàn quốc, gây mất điện cục bộ. Hiện nay, hệ thống trạm sạc công cộng hiện tại đã chiếm tới 10% năng lượng điện cả nước.
Ông Wilmar Martinez cho hay, các quốc gia cũng ưu tiên đặt trạm sạc tại những tuyến đường có mật độ giao thông cao như đường cao tốc và đầu tư cho hạ tầng lưới điện để đáp ứng yêu cầu tăng cường số lượng trạm sạc. Ngoài ra, còn có các đội ngũ chuyên gia thường xuyên kiểm tra, bảo trì hệ thống điện tại các trạm sạc để phòng tránh các nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra.
Về vấn đề tiết kiệm điện năng khi sử dụng các trạm sạc, TS. Nguyễn Bảo Huy (Đại học Bách khoa, Hà Nội) cho biết, việc lựa chọn công nghệ trạm sạc cần có đánh giá tác động đến lưới điện. Nguyên nhân do trạm sạc nhanh có thể gây ra sóng hài, dao động điện áp, tần số khiến điện lưới không ổn định. Điều này có thể ảnh hưởng đến các nhà máy sản xuất công nghệ cao như chip, bán dẫn cùng sử dụng lưới điện.
Ông Đào Xuân Lai- Trưởng ban Biến đổi khí hậu, Môi trường và Năng lượng (UNDP Việt Nam) chia sẻ, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính. Việc chuyển sang kinh tế xanh, kinh tế số là xu hướng tất yếu, và giao thông vận tải sẽ là một trong những lĩnh vực trọng tâm.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2050 sẽ phát thải ròng khí nhà kính bằng 0, và lý tưởng là các phương tiện giao thông đều xanh, ít phát thải. Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, việc thiếu trạm sạc là một trong 3 rào cản chính đối với người tiêu dùng khi quyết định mua và sử dụng xe điện. Bởi vậy, việc lồng ghép các trạm sạc vào hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ tại Việt Nam cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và đảm bảo đồng bộ.
Phát triển mạng lưới trạm sạc xe điện dọc các trục cao tốc đường bộ là vấn đề có tính chất quyết định đến việc đạt được mục tiêu điện khí hóa của ngành giao thông vận tải trong giai đoạn tới. Tổ chức Năng lượng quốc tế khuyến khích tiêu chuẩn trung bình cần đạt được là 10 xe điện/điểm sạc và công suất 2,4kW/xe điện. |
Theo VietQ.vn
Phát triển mạng lưới trạm sạc xe điện dọc các trục cao tốc đường bộ (vietq.vn)