Nguồn cung thịt lợn dịp cuối năm có thể khó khăn do dịch bệnh

Cơ hội giao thương - Theo Bộ Công Thương, nếu dịch dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, một số địa phương đã bị cấm tái đàn cho đến khi có chỉ đạo mới (Thái Bình, Hưng Yên,...) thì nguồn cung cho dịp cuối năm và Tết cổ truyền có thể gặp khó khăn.
Trước tình trạng dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến ngày càng phức tạp, ngày 30/5, Bộ Công Thương đã chủ trì cuộc họp với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, các địa phương, doanh nghiệp, cùng xây dựng cơ chế hỗ trợ tổ chức thực hiện việc thu mua, giết mổ và cấp đông thịt lợn nhằm ổn định cung cầu thị trường mặt hàng thịt lợn thời gian tới. 
 
Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung
 
Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2018, tổng sản lượng thịt lơn các loại khoảng 5,35 triệu tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thịt lợn hơi ước đạt 3,81 triệu tấn, tăng 2,2% so với năm 2017.
 
Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, tổng số lợn của cả nước tháng 5/2019 giảm 5,5% so với cùng thời điểm năm ngoái, Tuy nhiên, hiện nay, nguồn cung mặt hàng thực phẩm thay thế thịt lợn (thịt bò, gia cầm) tương đối dồi dào, cụ thể, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hoạt động chăn nuôi các mặt hàng trên vẫn đang tăng trưởng tốt.
 
Tính đến ngày 24/5, tổng số lượng lợn bị bệnh và tiêu hủy là trên 1,7 triệu con, chiếm khoảng 5% tổng đàn lợn cả nước. Tại một số địa phương, số lợn bị bệnh và tiêu hủy có tỷ lệ cao hơn như Hà Nội (có trên 147.000 con, chiếm 7,7% tổng đàn của thành phố), Thái Bình (trên 300.000 con, chiếm hơn 30% tổng đàn của tỉnh), Hưng Yên (trên 110.000 con, chiếm hơn 20% tổng đàn của tỉnh)…
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 
Về diễn biễn thị trường, ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, từ tháng 3, sau khi có thông tin về tình hình bệnh AFS lan rộng tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung, giá lợn hơi đã giảm đồng loạt trên cả nước. Đến cuối tháng 3, đầu thàng 4, giá tăng nhẹ trở lại.
 
Tuy nhiên, từ cuối tháng 4 đến nay, giá lợn hơi tiếp tục giảm trở lại, hiện giá lợn hơi tại phía Bắc phổ biến từ 28.000-33.0000 đồng/kg, giá lợn hơi từ miền Nam phổ biến từ 32.000-38.000 đồng/kg (giảm 2.000-8.000 đồng/kg so với tháng trước), giá thịt lợn thành phẩm từ 70.000-90.000 đồng/kg (tùy chủng loại, giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với tháng trước).
 
Trong thời gian 3 tháng tới là thời kỳ thấp điểm của việc tiêu dùng thịt lợn (thời tiết nắng nóng, lo ngại trước thông tin dịch bệnh) nên sức ép nguồn cung trong thời gian tới sẽ không quá lớn.
 
Theo Bộ Công Thương, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, một số địa phương đã bị cấm tái đàn cho đến khi có chỉ đạo mới (Thái Bình, Hưng Yên…) thì nguồn cung cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán có thể gặp khó khăn.
 
Nắm sát các thông tin về tình hình dịch bệnh
 
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sáng ngày 30/5, tại kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đưa ra ý kiến và các lãnh đạo Chính phủ đã có chỉ đạo rất sát sao quyết liệt về tình hình dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đang có điễn biến hết sức phức tạp, khó lường, gây rất nhiều thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống người dân, gây bất ổn thị trường và nguy cơ mất cân đối cung – cầu. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ ngành liên quan tìm giải pháp để tập trung thực hiện việc thu mua, giết mổ, cấp trữ đông cũng như giữ ổn định giá lợn, không để sốt giá lợn vào những tháng, quý tới.
 
“Tại thời điểm hiện nay, giá rất thấp và khó bán. Đặc biệt, cái đáng lo nhiều hơn là những tháng tới không có thịt lợn để bán chứ không phải giá bán” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lo ngại.
 
Theo Bộ Công Thương, từ thời điểm có những lo ngại về dịch bệnh (tháng 9/2018), Bộ Công Thương luôn theo dõi sát diễn biến và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn cung và kiểm soát lây lan dịch bệnh, đồng thời có văn bản chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh AFS xâm nhiễm vào Việt Nam.
 
Ngay sau khi có thông tin bệnh AFS đã xuất hiện tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh, nguồn cung, nhu cầu và giá cả thị trường nhằm đưa ra các phương án ứng phó kịp thời với diễn biến bất thường của dịch bệnh.
 
Để ngăn chặn dịch bệnh, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm sát các thông tin về tình hình dịch bệnh, tình hình sản xuất các sản phẩm chăn nuôi (đặc biệt là mặt hàng thịt lợn), nhu cầu tiêu dùng của thị trường để kịp thời có phương án bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường, chỉ đạo các địa phương có phương án bảo đảm nguồn cung thịt lợn, kết hợp và chủ động đưa mặt hàng thịt lợn vào kế hoạch triển khai Chương trình bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
 
Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường các biển pháp kiểm soát lưu thông, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn trái phép, chưa được kiểm dịch.
 
Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tăng cường các biện pháp kiểm soát ngăn chặn dịch bệnh, chỉ đạo làm tốt công tác tiêu hủy  nhằm giảm khả năng lây lan, từng bước khống chế dịch. Chỉ đạo sản xuất chăn nuôi các sản phẩm khác thay thế thịt lợn trong giai đoạn cách ly tại các vùng dịch để bảo đảm nguồn cung thịt lợn cho thị trường…
 
Theo VnMedia
(Visited 8 times, 1 visits today)