Ngành đồ uống mong chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt ổn định, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi

Cơ hội giao thương - Năm 2023 được dự báo ngày càng có nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp. Trước tình hình đó, doanh nghiệp ngành đồ uống mong muốn Nhà nước ổn định chính sách thuế Tiêu thụ đặc biệt, linh hoạt trong các chính sách tín dụng, lãi suất ổn định để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi, phát triển.

Tại Hội thảo “Văn hóa uống và trách nhiệm với cộng đồng” diễn ra ngày 29/6/2023, Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam Nguyễn Văn Việt chia sẻ, ngành bia rượu- nước giải khát Việt Nam là ngành kinh tế kỹ thuật có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội đất nước. Mỗi năm toàn ngành đóng góp khoảng 60 ngàn tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, giải quyết trực tiếp và gián tiếp cho hàng triệu lao động, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. 

 Nhà Sử học Dương Trung Quốc chia sẻ về Lịch sử văn hóa uống ở Việt Nam và trên thế giới.

Nộp ngân sách của ngành liên tục tăng, cho đến hết năm 2019, đạt mốc 56,665 ngàn tỷ đồng, với tốc độ tăng trung bình 14%. Tuy nhiên, sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 kéo dài từ đầu năm 2020, hiện nay, ngành đồ uống đang phải chống chịu với nhiều khó khăn trong bối cảnh mới, nhiều quy định quản lý chưa phù hợp, có nguy cơ có thể dẫn đến tình trạng thu hẹp sản xuất, kinh doanh trong ngành và những hệ lụy đối với xã hội. Tốc độ tăng trưởng trung bình cả giai đoạn 2015-2021 vì thế bị kéo giảm xuống 5,6%.

Các doanh nghiệp trong ngành đồ uống, tiêu biểu như Heineken Việt Nam, SABECO, HABECO, Coca-Cola, Suntory Pepsico… luôn quan tâm đến các hoạt động vì cộng đồng. Có doanh nghiệp đầu tư 10% ngân sách truyền thông (tương đương 16 tỷ đồng) cho các hoạt động tuyên truyền “Uống có trách nhiệm”; Bảo vệ hành tinh vì một Việt Nam tốt đẹp hơn: tái sử dụng hoặc tái chế gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm, giảm 2.500 tấn khí thải CO2 chỉ riêng trong khâu kho vận năm 2018; 100% nước thải từ các nhà máy được xử lý đạt và vượt chuẩn để trả về môi trường một cách an toàn.

Các doanh nghiệp luôn hướng đến những sáng kiến và giải pháp bền vững triển khai các sáng kiến về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) nhằm hỗ trợ các mục tiêu Quốc gia về Tăng trưởng Xanh trong giai đoạn 2021-2030…

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, uống rượu bia là nét văn hóa truyền thống lâu đời ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Rượu, bia không chỉ là thức uống giải khát mà còn là nét văn hóa của người dân khi chia sẻ những vui buồn, thắp hương tổ tiên, gặp gỡ đối tác, tiếp khách… Tuy nhiên, cái gì cũng vậy, khi sử dụng điều độ, hợp lý thì có lợi, còn lạm dụng, sử dụng nhiều sẽ có hại, ví dụ như ăn cơm quá nhiều, uống thuốc quá nhiều cũng không tốt…

Trong những năm qua, ngành Đồ uống Việt Nam nói chung và Tạp chí Đồ uống Việt Nam nói riêng luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động người tiêu dùng uống có trách nhiệm, uống có văn hóa, thực hiện tốt các quy định của pháp luật liên quan đến ngành. Đồng thời, tích cực truyền thông về văn hóa uống – uống có trách nhiệm. 

Việc truyền thông “Uống có trách nhiệm” tới người tiêu dùng đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, tránh lạm dụng, chấp hành tốt quy định “đã uống rượu, bia thì không lái xe”, hạn chế được tình trạng tai nạn giao thông và các hệ lụy trong gia đình, xã hội… 

Nhận định năm 2023 ngày càng có nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp ngành đồ uống, các đại biểu bày tỏ mong muốn Nhà nước ổn định chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, tinh giảm thủ tục xuất nhập khẩu, giảm hồ sơ giấy tiến tới áp dụng hải quan online toàn phần, linh hoạt trong các chính sách tín dụng, lãi suất ổn định để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển.  

Theo VietQ.vn

Ngành đồ uống mong chính sách thuế Tiêu thụ đặc biệt ổn định, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi (vietq.vn)

(Visited 14 times, 1 visits today)