Mục tiêu tăng trưởng 6,6 – 6,8% của năm 2019 do Quốc hội đề ra là khả thi!

Cơ hội giao thương - Với mức tăng trưởng đạt 6,79% của quý 1 vừa qua, nhóm nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,6 - 6,8% của năm 2019 do Quốc hội đề ra khả thi.

Tăng trưởng vẫn được duy trì nhưng có dấu hiệu chững lại

Tại buổi Tọa đàm Công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2019, ông Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, trong quý 1 vừa qua, tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì nhưng có dấu hiệu chững lại.

Bằng chứng, theo số liệu công bố của Tổng cục thống kê, tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 1 đạt mức 6,79%, chứng tỏ đà tăng trưởng có phần giảm sút trong năm 2019.

Khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 6,5% trong quý 1, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước ở mức 6,7%. Bán buôn và bán lẻ với mức tăng trưởng 7,82% tiếp tục là ngành đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế (0,95%); dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 7,6%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,22% và hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,75%.

Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng 8,63% mặc dù thấp hơn mức 10,08% của cùng kỳ 2018 nhưng vẫn có đóng góp cao nhất vào tăng trưởng kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của khu vực này với mức tăng cao 12,35%, nhưng thấp hơn quý 1/2018 (13,56%). Đồng thời, ngành khai khoáng lại tăng trưởng âm với mức 2,2 %.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Các chỉ báo sản xuất công nghiệp cho thấy tốc độ tăng trưởng chững lại. Mặc dù, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) tăng 9,2%, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8%, nhưng đều thấp hơn so với mức tăng của quý 1/2018, chỉ số tồn kho bình quân đạt mức 15,6%. Cùng với đó, tính từ đầu năm đến hết quý 1/2019, các chỉ số sản xuất, tiêu thụ đều có dấu hiệu giảm đáng kể, trong đó, chỉ số tồn kho tăng cao. Điều đó tiềm ẩn nguy cơ đình trệ sản xuất tạm thời.

Trong bối cảnh tăng trưởng GDP ở mức cao, chỉ só quản trị nhà mua hàng (PMI) trong quý 1/2019 lại có sự sụt giảm so với tháng 12. Chỉ số này giảm từ 53,8 điểm xuống lần lượt còn 51,9, 51,2 và 51,9 điểm trong ba tháng đầu năm, thể hiện tốc độ mở rộng chậm ở khu vực sản xuất.

Theo báo cáo kinh tế vĩ mô của VEPR, khảo sát về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp, chế biến, chế tạo do Tổng cục thống kê thực hiện cho thấy sự lạc quan của doanh nghiệp trong quý 1. Trong đó, 33,7% số doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý 1 tốt hơn so với quý 4 năm trước và 40,5% cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. 54,6% doanh nghiệp dự đoán tình hình kinh doanh quý 2 tốt hơn quý 1, trong khi chỉ có 10,6% là dự báo khó khăn hơn.

Riêng về lạm phát, báo cáo của VEPR cũng chỉ rõ, lạm phát có xu hướng gia tăng trở lại trong quý 1/2019. So với cùng kỳ năm 2018, lạm phát toàn phần tăng nhẹ liên tục trong ba tháng đầu năm lần lượt đạt 2,56%; 2,64% và 2,7%. CPI bình quân quý 1/2019 tăng 2,63%, đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Chỉ riêng tháng 2/2019, CPI tăng 0,8% do nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên Đán tăng, nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,73%, lương thực tăng 0,53%; thực phẩm tăng 2,13% so với tháng Một. Nhưng sang đến tháng Ba do lo ngại về dịch tả lợn châu Phi cũng như nhu cầu tiêu dùng sau tết giảm khiến CPI giảm 0,21%.

Mặc dù vậy, Viện trưởng VEPR cho rằng, nền kinh tế trong quý 2/2019 vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do giá điện tăng 8,36% vào ngày 20/3 có thể làm CPI tăng khoảng 3,3%.

Mục tiêu tăng trưởng trong năm 2019

Với mức tăng trưởng đạt 6,79% của quý 1 vừa qua, nhóm nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,6 – 6,8% của năm 2019 do Quốc hội đề ra khả thi.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Thành, trước chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và chủ nghĩa bảo hộ, rủi ro của kinh tế Trung Quốc, tương lai không rõ ràng của tiến trình Brexit và mâu thuẫn trong nội bộ khu vực EU, sự thất thường của Donald Trump…, khiến tương lai của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019 trở nên bất định hơn do có thể chịu ảnh hưởng bởi các cú sốc từ thị trường thế giới.

“Tỷ lệ lạm phát bình quân quý 1 đang ở mức vừa phải (2,63%), tuy nhiên đang có xu hướng gia tăng gần đây. Tác động của việc tăng giá điện và xăng dầu vừa qua đến CPI có thể kéo dài tới 2 – 6 tháng. Do vậy, để đạt được mục tiêu lạm phát dưới 4%, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước vẫn cần sự thận trọng”, Viện trưởng VEPR chia sẻ.

Trong bối cảnh đó, nhóm nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra dự báo tăng trưởng năm 2019 là 6,8%. Trong đó, quý 1, tăng trưởng kinh tế là 6,79% và lạm phát bình quân là 2,63%; quý 2: tăng trưởng kinh tế 6,32% và lạm phát bình quân 2,7%; quý 3: tăng trưởng kinh tế 6,94% và lạm phát bình quân 3,26%; quý 4: tăng trưởng kinh tế 7,16% và lạm phát bình quân 4,2%.

Theo VnMedia

(Visited 13 times, 1 visits today)