Mở lại các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh

Cơ hội giao thương - Các hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu phụ Tân Thanh - Pò Chài khu vực mốc 1088/2-1089 đã chính thức được mở lại từ ngày 20/02/2020 và áp dụng thời gian làm việc từ 08 giờ đến 17 giờ hàng ngày.

Triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 224/CĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2020 về việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới và theo văn bản số 980/BCT-XNK ngày 15 tháng 02 năm 2019 của Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã khẩn trương tiến hành trao đổi, hội đàm với chính quyền tỉnh Quảng Tây để thống nhất cho chính thức mở lại các hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu phụ Tân Thanh – Pò Chài khu vực mốc 1088/2-1089 từ ngày 20/02/2020 và áp dụng thời gian làm việc từ 08 giờ 00 đến 17 giờ 00 (giờ Hà Nội).

Tiến độ xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh còn khá chậm

Theo báo cáo nhanh Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, mặc dù các cơ quan chức năng tại cửa khẩu đang tăng cường triển khai công tác quản lý, giám sát, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu hàng hoá nhưng tính đến thời điểm chiều ngày 20/2/2020, tiến độ xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh còn khá chậm, chỉ có khoảng 11 xe trái cây tươi (trong đó chủ yếu là Thanh long), tương đương 3,6% lượng hàng xuất trước thời điểm dịch bệnh (khoảng 300 xe/ngày), hiện tại cửa khẩu Tân Thanh vẫn đang tồn khoảng 17 xe trái cây tươi.

Qua đánh giá tình hình, Bộ Công Thương nhận định có một số nguyên nhân khiến lượng hàng hóa xuất nhập khẩu hàng qua cửa khẩu Tân Thanh chưa nhiều như nêu trên đó là việc trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới theo chính sách 8.000 NDT/người/ngày chưa được phía Trung Quốc cho phép thực hiện. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành kiểm soát chặt chẽ phương tiện và chủ phương tiện khi thực hiện giao nhận hàng theo quy định của Bộ Y tế nhằm bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt về phòng chống dịch bệnh COVID-19; lực lượng bốc xếp tại bến bãi bên phía Trung Quốc (Khả Phong, Bằng Tường) còn khá mỏng làm ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng.

 
 Các hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu phụ Tân Thanh – Pò Chài khu vực mốc 1088/2-1089 đã chính thức được mở lại

Theo Cục xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, thời gian tới, tình hình dịch bệnh COVID-19 dự kiến có thể còn kéo dài, các lô hàng nông sản và trái cây của Việt Nam mặc dù có thể đã được làm thủ tục thông quan xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới như Tân Thanh, Lạng Sơn, nhưng tiến độ đã và đang chậm hơn rất nhiều so với thời gian trước do các nguyên nhân như nên trên trong đó có việc phải thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh. 

Cần dõi sát tình hình tại khu vực cửa khẩu biên giới

Trước dự báo dịch bệnh COVID-19 còn có thể kéo dài, để giảm thiểu tối đa những nguy cơ, tác động tiêu cực, Bộ Công Thương đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện công văn số 1021/BCT-XNK ngày 18 tháng 02 năm và các công văn, khuyến nghị trước đây của Bộ Công Thương.

Đồng thời để có cơ sở điều hành kịp thời, hiệu quả hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây qua các cửa khẩu biên giới, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình tại khu vực cửa khẩu biên giới, căn cứ theo từng loại hình xuất khẩu và khả năng nhận hàng của phía đối tác Trung Quốc để chủ động điều tiết nhịp độ đưa hàng lên biên giới, hiện tại hàng hóa đưa về cửa khẩu chờ làm thủ tục phải đảm bảo có hợp đồng mua bán, tránh việc đưa hàng lên cửa khẩu với mục đích trao đổi cư dân biên giới.

Bên cạnh đó, tiếp tục liên hệ với đối tác phía Trung Quốc để đàm phán chuyển đổi sang hình thức xuất khẩu chính ngạch và chủ động áp dụng các biện pháp sẵn sàng chuyển đổi như thay đổi dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm… 

“Hiện nay, Bộ Công Thương đã và đang chỉ đạo các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực tại các địa phương ưu tiên cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi cho các lô hàng sẵn sàng chuyển sang hình thức xuất khẩu chính ngạch”, Bộ Công Thương cho hay.

Ngoài ra, cần chủ động nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, trái cây, đồng thời triển khai tốt các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, quy cách đóng gói (bao bì, nhãn mác) cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với các nước nhập khẩu để tạo thuận lợi cho các Bộ, ngành liên quan thực hiện công tác chuyển hướng thị trường thay thế một cách hiệu quả, kịp thời.

Theo VnMedia

(Visited 40 times, 1 visits today)