Kinh tế Việt Nam 2020: Nhiều điểm sáng nổi bật bất chấp COVID-19

Cơ hội giao thương - Theo Bộ Công Thương, trải qua 9 tháng đầu năm 2020, tình hình kinh tế xã hội diễn biến ngày càng tốt hơn, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn tiếp tục được bảo đảm, duy trì được tăng trưởng, đặc biệt là trong quý III khi cả nước căng mình chống dịch COVID-19, nhưng tăng trưởng GDP khởi sắc hơn với mức tăng 2,62%.

Với chỉ đạo điều hành chủ động quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của Nhân dân cả nước, chúng ta đã ứng phó nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả với diễn biến mới của dịch COVID-19, với phương thức, cách làm mới, nhờ đó, trong 30 ngày qua, không có ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng. 

Đến nay, dịch bệnh đã một lần nữa được kiểm soát. Đồng thời, chúng ta tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm đời sống cho nhân dân; tiếp tục củng cố trạng thái bình thường mới, dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh. Có thể nói, mục tiêu kép đã được tổ chức thực hiện hết sức nghiêm túc và đạt kết quả tốt.

 

Trải qua 9 tháng đầu năm 2019, kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựa đáng ghi nhận. Thứ nhất, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2020 tăng 0,12% so với tháng trước và tăng 0,01% so với tháng 12 năm trước, mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Bình quân 9 tháng năm 2020, CPI tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước. Tỉ giá hối đoái, lãi suất cho vay ổn định; dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng. Trong 9 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần hạ lãi suất điều hành để kích thích kinh tế.

Thứ hai, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tháng 9 và 9 tháng đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý III/2020 tăng khá, tăng 7,4% so với cùng kỳ, đặc biệt vốn khu vực Nhà nước tăng 21,5% (9 tháng tăng 13,4% so với cùng kỳ). Thu hút đầu tư nước ngoài, mặc dù gặp khó khăn, đã đạt trên 21 tỷ USD.

Thứ ba, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương là một điểm sáng trên thế giới. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 9/2020 tăng 15% so với cùng kỳ.

Tính chung 9 tháng, xuất khẩu tăng 4,2%. Có 30 mặt hàng xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD (cùng kỳ năm 2019, chỉ có 26 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch hơn 1 tỷ USD); 5 mặt hàng xuất khẩu hơn 10 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu giảm 0,8%, chủ yếu là nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,5%. Xuất siêu đạt kỷ lục, gần 17 tỷ USD. Điểm ấn tượng là xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 20,2%, nhanh hơn FDI; nông nghiệp phấn đấu vượt mức xuất khẩu 41 tỷ USD.

Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra, nhưng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; với nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu dồi dào, là cơ sở tiền đề quan trọng để thực hiện công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và ổn định xã hội. Người nông dân “được mùa, được giá”. Năng suất lúa tăng 0,9 tạ/ha. Sản lượng thu hoạch nhiều loại cây ăn quả, cây công nghiệp tăng mạnh (điều tăng 17,8%; vải tăng 15%; nhãn tăng 12,4%; thanh long tăng 8,4%…).

Sản xuất công nghiệp tháng 9/2020 đã có sự khởi sắc, mở ra hy vọng sớm phục hồi và tăng trưởng mạnh trở lại trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, trong 9 tháng, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chỉ tăng 2,69%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6% và là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm 2011-2020.

Hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng 9 đã tăng trưởng trở lại, thị trường hàng hóa và đời sống của người dân dần ổn định, các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố đã mở cửa trở lại. Các hoạt động kích cầu tiêu dùng, du lịch đang được triển khai quyết liệt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2020 tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 4,9% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng nhẹ 0,7%.

Hoạt động của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nhưng kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/2020 với khoảng 81% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn.

Mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của Việt Nam (do Nikkei đánh giá) đã tăng lên 52,2 điểm trong tháng 9, cao nhất ASEAN và so với 45,7 điểm tháng 8, thể hiện xu hướng phục hồi rõ nét của nền kinh tế Việt Nam.

Theo VnMedia

(Visited 11 times, 1 visits today)