Sức khỏe, độ phì nhiêu của đất đang bị suy giảm
Hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về sức khỏe đất, như đất đai bị suy thoái do xói mòn, nhiễm phèn, nhiễm mặn ở các vùng thấp, và sự lạm dụng phân bón hóa học cũng như thuốc bảo vệ thực vật. Biến đổi khí hậu càng làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái đất, khiến dinh dưỡng cây trồng trở nên khan hiếm và mất cân đối. Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp mà còn tác động nghiêm trọng đến sức khỏe con người và môi trường sinh thái.
Tại Hội nghị triển khai đề án “Nâng cao sức khoẻ đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức sáng 18/10/2024, báo cáo từ Cục Bảo vệ thực vật cho biết, hơn 40% diện tích đất toàn cầu bị suy thoái, 60-70% đất nông nghiệp của khu vực Châu Âu là “không khỏe mạnh”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung: đất là nguyên liệu sản xuất đặc biệt, phải nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị đất sử dụng.
Tại Việt Nam, theo điều tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2021, cả nước có 11,8 triệu ha đất bị thoái hóa, trong đó có hơn 4 triệu ha là đất sản xuất nông nghiệp. Tình trạng suy thoái với nguy cơ sa mạc hóa diễn ra nhanh và ảnh hưởng nặng nề nhất tại các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ.
Cùng với thoái hoá đất, hệ vi sinh vật có lợi cho cây trồng bị suy kiệt, trong khi đó, những vi sinh vật có hại trong đất phát triển nhanh hơn, chất lượng đất bị suy giảm cũng nhanh hơn. Mất cân bằng về thiên địch, cân bằng hệ vi sinh vật trong đất bị phá vỡ, hình thành nhiều quần thể có hại cho đất và cây trồng, mức độ đa dạng giun đất ở Việt Nam bị suy giảm so với mức trung bình trên thế giới.
Bên cạnh đó, việc lạm dụng nhiều phân bón trong thời gian dài dẫn đến đất bị trơ, bạc màu, mất cân đối dinh dưỡng, bị chua hóa. Đồng thời, việc canh tác liên tục trong thời gian dài không cho đất nghỉ cũng là nguyên nhân làm cho đất bị suy thoái.
Nguyên nhân do các yếu tố chủ quan như tập quán canh tác trồng nhiều vụ/năm, bón nhiều phân vô cơ, thiếu cân đối giữa hữu cơ-vô cơ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thiếu biện pháp chống xói mòn, rửa trôi.
“Chất lượng đất nông nghiệp đã ở mức báo động, sức khỏe đất đã đến mức suy kiệt. Vì vậy phải có biện pháp nâng cao sức khỏe đất, hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững. Nếu không có biện pháp quản lý và khắc phục kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực trong tương lai”- đại diện Cục Bảo vệ Thực vật cho hay.
Nâng cao giá trị sử dụng đất
Phát biểu tại Hội nghị Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, ngày 11/10/2024, Bộ NN&PTNT chính thức phê duyệt Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn 2050”.
Đề án ra đời với mục tiêu và kỳ vọng giúp ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt trên cơ sở quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả nhằm hạn chế suy thoái đất. Đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt, góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, carbon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đề án đã xác định rõ vai trò của quản lý đất và dinh dưỡng cây trồng trong việc ngăn chặn suy thoái đất, phát triển nông nghiệp hữu cơ và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Mục tiêu của đề án là nâng cao giá trị sử dụng đất, quản lý hiệu quả dinh dưỡng cây trồng, từ đó góp phần vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Đề án đề ra nhiều giải pháp như tiến hành thống nhất hệ thống phân loại đất phục vụ sản xuất trồng trọt với bộ chỉ tiêu chất lượng đặc trưng được số hóa; thành lập mạng lưới liên kết phòng phân tích (VINASOLAN) đủ năng lực đánh giá chất lượng đất và phân bón và kết nối được với mạng lưới phòng phân tích đất, phân bón trong khu vực và trên thế giới.
PGS-TS Vũ Năng Dũng- Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam- nhận định, việc bổ sung, tăng cường chất hữu cơ cho đất là rất cần thiết. TS Vũ Năng Dũng cho rằng, cần có chiến lược tăng cường hữu cơ cho đất tầm nhìn đến năm 2050 và thậm chí có thể hơn nữa.
“Nếu đất khỏe, sản xuất thực phẩm sẽ an toàn, con người sẽ khỏe mạnh và thế hệ sau cũng sẽ khỏe mạnh. Đây là việc làm lâu dài, liên tục” – Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam nhấn mạnh.
Nói về thông tin chất lượng đất, ông Nguyễn Quang Tin- Vụ phó Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ NN-PTNT), cho biết, thông tin về chất lượng đất, sức khỏe đất nói chung, hiện Việt Nam chưa có nhiều dữ liệu.
Cũng theo ông Tin, một trong những điểm yếu về đất là nước ta chưa có ứng dụng (app) về dữ liệu đất, đầu ra cũng như đầu vào. Hầu như năm nào cũng có công trình nghiên cứu về đất, về phân bón, song còn rời rạc. Cần có những chương trình có sự phối hợp, quy mô như nghiên cứu về giống lúa, giống cây trồng. Điều này đòi hỏi các nghiên cứu sắp tới về đất phải thay đổi, có sự đầu tư bài bản hơn.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp nâng cao sức khỏe đất trồng trọt trên cơ sở quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả, giảm sử dụng phân bón vô cơ, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ nhằm hạn chế suy thoái đất, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt. Từ đó góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, carbon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung nhấn mạnh, đất là nguyên liệu sản xuất đặc biệt, không tái tạo, nên phải nâng cao giá trị sử dụng đất, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị đất sử dụng. Do vậy, cần phải xây dựng quy chuẩn, phân loại đánh giá từng loại đất cụ thể.
“Quan trọng nhất là xây dựng bộ tiêu chí đánh giá từng loại đất. Đây là công cụ để đánh giá các chỉ tiêu dinh dưỡng của đất, từ đó bố trí cây trồng cho hợp lý. Cùng với đó, xây dựng quy trình canh tác đối với từng loại vùng đất để bố trí cây trồng phù hợp, cái tiến lại quy trình canh tác để bảo vệ đất”- Thứ trưởng Hoàng Trung nêu rõ.
Theo VietQ.vn
Nâng cao chất lượng đất, phát triển sản xuất trồng trọt bền vững