Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng- con đường làm giàu bền vững từ rừng

Cơ hội giao thương - Đề án Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tư duy mở về khai thác giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, nguồn lợi từ rừng không chỉ là nguyên liệu gỗ mà còn là các sản phẩm giá trị gia tăng. Đây chính là con đường làm giàu bền vững từ rừng.

Ngày 4/4/2024, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Tọa đàm “Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Hiện nay, tổng diện tích rừng của Việt Nam là hơn 14,8 triệu ha; trong đó, diện tích rừng tự nhiên hơn 10,1 triệu ha phải bảo tồn, giữ nguyên và chỉ còn gần 4,7 triệu ha rừng trồng có thể khai thác, tổ chức sản xuất phục vụ phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Ngày 29/2/2024, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 208/QĐ-TTg ban hành Đề án phát triển các giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan – người khai mở đề án Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng Việt Nam. 

Một trong những mục tiêu cụ thể của Đề án là phát triển bền vững nguồn cung nguyên liệu gỗ thông qua việc tổ chức thâm canh, mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn để đảm bảo chủ động cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ. Đồng thời, phấn đấu sản lượng gỗ nguyên liệu khai thác trong nước đáp ứng tối thiểu 80% vào năm 2030 và 100% vào năm 2050 nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ.

Nói về mục tiêu này, ông Trần Lâm Đồng- Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam- cho biết, hiện cả nước mới có khoảng 500.000 ha trồng gỗ lớn. Không phải diện tích rừng trồng nào cũng có thể phát triển gỗ lớn. Nhiều địa phương có diện tích rừng lớn nhưng khó phát triển gỗ lớn. Hơn nữa, cần xác định phát triển loại gỗ lớn nào. Trước đây chỉ phát triển trồng loại cây phát triển nhanh, sớm có tán rừng, ngày nay thị trường có nhu cầu về những loài gỗ riêng. Do đó, cần phải xác định là trồng loài nào phù hợp với thị hiếu của thị trường.

Tại Tọa đàm, một số chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực liên quan đến phát huy từng giá trị của hệ sinh thái rừng đã chia sẻ kinh nghiệm cũng như những kiến nghị trong việc phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng.

Theo GS.TS Phạm Văn Điển – Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp, tương lai của rừng không chỉ là nguyên liệu gỗ dùng để chế biến, xuất khẩu mà cần nghiên cứu, chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng của rừng, tập trung vào các loài dược liệu, cây bản địa với những tính năng sinh học riêng biệt. Đó chính là một trong những con đường làm giàu bền vững từ rừng, bên cạnh khai thác các giá trị từ du lịch sinh thái rừng.

Ông Lê Hoàng Thế- Giám đốc Công ty TNHH hệ sinh thái The VOS (Đồng Tháp)- chia sẻ, giá trị cây gỗ trồng càng lâu năm giá càng cao. Tuy nhiên, để cây trồng lâu năm, thì trong thời gian chờ cây gỗ lớn, người dân làm gì để sống. Từ suy nghĩ đó, The VOS đã đưa ra giải pháp trồng nấm linh chi đỏ dưới tán keo lai ở nhiều địa phương, thời gian 4 tháng có thể thu hoạch, như vậy một năm có thể thu hoạch 3 lần. Giải pháp này đã giải quyết được bài toán về thu nhập cho người dân trồng cây gỗ lâu năm trong khi chờ cây lớn. Theo tính toán, 1m2 trồng nấm linh chi có thể cho thu hoạch 10 triệu đồng.

Các diễn giả tham gia tọa đàm Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng Việt Nam

Ông Nguyễn Thành Nam – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Greenforest – cho biết, công ty đang tổ chức những tuyến trải nghiệm cho du khách tìm hiểu về những loại cây, thảo dược, tận hưởng không gian của rừng.

Với Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Phó Giám đốc Vũ Đức Quyền chia sẻ, Vườn đang tổ chức nhiều hoạt động du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là phát triển các sản phẩm OCOP bên cạnh giá trị sẵn có từ rừng. Ông Vũ Đức Quyền cho rằng, để phát triển du lịch sinh thái bền vững, cần tăng cường công tác đào tạo về làm du lịch cho người dân, gắn với xây dựng nông thôn mới, cải tạo môi trường…

Từ góc độ nhà quản lý, ông Phạm Hồng Lượng- Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – nhận định, để phát triển du lịch dưới tán rừng cần “4 C”. Một là các chính sách cho thuê dịch vụ môi trường rừng phát triển du lịch cần tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hóa. Hai là hoàn thiện cơ sở hạ tầng để tăng được lượng người tiếp cận, như vậy mới hút được du khách. Ba là yếu tố con người. Người dân sở tại cần được đào tạo, nâng cao nhận thức, kiến thức để họ có thể làm được du lịch sinh thái rừng. Bốn là công nghệ, trong thời đại chuyển đổi số hiện nay, việc áp dụng khoa học công nghệ trong làm du lịch, ứng dụng về maketing online, bảo tàng điện tử… sẽ mang đến trải nghiệm tốt cho khách.

Chia sẻ về góc độ đa dụng trong giá trị của hệ sinh thái rừng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho hay, cần tiếp cận tư duy mở về giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng. “Chúng ta phải lùi ra xa để nhìn vào rừng, để suy nghĩ về phát triển rừng làm sao không xung đột trong phát triển rừng. Khi không gian giá trị được mở rộng thì ai cũng có được lợi ích, không còn xung đột và người dân sẽ tìm cách để bảo vệ, phát triển rừng. Nếu làm được như vậy, giá trị của rừng sẽ cao gấp 10, gấp 100 lần nữa”- Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Theo VietQ.vn

Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng- con đường làm giàu bền vững từ rừng (vietq.vn)

(Visited 23 times, 1 visits today)