Phát triển doanh nghiệp tư nhân: Cơ hội và thách thức

Cơ hội giao thương - Theo ông Nguyễn Quang Huân - Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, hiện nhóm doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam có nhiều cơ hội để lớn lên nhưng lại đối mặt với một môi trường kinh doanh nhiều rủi ro.

Cơ hội cho những doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam

Tại Diễn đàn Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, ông Nguyễn Quang Huân – Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những nước có nền chính trị ổn định nhất thế giới hiện nay. Mặc dù còn những khó khăn nhất định nhưng chủ quyền quốc gia luôn được giữ vững, trật tự an toàn xã hội về cơ bản là ổn định. Đây chính là tiền đề sáng, là động lực quan trọng để các doanh nghiệp trong nước có thể đề ra chiến lược kinh doanh ổn định trong thời gian dài và mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút vốn đầu tư.

Cũng theo ông Huân, nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định trong hàng chục năm qua, trung bình đạt hơn 7%/năm giúp đưa thu nhập GDP bình quân đầu người tăng lên hàng chục lần từ 230 USD năm 1986 tăng lên gần 2600 USD năm 2018. Cùng với tăng quy mô dân số, việc GDP tăng trưởng liên tục đã mở ra một thị trường rộng lớn, nhiều sức hút và rất đa dạng, kích thích khởi nghiệp và phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) như CPTPP và EVFTA và đã phát huy tác dụng. Việc thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới sẽ tạo ra cơ hội mở rộng, đa dạng hóa thị trường với mức ưu đãi cao, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, mạng lưới sản xuất toàn cầu, góp phần tích cực vào quá trình đổi mới đồng bộ và toàn diện, trao đổi công nghệ và phương thức quản lý kinh doanh mới, khơi dậy tiềm năng của đất nước và sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, nâng cao trình độ phát triển, từ đó có thể giảm dần tỉ trọng gia công lắp ráp và xuất khẩu nguyên vật liệu thô của nền kinh tế.

“Doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng đứng trước cơ hội lớn học hỏi, đổi mới để phát triển mạnh hơn, sáng tạo hơn và cạnh tranh năng động hơn. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung mở ra cơ hội thu hút đầu tư và mở rộng thị trường xuất khẩu trong trung hạn”, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đưa ra những cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam.

Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội này, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cho rằng, Việt Nam phải có chính sách phù hợp, có cơ chế kiểm soát, phân biệt giữa “đầu tư tránh thuế” với đầu tư thực sự. Đồng thời doanh nghiệp Việt Nam cũng cần minh bạch, trung thực trong quá trình tiếp nhận chuyển dịch đầu tư theo sự sắp xếp chuỗi cung ứng toàn cầu.

Môi trường kinh doanh còn cách xa các nước trong khu vực ASEAN

Bên cạnh những cơ hội đối với doanh nghiệp tư nhân, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cho rằng, còn nhiều thách thức mà bộ phận này đang gánh phải.

Theo đó, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung diễn biến phức tạp, khó lường. Chủ nghĩa bảo hộ lan rộng bằng cách đánh thuế hàng nhập khẩu, thu hẹp hạn ngạch hay nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng, xuất xứ và vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ thu hẹp thị trường xuất khẩu hoặc sẽ làm cho việc xuất khẩu trở nên khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, Mỹ tiếp tục tăng lãi suất, biến động và mất giá của đồng Nhân dân tệ sẽ gây sức ép nhất định lên tỷ giá VND, làm cho chi phí sản xuất, xuất khẩu tăng cao do giảm các lợi thế so sánh. Sức ép về tỷ giá có thể tăng lãi suất tiền đồng làm tăng chi phí vốn cho các doanh nghiệp.

Ông điểm nữa cũng được ông Nguyễn Quang Huân đưa ra là, năm 2018 Việt Nam đã tụt 3 bậc về năng lực cạnh tranh và 1 bậc về môi trường kinh doanh theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới và Ngân hàng thế giới. So với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ đứng mức giữa và bị bỏ khá xa so với những các nước đứng đầu như Singapore, Malaysia, Thái Lan và Brunei. Những chỉ số này rõ ràng là làm giảm sức hấp dẫn mà những cơ hội đề cập ở phần trên mang lại.

Đưa ra giải pháp cho doanh nghiệp tư nhân, ông Nguyễn Quang Huân cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam phải phát huy hơn nữa lợi thế cạnh tranh của mình trước sức ép của các doanh nghiệp nước ngoài. Đó là sự hiểu biết về nguồn cung ứng các nguồn lực, thị trường, khách hành và các kênh phân phối. Từ đó có thể xác định được sản phẩm và thị trường chiến lược cũng như phương thức bán hàng mà doanh nghiệp cần kiên trì theo đuổi.

Cùng với đó, cần đề cao văn hoá doanh nghiệp trong kinh doanh, xây dựng truyền thống và uy tín của doanh nghiệp, trước hết bằng việc kinh doanh đúng pháp luật và tôn trọng lợi ích các bên. Với tinh thần đó, doanh nghiệp phải xây dựng nền nếp quản lý kinh doanh minh bạch và trung thực, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, tích cực thực thi trách nhiệm xã hội, khắc phục những hành vi gian lận thương mại, làm hàng giả, trốn thuế, gian lận sổ sách, đầu cơ, chộp giật, lừa đảo…

Theo VnMedia

(Visited 15 times, 1 visits today)