Nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm

Cơ hội giao thương - Kết quả đạt được về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của nền kinh tế cơ bản là tích cực so với khu vực và thế giới, duy trì được đà tăng trưởng khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát.

Đây là nhận định được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Phiên họp có sử dụng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet), vừa được khai trương cách đây khoảng 2 tuần nhằm hướng tới Chính phủ điện tử, “phi giấy tờ”.

Đây là phiên họp thứ 2 của Chính phủ sử dụng e-Cabinet sau phiên họp đầu tiên ngay tại lễ khai trương hệ thống vào ngày 24/6. Theo đó, các văn bản, tài liệu được cập nhật vào hệ thống để các thành viên Chính phủ nghiên cứu trước cũng như trong phiên họp.

Phiên họp hôm nay nhằm đánh giá tình hình kinh tế – xã hội sau nửa chặng đường của năm 2019 và thảo luận các biện pháp trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ trực tuyến với các địa phương
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 trực tuyến với các địa phương
ADVERTISEMENT

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhìn chung, kết quả đạt được về kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm của nền kinh tế cơ bản là tích cực so với khu vực và thế giới, duy trì được đà tăng trưởng khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế đạt khá, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,76%, trong đó, Quý I tăng 6,82% , Quý II ước tăng 6,71% , tuy thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2018 nhưng là mức tăng tích cực so với đầu nhiệm kỳ Chính phủ, cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm 2011-2017.

“Nếu không có yếu tố bất thường tác động đến tăng trưởng, dự báo tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt được mục tiêu đã đề ra (6,8%)” – Báo cáo nêu rõ.

6 tháng đầu năm nay, ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn đối với ngành chăn nuôi, dịch tả lợn Châu Phi đã lan ra 60 tỉnh, thành phố trong cả nước, trồng trọt bị ảnh hưởng bởi hạn hán, cháy rừng đã xảy ra ở Miền Trung do thời tiết nắng nóng kéo dài.

Tuy nhiên, do ngành thủy sản tăng trưởng khá, ước đạt 6,45% nên tốc độ tăng GDP toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản ước vẫn tăng 2,39%.

Khu vực công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng tích cực, ước đạt 8,93%, cao hơn dự kiến của kịch bản tăng trưởng đã đề ra (8,88%), trong đó riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,18%, tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, dẫn dắt tăng trưởng chung toàn ngành và của nền kinh tế.

Kết quả điều tra xu hướng cho thấy, đa số các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo đều đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh Quý II tốt hơn so với Quý I và lạc quan với tình hình của Quý III. Bên cạnh đó, ngành khai khoáng có mức tăng nhẹ, ước đạt 1,78% sau 3 năm liên tiếp giảm , chủ yếu là do khai thác than phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng trưởng khá.

Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng trưởng ổn định, ước đạt 6,89%, trong đó, đóng góp chủ yếu là ngành bán buôn, bán lẻ, ước tăng 8,48%, nhờ sức mua của thị trường được duy trì , tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giữ mức tăng trưởng 02 con số, ước đạt 11,5% so với cùng kỳ năm 2018 .

Du lịch diễn ra sôi nổi, nhất là ở các trung tâm du lịch nghỉ mát do đang trong mùa cao điểm du lịch hè của khách trong nước. Bên cạnh đó, khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng khá, đạt gần 8,5 triệu lượt người, tăng 7,5% so với cùng kỳ, bình quân đạt trên 1,4 triệu lượt khách/1 tháng.

Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 2,64% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 3,29%), là mức tăng bình quân 6 tháng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây . Tuy nhiên, lạm phát cơ bản tháng 6 tăng 1,96% và bình quân 6 tháng tăng 1,87% so với cùng kỳ là mức tăng khá cao, cần chú ý các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả.

Tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế theo số liệu mới cập nhật ước đạt 7,08% so với cuối năm 2018 (cùng kỳ tăng 6,14%), cơ bản đáp ứng được nhu cầu vốn cho đầu tư và sản xuất, kinh doanh, trong đó, cơ cấu tín dụng tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát tốt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Thu NSNN 6 tháng ước đạt 52,8% dự toán, chi NSNN đạt 40,8% dự toán được giao.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 822,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018 và bằng 33,1% GDP, trong đó, vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước chiếm tỷ trọng và có mức tăng cao nhất, khoảng 43,6%, tăng 16,4%. Vốn đầu tư có yếu tố nước ngoài đăng ký ước đạt 18,47 tỷ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ, tuy nhiên, giải ngân vốn FDI đạt khá, khoảng 9,1 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ. Đăng ký thành lập doanh nghiệp vẫn duy trì được đà tăng tích cực, ước có gần 67 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký đạt trên 860 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8% về số doanh nghiệp và tăng 32,5% về số vốn.

Về xuất nhập khẩu, theo số liệu mới cập nhật, xuất khẩu hàng hóa 6 tháng ước đạt 122,4 tỷ USD, tăng 7,1%, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 120,8 tỷ USD, tăng 8,8%, cân đối thương mại xuất siêu 1,6 tỷ USD . Tuy nhiên, dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu còn nhiều, Hiệp định CPTPP bước đầu phát huy hiệu quả, cần tăng cường các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới của Hiệp định.

Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và đầu tư, Hiệp định EVFTA và IPA vừa được ký kết, tuy còn một số thủ tục phải hoàn thiện nhưng sẽ tạo hiệu ứng tốt về tâm lý trong sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo đà tăng trưởng thương mại trong thời gian tới.

Về an sinh xã hội, 6 tháng đầu năm, đã thực hiện cấp gần 19 triệu thẻ bảo hiểm y tế, thẻ khám chữa bệnh cho các đối tượng chính sách. Đã giải quyết việc làm cho 775 nghìn lao động, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm dần. 4.402 xã và 76 huyện được công nhận đạt chuẩn thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới….

Theo VnMedia

(Visited 9 times, 1 visits today)