Ngành dệt may: Tận dụng tốt các FTA để về đích xuất khẩu đạt 43 tỷ USD năm 2022

Cơ hội giao thương - Trong 10 tháng đầu năm 2022, toàn ngành dệt may xuất khẩu được gần 38 tỷ USD, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2021. Toàn ngành đang nỗ lực tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do FTA để về đích kế hoạch xuất khẩu đạt 43 tỷ USD cả năm 2022.

Xuất khẩu 10 tháng tăng 17%

Chia sẻ tại Họp báo Hội nghị Tổng kết Hiệp hội Dệt May Việt Nam 2022 ngày 18/11, ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, 10 tháng đầu năm, toàn ngành dệt may xuất khẩu được gần 38 tỷ USD, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2021.

Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang: Tận dụng tốt cơ hội từ các FTA, ngành dệt may sẽ về đích kế hoạch XK 43 tỷ USD cả năm 2022  

Ngành dệt may đã xuất khẩu vào 66 nước, vùng lãnh thổ. Đây là sự bứt phá của ngành dệt may Việt Nam trong phát triển thị trường. Cùng với đó, số mặt hàng duy trì xuất khẩu khoảng 47-50 mặt hàng khác nhau vào thị trường toàn cầu và chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu là quần áo may mặc các loại.

Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Mỹ chiếm 13,9 tỷ USD, đứng thứ 2 là thị trường các nước trong hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với gần 4,8 tỷ USD và đứng thứ 3 là thị trường các nước EU với gần 3,4 tỷ USD, Hàn Quốc đứng thứ 4 với 2,5 tỷ USD.

Lý giải về kết quả khả quan trong 10 tháng đầu năm, người đứng đầu VITAS cho hay, Việt Nam có 15 Hiệp định thương mại đã có hiệu lực, là nền tảng tạo ra giải pháp đa dạng hoá thị trường, đây là yếu tố cực kỳ đặc biệt. Cùng với đó, áp lực lạm phát và sức mua các nước lớn giảm… tạo ra áp lực cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm ra giải pháp đối sách để đa dạng hoá thị trường và tìm thị trường mới.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi từ gia công sang sản xuất ODM, FOB, thúc đẩy quản trị số, giải pháp tự chủ chuỗi cung ứng trong nước, đa dạng mặt hàng… đã giúp cho Việt Nam xuất khẩu được sang 66 nước, vùng lãnh thổ và đạt kết quả như vừa qua.

Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam đang chịu áp lực lớn, những đơn hàng của tháng 11 -12/2022 và cả tháng quý 1/2023 đang chịu áp lực giảm, bình quân từ 20 đến 27%.

Với việc tận dụng tốt những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do FTA mang lại, ngành dệt may sẽ về đích kế hoạch xuất khẩu đạt 43 tỷ USD cả năm 2022- Chủ tịch VITAS khẳng định.

Đặt mục tiêu xuất khẩu 45-47 tỷ USD năm 2023

Ông Vũ Đức Giang cho biết, năm 2023, ngành dệt may đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 45-47 tỷ USD.

Về cơ sở để đưa ra mục tiêu đầy tham vọng trên, Chủ tịch VITAS lý giải, sở dĩ VITAS đưa ra mục tiêu xuất khẩu cao như trên là do năm 2023, Hiệp định EVFTA sẽ đưa thuế suất bằng 0, đây là động lực thúc đẩy chuyển dịch đầu tư từ bên ngoài vào Việt Nam. Thời gian qua, toàn ngành khó khăn nhưng chuyển dịch đầu tư của các nước trong khu vực vào Việt Nam tương đối có bứt phá.

Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã và đang thúc đẩy chủ động nguyên phụ liệu trong nước và tỷ trọng này ngày càng tăng. Đặc biệt, các chương trình phát triển bền vững, quản trị số và kinh tế tuần hoàn của Việt Nam, giữ ổn định phát triển đang thu hút các nhãn hàng chọn Việt Nam- ông Vũ Đức Giang thông tin.

Tuy nhiên, mục tiêu đạt 45-47 tỷ USD trong năm 2023 còn tuỳ thuộc vào diễn biến của tháng 11-12/2022- ông Vũ Đức Giang cho biết thêm. Đây cũng là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp tái cấu trúc, đầu tư sản xuất theo mô hình xanh hóa, đón đầu thị trường dệt may thế giới ngày càng chú trọng các tiêu chuẩn phát triển bền vững.

Doanh nghiệp dệt may tái cấu trúc, đầu tư sản xuất theo mô hình xanh hóa, ngày càng chú trọng các tiêu chuẩn phát triển bền vững 

Trả lời câu hỏi của phóng viên về tình trạng giảm lao động trong ngành dệt may hiện nay, ông Vũ Đức Giang khẳng định, ngành dệt may xác định lao động là tài sản số 1, trên cả tài sản thiết bị, công nghệ, nhà xưởng nên dù trong bối cảnh hiện nay, những đơn vị thiếu hụt đơn hàng thì cũng đang tìm cách xoay sở để giữ chân người lao động. Hiện nay, số lượng lao động nghỉ việc ngành dệt may là có nhưng tỷ trọng còn thấp. Theo thống kê của VITAS, số lao động giảm của ngành khoảng 5-7%.

“Với nỗ lực xoay sở và giữ chân người lao động của doanh nghiệp thì vấn đề giảm lao động trong ngành dệt may không phải đáng quan ngại”, ông Vũ Đức Giang cho biết.

Hiện nay nhiều doanh nghiệp dệt may cũng gặp khó khăn về vốn. Ngành dệt may đang có kiến nghị gửi Chính phủ và các bộ ngành để cân nhắc việc giảm thuế hoặc hoãn thuế cho doanh nghiệp. “Đề nghị Chính phủ tiếp tục có hỗ trợ nguồn tài chính cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp để doanh nghiệp duy trì giữ ổn định lao động. Cùng với đó, VITAS tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan cân nhắc bỏ thuế xuất nhập khẩu tại chỗ. Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn như hiện nay thì cần Chính phủ có những điều chỉnh”- Chủ tịch VITAS nêu quan điểm.

Về lãi suất ngân hàng, thì cân nhắc một số lĩnh vực ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu cao, tạo nhiều việc làm và có lực lượng lao động lớn thì ngân hàng nên giữ lãi suất hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp duy trì giữ ổn định sản xuất- Chủ tịch VITAS chia sẻ.

Theo VietQ

Ngành dệt may: Tận dụng tốt các FTA để về đích xuất khẩu đạt 43 tỷ USD năm 2022 (vietq.vn)

(Visited 7 times, 1 visits today)