Ngành công thương khu vực phía Bắc: Tăng cường liên kết giữa các địa phương

Cơ hội giao thương - Công tác liên kết, hợp tác phát triển ngành công thương khu vực phía Bắc là hoạt động quan trọng, mang tính định hướng chiến lược, để khai thác hiệu quả những tiềm năng lợi thế của các địa phương trong khu vực về công nghiệp- thương mại, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và theo hướng bền vững.

Ngày 17/5/2024, Hội nghị ngành Công Thương khu vực phía Bắc đã diễn ra tại Hà Nội. Hội nghị do Bộ Công Thương và UBND thành phố Hà Nội chủ trì, Sở Công Thương Hà Nội và Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) tổ chức.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan phát biểu tại hội nghị

Kim ngạch XK của 28 địa phương khu vực phía Bắc tăng trưởng cao hơn mức tăng XK của cả nước

Tại Hội nghị, ông Lê Hồng Sơn- Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội cho hay, 28 tỉnh, thành phố khu vực có lịch sử phát triển lâu dài, có vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của cả nước. Ngành Công Thương có đóng góp quan trọng và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của khu vực.

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, hoạt động sản xuất công nghiệp của 28 địa phương khu vực phía Bắc trong 6 tháng đầu năm 2024 có nhiều chuyển biến tích cực, duy trì đà tăng trưởng khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung, 25/28 địa phương có chỉ số IIP tăng trưởng dương so với cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ toàn khu vực năm 2023 đạt 2.602 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 41,8% của cả nước, tăng 16,7% so với năm 2022, cao hơn mức tăng chung của cả nước (cả nước tăng 9,6%). Có 26/28 địa phương trong vùng có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của 28 tỉnh, thành khu vực phía Bắc ước đạt 1.404 ngàn tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ; đa số các địa phương trong vùng có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng so với cùng kỳ.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của 28 địa phương khu vực phía Bắc năm 2023 đạt 221,5 tỷ USD, tăng 1,7% so với năm 2022, cao hơn mức giảm 4,4% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, chiếm khoảng 62% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực 6 tháng 2024 ước đạt 120,7 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ. 24/28 địa phương trong vùng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương.

Các tỉnh thành phố phía Bắc bước đầu đẩy mạnh phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, các ngành công nghiệp khuyến khích đầu tư góp phần phát triển các sản phầm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, khả năng tham gia sâu và đóng góp giá trị tăng cao vào chuối sản xuất cung ứng toàn cầu; có ý nghĩa nền tảng, tác động lan toả đến các ngành sản xuất và kinh tế khác.

Công tác khuyến công toàn khu vực đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới. Tổng kinh phí khuyến công thực hiện của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2023 là 139,45 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 29,154 tỷ đồng, đạt 22,8% kế hoạch năm.

Khu vực trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu của các địa phương tại Hội nghị

Tăng cường liên kết, hợp tác phát triển Công Thương trong khu vực

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh: Năm 2024 được xách định là năm bứt phá, bản lề của cả nước. Các địa phương phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025.

“Kể từ sau Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ IX, năm 2023 tại Quảng Ninh, hoạt động liên kết giữa các địa phương ngày một tăng cường. Từ đó, đóng góp tích cực ngày một quan trọng vào kết quả tăng trưởng của ngành. Kết quả này cần được phát huy trong thời gian tới”- Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về Công Thương năm 2023, ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 và các giải pháp, nhiệm vụ, nhằm hoàn thành kế hoạch năm 2024 của các Sở Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Cùng đó, tham luận, thảo luận, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Công Thương; kiến nghị đề xuất những chế độ chính sách liên quan và giải pháp hoàn thành nhiệm vụ của ngành trong các lĩnh vực: Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực Công Thương; công tác kế hoạch và quy hoạch; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, liên kết vùng… trong thời gian tới.

Đồng thời, bàn thảo phương thức, cơ chế, các giải pháp và định hình các mối liên kết, hợp tác phát triển ngành Công Thương giữa các địa phương trong thời gian tới; đề xuất cơ chế phối hợp triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch giữa các địa phương; đồng thời tiếp xúc, lắng nghe và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quản lý, điều hành của địa phương.

Tuy nhiên, theo các đại biểu, khoảng cách phát triển giữa các địa phương còn lớn, sự phối hợp chưa thường xuyên, nhuần nhuyễn để tận dụng thế mạnh của vùng. Để khắc phục những hạn chế này, cần thiết tăng cường sự liên kết giữa các địa phương trong khu vực, cùng nhau phát triển trong bối cảnh còn nhiều phức tạp.

Các đại biểu khẳng định, công tác liên kết, hợp tác phát triển Công Thương trong khu vực là hoạt động quan trọng và mang tính định hướng chiến lược, để khai thác hiệu quả những tiềm năng lợi thế của các địa phương trong khu vực về công nghiệp – thương mại nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và theo hướng bền vững, triển khai chương trình liên kết, hợp tác phát triển công thương giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các địa phương; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tăng cường cung ứng, tiêu thụ hàng hóa hai chiều góp phần ổn định thị trường, giá cả, nâng cao đời sống nhân dân.

Khu vực phía Bắc nước ta gồm 28 tỉnh, thành phố; phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Tây giáp Lào, phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ. Tổng diện tích tự nhiên của toàn khu vực là 150.058,5 km2, chiếm 45,28% diện tích tự nhiên của cả nước; tổng dân số 44,93 triệu người, chiếm 45,17% dân số cả nước, mật độ dân số trung bình 299 người/km2 và có 3 vùng: Vùng Trung du miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng Sông Hồng và vùng Bắc Trung bộ, các vùng này có vị trí địa lý hết sức quan trọng, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật của cả nước, địa hình đa dạng, tài nguyên thiên nhiên phong phú.

Theo VietQ.vn

Ngành công thương khu vực phía Bắc: Tăng cường liên kết giữa các địa phương (vietq.vn)

(Visited 12 times, 1 visits today)