Mục tiêu tăng trưởng GDP Quốc hội giao có thể đạt được
Theo ông Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), năm 2018 chứng kiến sự phục hồi thiếu đồng đều lẫn chắc chắn của kinh tế thế giới. Nhiều tổ chức quốc tế đã liên tục điều chỉnh các dự báo của mình theo chiều hướng kém tích cực hơn. Những ước tính mới nhất cho thấy tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2018 là vào khoảng 3,7%. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này diễn ra không đồng đều giữa các nhóm và thậm chí giữa các nước trong cùng nhóm.
Tại Việt Nam, ông Thành cũng chia sẻ, nối tiếp năm 2017, năm 2018 tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế – xã hội mà Quốc hội đề ra. Tăng trưởng GDP cả năm đạt 7,08%, mức cao nhất sau khủng hoảng tài chính cách đây 10 năm. Chỉ số PMI những tháng gần đây đạt mức cao, dẫn đầu ASEAN.
Trong khi đó, xuất siêu lớn của khu vực FDI tiếp tục cho thấy vai trò đầu tàu thương mại của khu vực này. Mặt khác, nó cũng cho thấy điểm yếu của nền kinh tế và ít nhiều đặt ra câu hỏi về hướng đi của nền kinh tế trong tương lai khi đã quá phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Đưa ra dự báo tăng trưởng – lạm phát năm 2019, Viện trưởng VEPR cho rằng, những mục tiêu đưa ra là có thể đạt được. Thậm chí, chỉ tiêu về tăng trưởng GDP hoàn toàn có thể vượt qua trong bối cảnh Việt Nam đang hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.
Theo đó, kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 69/2018/QH14 về các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội cho năm 2019 với tăng trưởng GDP 6,6 – 6,8%; CPI bình quân 4%; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 7 – 8%; tỷ lệ nhập siêu/tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 33 – 34%; tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị dưới 4%.
Về phía VEPR, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra dự báo tăng trưởng năm 2019 là quý 1: 6,61%; quý 2: 6,72%; quý 3: 7,01%; quý 4: 7,12% và cả năm là 6,9%. Lạm phát quý 1 là 3,25%; quý 2: 3,72%; quý 3: 3,1% và quý 4 là 4,28%.
Vấn đề lớn nhất là chính sách tài khóa
Đưa ra nhận định tại Báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV và cả năm 2018, nhóm nghiên cứu của VEPR cho rằng, triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong dài hạn sẽ tiếp tục phụ thuộc vào FDI, kết quả gỡ bỏ rào cản thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Theo VEPR, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước nên đặt nhiệm vụ trọng tâm là thu gọn đầu mối quản lý, xóa bỏ các lực cản để từ đó thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa. Hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế được kỳ vọng sẽ khởi sắc nếu các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EU chính thức được thông qua.
Theo nhận định VEPR, vấn đề lớn nhất của Việt Nam nằm ở chính sách tài khóa. Bởi, trong nhiều năm gần đây, bức tranh ngân sách và nợ công không được cải thiện. Quy mô nợ công lớn và sát ngưỡng cho phép (65% GDP) khiến gánh nặng chi trả nợ lãi ngày càng cao. Nguồn thu ngân sách vẫn chỉ đủ hoặc dư thừa không đáng kể sau khi thực hiện tiêu dùng của nhà nước, không có tiết kiệm (phải vay nợ) để thực hiện đầu tư phát triển. Tỷ lệ thu ngân sách nhà nước/GDP có giảm đôi chút nhưng lại chủ yếu là nhờ tư nhân hóa nhiều dịch vụ công.
Đặc biệt, khối tài sản nhà nước ngày càng giảm thông qua bán vốn doanh nghiệp Nhà nước hoặc bán các tài sản nhà nước khác nhưng thâm hụt ngân sách lại không được thu hẹp (vẫn khoảng 4% chưa kể chi trả nợ gốc).
“Điều này có nghĩa là Việt Nam cũng thiếu “đệm tài khóa” để đối phó với các cú sốc bên ngoài (nếu có) như nhiều quốc gia khác. Môi trường kinh doanh theo đó cũng khó được cải thiện khi doanh nghiệp và người dân luôn phải đối mặt với nỗi lo tăng thuế phí để bù đắp cho thâm hụt ngân sách của Chính phủ”, báo cáo của VEPR đưa ra đánh giá.
Theo VnMedia
(Visited 241 times, 1 visits today)